Bảo hiểm tai nạn lao động: Mức đóng sẽ thay đổi theo từng doanh nghiệp
(LĐXH) - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang dự thảo Nghị định quy định mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ – BNN) với đề xuất mức đóng của các doanh nghiệp sẽ nâng từ 0,5% lên 0,7% trên quỹ tiền lương.
Giảm 4.500 tỷ đồng vào quỹ tai nạn lao động
Trước đây, Luật An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) quy định Người sử dụng lao động hàng tháng đóng mức 1% trên quỹ tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của người lao động vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN. Từ ngày 1/6/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 44/2017/NĐ-CP, trong đó quy định người sử dụng lao động hàng tháng đóng 0,5% trên quỹ tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của người lao động vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN (Mức đóng được giảm từ 1% xuống chỉ còn 0,5%).
Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về ATVSLĐ giai đoạn 2016-2018 cho thấy, với mức đóng hiện hành (hằng tháng đóng 0,5% trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động) thì số tiền giảm so với mức 1% trước đó là 4.500 tỷ đồng.
Trong khi đó, số tiền chi cho người lao động bị TNLĐ, BNN đang ngày càng tăng, trung bình mỗi năm tăng thêm khoảng 70 tỷ đồng/năm. Đồng thời, chưa kể đến việc thực hiện chi 10% từ quỹ phòng ngừa và chi hỗ trợ đào tạo nghề cho người bị TNLĐ.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam dự báo nếu giữ nguyên mức đóng như quy định hiện nay thì 21-33 năm nữa, quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN sẽ bắt đầu phải sử dụng quỹ dự phòng.
Để bảo đảm việc cân đối quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN và nhằm tạo sự công bằng, khuyến khích các doanh nghiệp giảm thiểu TNLĐ, BNN cho người lao động việc, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang xây dựng, lấy ý kiến ban hành nghị định thay thế Nghị định số 44/2017/NĐ-CP quy định mức đóng bảo hiểm TNLĐ, BNN.
Phân chia các mức đóng bảo hiểm TNLĐ, BNN khác nhau giữa các doanh nghiệp
Theo quy định của dự thảo, mức đóng vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN căn cứ vào mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội (nếu đối tượng lao động thuộc điểm a, b, c, d, đ, và h khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội) hoặc căn cứ vào mức lương cơ sở (nếu đối tượng lao động thuộc điểm e khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội).
Đối với người sử dụng lao động trong các cơ quan Đảng, đoàn thể, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, hàng tháng đóng 0,5% trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động.
Người sử dụng lao động hàng tháng đóng 0,7% trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động. Mức đề xuất này, cao hơn 0,2% so với mức đóng 0,5% theo quy định hiện hành tại Nghị định 44/2017/NĐ-CP.
Nếu người sử dụng lao động đáp ứng được các điều kiện: Thực hiện báo cáo định kỳ tai nạn lao động (TNLĐ) và an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong 3 năm liền kề; không có vi phạm về ATVSLĐ trong 3 năm liền kề; giảm 50% tần suất TNLĐ tính từ năm liền kề; chi phí thực hiện kế hoạch ATVSLĐ trong 3 năm bằng ít nhất 0,3% trên quỹ tiền lương; đạt được chứng nhận tiêu chuẩn hệ thống quản lý ATVSLĐ theo tiêu chuẩn ISO 45001:2018; mức đóng giảm còn 0,5%.
Nếu người sử dụng đáp ứng được các điều kiện như thực hiện báo cáo định kỳ tai nạn lao động trong 3 năm liền kề; không có vi phạm về an toàn lao động trên 3 năm; giảm 75% tần suất TNLĐ; chi phí thực hiện kế hoạch ATVSLĐ bằng ít nhất 0,5% trên quỹ tiền lương, đạt được chứng nhận tiêu chuẩn hệ thống quản lý ATVSLĐ theo tiêu chuẩn ISO 45001:2018; mức đóng giảm còn 0,3%.
Trong trường hợp người sử dụng khai báo gian dối, làm giả hồ sơ để hưởng các quyền lợi trên, bị phát hiện, mức đóng tăng lên 1%.
Người sử dụng lao động có thể đóng vào quỹ hàng tháng, 3 tháng hoặc 6 tháng./.
Cảnh Minh
TAG: