An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Bài toán giảm nghèo bền vững đối với bà con dân tộc Lạng Sơn
01:42 PM 30/06/2017
(LĐXH)- Để giảm nghèo bền vững, cần có những chính sách đặc thù, trao quyền cho người dân, cũng như có chương trình mang tính dài hơi, ổn định, tránh tình trạng manh mún, dàn trải.
Trong những năm qua, Lạng Sơn đã đạt được kết quả đáng khích lệ trong công tác giảm nghèo. Nhiều dự án hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất cho các xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn bản đặc biệt khó khăn đã giúp đồng bào các dân tộc trong tỉnh thụ hưởng nhiều chính sách ưu đãi, tự tin vươn lên phát triển kinh tế.
Tại Văn Lãng, đã có 33 hộ nghèo được hưởng lợi từ dự án chăn nuôi lợn thịt. Đến nay, 10 hộ đã vươn lên thoát nghèo do đầu từ cả chăn nuôi lẫn trồng cây ăn quả. Tuy nhiên, theo đánh giá, chương trình vẫn mang tính chất manh mún, chăn nuôi nhỏ lẻ, lại hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường nên bà con gặp rủi ro cao.
Trồng cây ăn quả là một trong những lợi thế của Lạng Sơn
Đa số những hộ thoát nghèo do có tiềm lực, cùng với sự hỗ trợ từ Nhà nước nên đã mở rộng đầu tư sản xuất, còn những hộ ít vốn và tiềm lực thì vẫn chưa có lời giải thỏa đáng cho bài toán thoát nghèo bền vững. Đa số hộ nghèo đều thiếu phương tiện sản xuất, thậm chí trong gia đình có người mắc bện nan y, nên để thoát nghèo là vô cùng khó khăn.
Cũng tại Lạng Sơn, thực hiện Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg ngày 07/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn, từ năm 2010, tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ bằng tiền mặt theo định mức quy định (đối với người dân thuộc hộ nghèo ở xã khu vực II, xã biên giới, xã bãi ngang, hải đảo vùng khó khăn là 80.000 đồng/người/năm; đối với người dân thuộc hộ nghèo ở xã khu vực III vùng khó khăn là 100.000 đồng/người/năm) để các đối tượng thụ hưởng chính sách chủ động mua sắm nguyên liệu, vật tư phục vụ sản xuất và đời sống phù hợp với thực tế của từng hộ. Bên cạnh đó, hỗ trợ bằng hiện vật như giống cây trồng, giống vật nuôi, thuốc thú y, muối iốt…
Tuy nhiên, theo đánh giá, mức tiền hỗ trợ như vậy so với giá cả nguyên liệu, vật tư, giống cây trồng, vật nuôi… không thấm vào đâu đối với hộ nghèo khi đầu tư vào để sản xuất, chăn nuôi cũng như không thể đánh giá được hiệu quả đầu tư từ sự hỗ trợ ít ỏi như vậy. Hình thức hỗ trợ bằng hiện vật thì không khả thi và rất khó thực hiện đối với vùng khó khăn, vì việc vận chuyển giống cây trồng, giống vật nuôi… khi đến tay đối tượng sẽ phát sinh thêm giá dịch vụ vận chuyển đắt đỏ vì giao thông đi lại khó khăn. Bên cạnh đó, khi giống cây trồng, vật nuôi đến được đối tượng thì đã không còn đảm bảo chất lượng để nuôi trồng.
Lối đi nào cho đồng bào trong “cuộc chiến” giảm nghèo?
Ông Nguyễn Văn Sài, Phó Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Văn Lãng cho biết, Văn Lãng vẫn là huyện nghèo trong so với mặt bằng chung của tỉnh, số hộ nghèo còn tới 25,9%. Vì thế, với mức hỗ trợ hộ nghèo nuôi lợn thịt như giai đoạn vừa qua là còn hạn chế và ít ỏi nên hiệu quả không cao, chưa giải quyết được tận gốc chuyện giảm nghèo trên địa bàn.
Ông Nguyễn Văn Sài, Phó Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Văn Lãng
Ông Nguyễn Văn Sài cũng nhấn mạnh, Lạng Sơn chủ yếu là đất đồi, rừng, vì vậy đầu tư kinh tế rừng là hợp lý trong các chương trình giảm nghèo. Cần xác định những cây trồng đem lại giá trị kinh tế cao, rồi cho bà con vay vốn với lãi suất thấp nhưng lâu dài để đầu tư, có thể từ 15-20 năm. Trước đây, theo dự án 661, nhiều địa phương trong tỉnh trồng thông, đến nay đã bắt đầu cho thu nhập.
Bà con ở đây chủ yếu dựa vào nông nghiệp vì thế nếu nhiều vốn, có tiềm lực thì mới thể đầu tư lâu dài và bài bản được, nếu không vẫn mãi là manh mún, nhỏ lẻ và bấp bênh. Trong tương lai gần, cần chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Ngoài thời gian nông nhàn, bà con  cần giao thương buôn bán với phía Trung Quốc để có thêm thu nhập.
Theo kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội đến 2020, Lạng Sơn xác định cơ cấu công lâm nghiệp chiếm 19 - 20%, công nghiệp - xây dựng 20 - 21%, dịch vụ 60 - 61%. Tỉnh chỉ rõ, giảm nghèo là vấn đề trọng tâm, xuyên suốt và phải gắn với  thế mạnh của địa phương. Đối với bà con các dân tộc trong tỉnh, hướng đi đúng đắn là tiếp tục lựa chọn một số sản phẩm có lợi thế để xây dựng thương hiệu, hình thành rõ nét các vùng sản xuất hàng hóa tập trung (như na, quýt, hồi, hồng, thông, thạch đen, rau sạch...); từng bước phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, bán công nghiệp và công nghiệp, gắn với hình thành các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, chế biến thực phẩm sạch. Đồng thời đẩy mạnh phát triển các cơ sở bảo quản, chế biến sau thu hoạch.
Lạng Sơn cũng nhấn mạnh phát huy, khai thác tối đa nguồn lực, lợi thế đất đai, đồi rừng, đưa lâm nghiệp trở thành ngành kinh tế trọng tâm. Trong đó tập trung vào các cây trồng chủ lực có giá trị kinh tế như: hồi, thông, keo, trám, mỡ; phục hồi các loại cây lấy gỗ bản địa như: lim, lát, nghiến… Về tổng thể, huy động, sử dụng tốt các nguồn lực hỗ trợ cho giảm nghèo, lồng ghép hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các chương trình, dự án, chính sách khác để tạo điều kiện cải thiện mức sống của dân cư trong vùng nghèo, xã nghèo, phát triển sản xuất và chống tái nghèo tại vùng khó khăn. 
Quan điểm của tỉnh là tập trung huy động các nguồn lực để ưu tiên đầu tư, hỗ trợ cho các khu vực có tỷ lệ hộ nghèo cao, nâng cao thu nhập và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ ban cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Thực hiện đồng bộ các giải pháp tuyên truyền, giáo dục người dân làm chuyển biến nhận thức về ý thức dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, hạn chế tối đa tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước đối với các hộ nghèo, xã nghèo; hạn chế thấp nhất tình trạng tái nghèo và khắc phục bệnh thành tích trong công tác giảm nghèo./.
Dương Thìn
TAG:
Tin khác
Hà Nội: Tàu điện trên cao cũng chen chúc
Hà Nội: Tiểu thương thức trắng đêm, cây Tết vẫn ế ẩm
Đi mua cá chép cúng ông Táo tại chợ cá lớn nhất miền Bắc
Cụ bà 124 tuổi thích ăn cơm trộn mỡ lợn, chia sẻ bí quyết sống lâu
Từ 1/7, người đủ 75 tuổi sẽ nhận trợ cấp hưu trí 500.000 đồng/tháng
Nestlé Việt Nam trao tặng hơn 17.000 sản phẩm nhân dịp Tết Nguyên Đán Ất Tỵ 2025
Chuyến xe yêu thương dành cho các bạn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn
Xe ôm công nghệ tắt app, kiếm tiền triệu nhờ vận chuyển cây cảnh dịp Tết
Sở LĐ-TB&XH TP.HCM tổ chức họp mặt chúc tết cán bộ hưu trí của Sở qua các thời kỳ