(LĐXH)-Đây là đề nghị của Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Trọng Đàm tại Hội thảo “Nâng cao chất lượng công tác truyền thông về giảm nghèo trên báo chí 2017” được tổ chức từ ngày 16-17/5 tại Phú Thọ.
Sáng nay (17/5), tại TP Việt Trì (Phú Thọ), Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo phối hợp với Tạp chí Lao động và Xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) tổ chức Hội thảo: “Nâng cao chất lượng công tác truyền thông về giảm nghèo trên báo chí”. Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm; ông Hà Kế San – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ; ông Ngô Trường Thi – Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Quốc gia giảm nghèo; TS Trần Ngọc Diễn – Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội; đại diện lãnh đạo các cơ quan báo chí, cùng đông đảo phóng viên Trung ương và địa phương.
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm phát biểu chỉ đạo Hội thảoPhát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm khẳng định, trong những năm gần đây, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trong công tác giảm nghèo, được thế giới đánh giá là điểm sáng và là một trong 6 quốc gia hoàn thành mục tiêu Thiên niên kỷ trước thời hạn. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 14,2% năm 2010 xuống còn 4,25% năm 2015 theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 – 2015, bình quân giảm 2%/năm. Những kết quả này có một phần đóng góp của công tác truyền thông về giảm nghèo, trong đó báo chí có vai trò quan trọng.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của báo chí trong truyền thông về giảm nghèo, thời gian qua Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Thông tin – Truyền thông và các đơn vị liên quan cùng các cơ quan báo chí đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền và đã thu được những kết quả đáng khích lệ. Với sự vào cuộc nhanh chóng của báo chí, nhận thức của các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền các cấp cùng các tầng lớp nhân dân về giảm nghèo đã có chuyển biến mạnh mẽ.
Tuy nhiên, việc tuyên truyền về giảm nghèo bền vững, giảm nghèo đa chiều trên các cơ quan báo chí thời gian qua còn nhiều hạn chế, chưa phát huy hết vai trò của kênh truyền thông quan trọng này. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới một bộ phận cán bộ cơ sở và nhân dân chưa nhận thức đúng về tầm quan trọng và ý nghĩa của giảm nghèo, còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, chưa có ý thức vươn lên thoát nghèo.
TS. Trần Ngọc Diễn, Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội phát biểu tại Hội thảoThứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm nhấn mạnh, đo lường về giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 đã thay đổi từ đơn chiều sang tiếp cận đa chiều, toàn diện hơn về giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, môi trường, thông tin… Từ đó ban hành chính sách phù hợp, giải quyết nghèo đòi toàn diện, đạt mục tiêu thiên niên kỷ đến 2030 là giảm nghèo toàn diện, không để ai lại phía sau. Chính sách cũng chuyển mạnh sang tạo môi trường, điều kiện để người nghèo tự vươn lên thay vì cho không, “cho cần câu và hướng dẫn cách câu cá”. Phương châm là dựa hoàn toàn vào cộng đồng, lấy người dân làm chủ thể, động lực chính để thoát nghèo, Nhà nước không làm thay mà chỉ hỗ trợ về môi trường.
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm khẳng định báo chí, cơ quan truyền thông cần bám sát vào những quan điểm, định hướng, chính sách về xóa đói giảm nghèo để tập trung tuyên truyền, làm thay đổi, thống nhất nhận thức của các cấp; chuyển tải các chính sách một cách đa dạng, phong phú; thúc đẩy huy động nguồn lực trong cộng đồng; tuyên truyền, khích lệ, phổ biến rộng các mô hình thành công; tuyên truyền các gương điển hình có ý chí vươn lên. Báo chí cũng cần mạnh dạn phê phán những cách làm, tư duy chưa đúng.
Hội thảo lần này là dịp để các cơ quan báo chí, các nhà báo trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm cũng như những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc trong việc tuyên truyền về giảm nghèo. Những kiến nghị, đề xuất và kết luận tại Hội thảo này sẽ là cơ sở để Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục triển khai kế hoạch tuyên truyền về giảm nghèo một cách thiết thực, hiệu quả.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Hà Kế San – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho biết, giai đoạn 2011-2015, với các chính sách và nguồn lực đồng bộ về phát triển hạ tầng kỹ thuật, hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người nghèo, hộ nghèo, Phú Thọ đã đạt được những kết quả quan trọng: Kinh tế tiếp tục phát triển; văn hoá - xã hội đạt nhiều kết quả tích cực; an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống nhân dân được cải thiện, cơ bản thoát khỏi tỉnh nghèo; tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 20,34% năm 2011 giảm xuống 7,8%, tương ứng 12,04 tiếp cận nghèo đa chiều (năm 2015); Riêng huyện nghèo Tân Sơn, tỷ lệ hộ nghèo từ 42% (năm 2011) giảm xuống dưới 20%, tương ứng 30,53% (năm 2015). Các chính sách, dự án của chương trình thực hiện đạt và vượt mục tiêu đề ra.
Các đại biểu trao đổi bên lề Hội thảoThời gian tới, Phú Thọ tiếp tục tập trung nguồn lực đủ mạnh để thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo chung và đặc thù, đạt mục tiêu đề ra. Khắc phục tâm lý ỷ lại, cần giảm mạnh những hỗ trợ trực tiếp, cho không và chuyển dần sang hỗ trợ có điều kiện, hỗ trợ có thu hồi và nâng cao ý thức của người hưởng lợi. Tập trung ngân sách cho hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất kinh doanh để thoát nghèo, nâng cao khả năng tiếp cận thị trường, tiếp cận dịch vụ xã hội để giúp họ thoát nghèo bền vững.
Ông Hà Kế San – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ phát biểu tại Hội thảo Giảm hỗ trợ bình quân giữa các địa bàn, các nhóm đối tượng, nhất là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đầu tư thỏa đáng cho việc truyền thông nâng cao nhận thức, lợi ích của cộng đồng, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền và các cơ quan hữu quan, các doanh nghiệp, trong chương trình giảm nghèo bền vững.
Tại Hội thảo, TS. Trần Ngọc Diễn, Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội khẳng định, những thành tựu to lớn trong công cuộc xóa đói giảm nghèo Việt Nam đạt được trong thời gian qua một phần có được cũng là nhờ việc tuyên truyền các chính sách của Đảng và Nhà nước, các chương trình, dự án, các mô hình, điển hình trong công tác xoá đói giảm nghèo đến cán bộ và nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các huyện nghèo đã được triển khai tích cực, có hiệu quả với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, trong đó các cơ quan báo chí đóng một vai trò quan trọng.
Các cơ quan báo chí đã làm tốt vai trò định hướng dư luận xã hội, thông tin, tuyên truyền về giảm nghèo một cách thường xuyên, liên tục với mật độ tương đối lớn ở hầu hết các loại hình; nhiều phương tiện thông tin đại chúng đã lập hẳn chuyên mục riêng, ra ấn phẩm chuyên đề, chuyên trang, chuyên mục về lĩnh vực này. Trong bối cảnh thông tin điện tử ngày càng phát triển mạnh mẽ, cũng đã xuất hiện một số trang thông tin điện tử chuyên về công tác giảm nghèo. Chỉ cần gõ từ khóa “giảm nghèo” trong Google, ta đã có 3.480.000 kết quả trong 0,59 giây.
Báo chí đã phản ánh chính xác, kịp thời những vấn đề liên quan đến công tác giảm nghèo; tình hình thực tế cuộc sống của người nghèo, cộng đồng nghèo, nhất là ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đồng bào khó khăn; vận động đồng bào áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất và đời sống; các vướng mắc, bất cập của cơ chế chính sách; các vấn đề bức xúc của xã hội liên quan đến lĩnh vực giảm nghèo, đồng thời đề xuất được giải pháp thiết thực nhằm tháo gỡ sự bất cập, khó khăn trong lĩnh vực này….
Toàn cảnh Hội thảoĐa số các bài viết, tin tức về giảm nghèo có tính thời sự cao; phản ánh chân thực, sinh động các gương điển hình trong công tác giảm nghèo, các mô hình giảm nghèo hiệu quả, các phong trào thi đua, các chương trình, dự án để người dân học hỏi, phấn đấu thoát nghèo.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyên truyền các chính sách về giảm nghèo trên các cơ quan báo chí cũng còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu. Mặc dù đã có nhiều bài viết, tin tức về lĩnh vực này nhưng thông tin trên báo chí vẫn chưa thể vươn tới nhiều nơi tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong khi đây lại là nơi tập trung đa số hộ nghèo, do đó hiệu quả truyền thông chưa được như mong muốn.
Nhiều cơ quan báo chí mới chỉ dừng ở việc đưa tin, phản ánh sự kiện, giới thiệu các quan điểm, chính sách, chưa có những bài tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm, thiếu những bài bình luận, chuyên luận mang tính khái quát cao. Nội dung tuyên truyền, phổ biến chưa được chọn lọc, chưa sát với người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số. Cách thức thể hiện, truyền tải thông tin chưa hấp dẫn đông đảo bạn đọc. Nhiều tác phẩm báo chí vẫn mang tính hàn lâm, nặng về thông tin khoa học, chưa tạo sự gần gũi, dễ hiểu cho bà con; một số nội dung truyền tải còn khô khan, chưa thực sự hấp dẫn bạn đọc, người xem, người nghe đài…
Chính vì vậy, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, khắc phục tình trạng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước vẫn chưa đạt hiệu quả cao. Một bộ phận không nhỏ cán bộ và người dân nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện nghèo và các tỉnh khó khăn vẫn chưa nắm bắt và hiểu đúng các chủ trương, chính sách về giảm nghèo, còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước.
Ông Ngô Trường Thi – Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Quốc gia giảm nghèo thông tin tại Hội thảoTại Hội thảo, các đại biểu đã có những tham luận làm rõ nhiều vấn đề bức thiết đặt ra đối với báo chí trong lĩnh vực truyền thông xóa đói giảm nghèo. Ông Nguyễn Văn Hùng, Hàm Vụ trưởng Vụ Báo chí- Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương đề xuất: Báo chí cần tiếp tục làm sâu sắc hơn những nội dung như: Tiếp tục phản ánh thực trạng đói, nghèo ở Việt Nam một cách thực chất, đầy đủ, khách quan bằng những khảo sát cơ bản, khoa học; tiếp tục cắt nghĩa cho được nguyên nhân cụ thể, chi tiết của nghèo đói đối với từng đối tượng, thành phần xã hội lâm vào tình trạng nghèo, theo đó là những đề xuất các giải pháp căn cơ, phù hợp từng đối tượng, vùng miền; phổ biến kinh nghiệm hay, cách làm hợp lý, những lời giải bài toán đói nghèo thành công trong cả nước.
Hội thảo thu hút đông đảo các đại biểu, phóng viên báo chíCác cơ quan chức năng chuyên sâu về lĩnh vực xóa đói, giảm nghèo thông qua các cơ quan tham mưu về báo chí nên chủ động hơn trong công tác phối hợp, cung cấp thông tin, nội dung, yêu cầu cần tuyên truyền cho các cơ quan báo chí. Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo cùng các cơ quan liên quan nên quan tâm phối hợp với các cơ quan định hướng và quản lý thông tin đánh giá đúng năng lực tổ chức ấn phẩm báo chí và chất lượng, hiệu quả truyền thông của những cơ quan báo chí được cấp miễn phí các ấn phẩm, xuất bản phẩm cho vùng khó khăn, dân tộc, miền núi.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Hàm Vụ trưởng Vụ Báo chí- Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương trình bày tham luận“Theo dõi báo chí hàng ngày, nhận thấy, dường như thông tin, phản ánh về chủ đề giảm nghèo còn mờ nhạt, chưa được như mong muốn. Hội thảo nên cùng bàn với nhau làm thế nào để thu hút sự quan tâm và trách nhiệm chính trị của báo chí về thể tài này? Bởi lẽ, giảm nghèo bền vững nằm trong chiến lược quốc gia, muốn thành công phải có sự đồng hành, tham góp tích cực của báo chí” – ông Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
TS. Trần Bá Dung - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nghiệp vụ - Hội Nhà báo Việt Nam trình bày tham luận: “Nâng cao chất lượng truyền thông về giảm nghèo trên báo chí: Một số kinh nghiệm và giải pháp”.
Chia sẻ kinh nghiệm truyên truyền về giảm nghèo của Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam và một số kiến nghị, TS. Nguyễn Công Dũng - Phó Tổng biên tập thường trực Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam cho biết: Nhằm nâng cao nhận thức về giảm nghèo đa chiều, Ban Biên tập Báo có nhiều định hướng để từng phóng viên tự học, tự bồi dưỡng để quá trình tác nghiệp báo chí kịp thời và sát với thực tiễn.
TS. Nguyễn Công Dũng - Phó Tổng biên tập thường trực Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam trình bày tham luận tại Hội thảoĐể động viên các phóng viên, CTV nâng cao hiệu quả tuyên truyền về xóa đói giảm nghèo, Báo thường niên tổ chức trao giải cho các tin, bài có nội dung xuất sắc. Đồng thời, Chi hội Nhà báo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam cũng lựa chọn các tin, bài có nội dung tuyên truyền tốt để đi dự thi các giải báo chí, và đã đạt nhiều giải.
Với cơ cấu tổ chức lực lượng như trên, bình quân tuyến tin, bài tuyên truyền về công tác xóa đói giảm nghèo chiếm khoảng 18% tổng lượng tin, bài, bao gồm loại hình báo điện tử và truyền hình internet. Khối lượng tin, bài này đã phần nào góp phần vào hoạt động tuyên truyền về giảm nghèo đa chiều trong hệ thống truyền thông chung.