Bàn về chế độ an sinh xã hội đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam
(LĐXH)- Người nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo nhiều hình thức trong đó có hợp đồng lao động. Cũng như người lao động Việt Nam, người lao động nước ngoài (NLĐNN) khi giao kết hợp đồng lao động đều muốn được tham gia các chế độ an sinh xã hội trong quan hệ lao động. Bài viết đề cập một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chế độ an sinh xã hội (ASXH) của Việt Nam đối với NLĐNN làm việc theo hợp đồng lao động.
Người lao động nước ngoài làm việc theo hợp đồng lao động (HĐLĐ) là công dân có quốc tịch nước ngoài và có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật để làm việc tại Việt Nam (Khoản 1 Điều 151, Bộ luật lao động 2019). NLĐNN khi giao kết HĐLĐ là xác lập quyền, nghĩa vụ của người lao động (NLĐ) và cũng phải thực hiện các quyền, nghĩa vụ theo quy chế người nước ngoài.
Bộ luật lao động 2019 quy định: “NLĐNN làm việc tại Việt Nam phải tuân theo pháp luật lao động Việt Nam và được pháp luật Việt Nam bảo vệ, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên quy định khác” (Khoản 3 Điều 151).
Chế độ ASXH của Việt Nam đối với NLĐNN mặc dù còn hạn chế do các nguyên nhân về an ninh quốc phòng, kinh tế, xã hội nhưng vẫn phải bảo đảm quyền và lợi ích cơ bản của họ. Nhà nước cũng trao trách nhiệm cụ thể cho người sử dụng lao động để cùng tham gia đóng góp, thực hiện chế độ ASXH cho NLĐNN.
Yêu cầu về chế độ an sinh xã hội đối với người lao động nước ngoài
Sử dụng lao động nước ngoài tại mỗi quốc gia là đòi hỏi nhân lực tất yếu, vì vậy chế độ ASXH cũng là nội dung quan trọng không thể thiếu trong điều chỉnh quan hệ lao động (QHLĐ) với NLĐNN. Nếu pháp luật điều chỉnh toàn diện, phù hợp thì sẽ phát triển được QHLĐ, tác động tích cực đến môi trường kinh tế và hợp tác quốc tế. Trên cơ sở những đặc trưng của đối tượng NLĐNN, Nhà nước xác lập các nội dung pháp lý về điều kiện, thủ tục, thời hạn v.v..khi xây dựng chế độ ASXH, đặc biệt là các quyền, nghĩa vụ bị tác động bởi yếu tố quốc tịch, cư trú.
Chế độ ASXH đối với NLĐNN phải phù hợp với nội dung, nguyên tắc chung của pháp luật ASXH. Do yêu cầu chính sách, quản lý, các quốc gia đều có các điều kiện ASXH riêng đối với NLĐNN, tuy nhiên những điều kiện này vẫn phải phù hợp với nội dung, nguyên tắc chung và xem xét trong quá trình thay đổi, phát triển của pháp luật ASXH. Những quy định riêng (do khác biệt về quốc tịch, cư trú) có thể được ban hành thành một đạo luật độc lập, hoặc một phần riêng của văn bản pháp luật ASXH. Nếu pháp luật không xác định những quyền và nghĩa vụ pháp lý đặc biệt đối với NLĐNN thì họ đương nhiên vẫn sẽ được hưởng quyền và nghĩa vụ ASXH như người lao động của nước sở tại.
Chế độ ASXH đối với NLĐNN được Nhà nước thống nhất quản lý nhằm đảm bảo an toàn, chia sẻ rủi ro và tạo điều kiện để họ sinh sống, làm việc trong một xã hội tiến bộ, nhân văn. Ở Việt Nam cũng như nhiều quốc gia, Nhà nước là chủ thể quản lý hệ thống ASXH bao gồm vấn đề ASXH của NLĐNN. Việc quản lý này luôn cần có sự tham gia, phối hợp của các cơ quan nhà nước khác nhau với sự phân công và xác định rõ trách nhiệm. Ngoài ra, quản lý ASXH đối với NLĐNN cũng phải đảm bảo đồng bộ với quản lý lao động và yêu cầu quản lý khác với người nước ngoài.
Chế độ ASXH đối với NLĐNN luôn chịu tác động bởi những yếu tố mang tính “rào cản” hoặc “hỗ trợ” của quốc gia. Mặc dù NLĐNN không bị phân biệt đối xử với lao động trong nước nhưng việc bảo đảm ASXH có thể bị hạn chế vì còn phải xem xét đến các nguyên tắc bảo hộ công dân và các yêu cầu về an ninh xã hội của nước tiếp nhận lao động.
Mọi người nước ngoài (bẩm sinh hay pháp lý), đều bị hạn chế về quyền ASXH trừ trường hợp họ là công dân của một nước đã trao những quyền tương tự. NLĐNN làm việc theo HĐLĐ tại Việt Nam cũng không được đương nhiên hưởng quyền ASXH mà phải đáp ứng các yêu cầu về xuất nhập cảnh, cư trú, công việc, trình độ v.v...Người sử dụng lao động (NSDLĐ) cũng có thêm trách nhiệm đối với NLĐNN khi thực hiện chế độ ASXH so với người lao động (NLĐ) Việt Nam.
Thực trạng chế độ an sinh xã hội đối với người lao động nước ngoài.
Người lao động Việt Nam khi giao kết HĐLĐ sẽ được tham gia các chế độ ASXH là chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc, bảo hiểm y tế (BHYT), và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) (Điểm i khoản 1 Điều 21, Điều 168, 169 Bộ luật lao động 2019). NLĐNN là đối tượng tham gia chế độ BHXH bắt buộc theo Khoản 2 Điều 2 của Luật bảo hiểm xã hội 2014. Luật có hiệu lực từ 1/1/2016 nhưng ngày 1/1/2018 quy định này mới có hiệu lực (Khoản 1 Điều 124). Chính phủ đã ban hành Nghị định 143/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/12/2018 (Điều 9, 10 có hiệu lực từ 1/1/2022) quy định chi tiết Luật BHXH và Luật an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) về BHXH bắt buộc đối với NLĐ là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Điều kiện để NLĐNN làm việc tại Việt Nam được tham gia BHXH bắt buộc là (1) Phải có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề, hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp; (2) Phải có HĐLĐ không xác định thời hạn, HĐLĐ xác định thời hạn từ đủ 01 năm trở lên với NSDLĐ tại Việt Nam; (3) Không thuộc trường hợp di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp; (4) Chưa đến tuổi nghỉ hưu theo quy định (Khoản 1, 2 Điều 2 Nghị định 143/2021/NĐ-CP).
NLĐNN giao kết HĐLĐ với nhiều NSDLĐ và thuộc diện áp dụng BHXH bắt buộc thì chỉ đóng BHXH đối với HĐLĐ giao kết đầu tiên. Riêng tham gia vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN) thì NSDLĐ phải đóng theo từng HĐLĐ đã giao kết (Khoản 4 Điều 13 Nghị định 143/2021/NĐ-CP).
NLĐNN được tham gia đầy đủ 5 chế độ BHXH bắt buộc: ốm đau; thai sản; TNLĐ, BNN; hưu trí và tử tuất. Tuy nhiên, do NLĐNN làm việc theo thời hạn của giấy phép lao động, không thường xuyên cư trú tại Việt Nam và việc áp dụng, thực hiện lại theo lộ trình nên các chế độ được tính trên thời gian NLĐ tham gia BHXH theo quy định của Nghị định (Điều 5 Nghị định 143/2018/NĐ-CP).
Chế độ ốm đau, thai sản, hưu trí, tử tuất của NLĐNN (Điều 6, 7, 9, 10 Nghị định 143/2018/NĐ-CP) dẫn chiếu theo quy định Luật BHXH 2014 về các chế độ đó như đối với NLĐ Việt Nam.
Chế độ TNLĐ, BNN của NLĐNN (Điều 8 Nghị định 143/2018/NĐ-CP) dẫn chiếu theo quy định của Luật ATVSLĐ 2015. NLĐNN là đối tượng áp dụng của Luật ATVSLĐ 2015 (Khoản 4 Điều 2) nhưng không phải đối tượng tham gia chế độ bảo hiểm TNLĐ, BNN (Khoản 1 Điều 43). Nhưng từ 1/1/2018 NLĐNN được tham gia BHXH bắt buộc bao gồm cả chế độ TNLĐ, BNN.
Trong nội dung các văn bản cũng có một số quy định hạn chế liên quan đến vấn đề quốc tịch, cư trú của NLĐNN (ví dụ: điểm d khoản 6 Điều 9 Nghị định 143/2018/NĐ-CP về chế độ hưởng BHXH một lần; Điểm b khoản 3 Điều 10 Nghị định 143/2018/NĐ-CP về chế độ tiền tuất một lần v.v..)
Mức đóng và tiền lương đóng BHXH cho NLĐNN thực hiện theo Điều 12, 13, 14 Nghị định 143/2018/NĐ-CP. Việc chuyển đổi chế độ BHXH đối với người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng không còn cư trú tại Việt Nam theo Điều 11 Nghị định 143/2018/NĐ-CP.
NLĐNN được tham gia BHYT theo quy định của Luật BHYT 2008 (Khoản 2 Điều 1; Khoản 2 Điều 2). NLĐNN “làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên; người lao động là người quản lý doanh nghiệp hưởng tiền lương” thuộc nhóm đối tượng tham gia BHYT mà NLĐ và NSDLĐ cùng đóng (Điểm a Khoản 1 Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế 2008). Pháp luật BHYT cũng không phân biệt lao động Việt Nam và NLĐNN, vì vậy các quy định về BHYT áp dụng với lao động Việt Nam cũng sẽ áp dụng đối với NLĐNN.
NLĐNN không phải đối tượng tham gia BHTN. Luật Việc làm 2013 quy định chế độ BHTN chỉ áp dụng cho NLĐ Việt Nam (Điều 1 và Khoản 1 Điều 3). Thực hiện chế độ BHTN với NLĐNN có khó khăn cả về lý thuyết và thực tiễn vì NLĐNN không phải là đối tượng để được hưởng các chế độ chính sách về việc làm của nhà nước Việt Nam. Giấy phép lao động hết hiệu lực thì HĐLĐ với NLĐNN sẽ phải chấm dứt. Thời gian NLĐNN ở lại Việt Nam sau khi chấm dứt HĐLĐ sẽ rơi vào tình trạng cư trú bất hợp pháp nếu không có căn cứ khác.
Để thực hiện tốt công tác quản lý và thực hiện các chế độ, chính sách đối với NLĐNN làm việc tại Việt Nam, các cơ quan có thẩm quyền cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện chế độ ASXH đối với NLĐNN. Hiện nay chưa có Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 143/2018/NĐ-CP (mới chỉ có các công văn hướng dẫn và giải đáp của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội). Luật Bảo hiểm y tế 2008 cũng chưa có văn bản hướng dẫn riêng về NLĐNN mà vẫn áp dụng theo quy định chung đối với NLĐ.
Nhà nước cần xúc tiến đàm phán và thỏa thuận với các nước khác về tinh thần và cách thức thực hiện chế độ BHXH bắt buộc đối với NLĐNN. Việt Nam cũng cần xem xét ký kết thêm các thỏa thuận tránh nộp BHXH hai lần, áp dụng điều khoản loại trừ với những trường hợp không có thỏa thuận song phương v.v...
NLĐNN không thuộc đối tượng được tham gia BHTN theo Luật Việc làm 2013, tuy nhiên trong thời gian tới cần tiếp tục nghiên cứu một hình thức bảo hiểm việc làm phù hợp hơn với NLĐNN.
Thực tiễn thực hiện chế độ ASXH đối với NLĐNN cũng đã phát sinh một số vấn đề vướng mắc nên cần rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định hiện hành. VD: khác biệt, khó khăn về ngôn ngữ của NLĐNN khi tham gia BHYT, NLĐNN đăng ký khám chữa bệnh tại cơ sở quốc tế thì chi phí lớn, vượt khả năng chi trả của quỹ; NLĐNN có thời gian làm việc không dài nên không kịp giải quyết thủ tục ... ./.
Tài liệu tham khảo
1. Bộ luật lao động 2019.
2. Luật Bảo hiểm xã hội 2014 (Sửa đổi bổ sung năm 2015, 2018, 2019).
3. Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015.
4. Luật Bảo hiểm y tế 2008 (Sửa đổi, bổ sung năm 2013, 2014, 2015, 2018).
5. Luật Việc làm 2013.
6. Nghị định 143/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật bảo hiểm xã hội và Luật an toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
TS. Nguyễn Thu Ba
Khoa Luật - Trường Đại học Kinh tế quốc dân
TAG: