Bạc Liêu tích cực thực hiện công tác cai nghiện ma túy
Thời gian qua, cùng với tình hình chung của các địa phương trên cả nước, tỉnh Bạc Liêu cũng gặp phải thực trạng người nghiện ma túy luôn gia tăng.
Người nghiện ma túy ở tỉnh ngày càng trẻ hóa, độ tuổi từ 18 đến 30 tuổi chiếm 69,1%, nam giới chiếm 95,5%; 59/64 xã, phường, thị trấn có người nghiện ma túy (chiếm 92,3%); tất cả các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đều có người nghiện ma túy. Chất ma túy mới xuất hiện ngày càng nhiều, nhất là ma túy đá, trong khi đó một bộ phận giới trẻ bị ngộ nhận, cho rằng sử dụng ma túy đá là không gây nghiện, không gây hại. Thực tế cho thấy người sử dụng ma túy tổng hợp, ma túy đá đều bị nghiện và một khi đã nghiện thì rất dễ bị rối loại tâm thần, có hành vi vi phạm pháp luật gây ảnh hưởng đến tình hình trật tự, an toàn xã hội.
Đa số người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh là những thanh niên chơi bời liêu lỏng, thiếu sự quản lý, giáo dục của gia đình dẫn đến việc bị bạn bè xấu lôi kéo, dụ dỗ sử dụng trái phép chất ma túy; người nghiện ma túy không có nghề nghiệp hoặc có nghề nghiệp nhưng không ổn định chiếm 93,71%, nên dễ trở thành tay em, tiếp tay mua bán ma túy để có tiền sử dụng. Đa số người sử dụng ma túy, người nghiện ma túy chưa hiểu rõ về tác hại của ma túy. Từ đó người nghiện ma túy có nguy cơ bị lây nhiễm HIV/AIDS, các bệnh lây truyền qua đường máu, đường tình dục và các vấn đề khác về sức khỏe là rất cao.
Trước thực trạng này, Sở Lao động – Thương và Xã hội (Sở LĐTBXH), đã chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền luôn kịp thời cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương; trên cơ sở đó tích cực triển khai tổ chức thực hiện tốt công tác cai nghiện ma túy, từ đó góp phần luôn được giữ ổn định an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.
Trong năm 2019, Sở LĐTBXH phối hợp với các Sở, Ban, ngành liên quan và các địa phương, tham mưu Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo: Kế hoạch của Tỉnh ủy về việc thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy; Kế hoạch của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Dự án “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy tại xã, phường, thị trấn” trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020; Kế hoạch cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy; Công văn chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống AIDS và phòng, chống ma túy, mại dâm; Đề án ứng dụng thuốc Cedemex trong hỗ trợ điều trị cho người nghiện ma túy giai đoạn 2020 – 2025 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu (thực hiện theo Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 05/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ, về việc tăng cường phòng, chống và cai nghiện ma túy trong tình hình mới). Đồng thời, Sở phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Hội nghị chuyên đề, Hội nghị Tổng kết công tác phòng chống tệ nạn xã hội, công tác cai nghiện ma túy. Tổ chức tập huấn công tác phòng, chống tệ nạn xã hội cho cán bộ các cơ quan, đơn vị có liên quan, các xã, phường, thị trấn, cộng tác viên, trưởng hoặc phó Trạm Y tế với 317 người tham dự. Tổ chức buổi mít tinh “Tháng hành động phòng, chống ma túy”, “Ngày quốc tế và Ngày toàn dân phòng, chống ma túy”. Tổ chức 175 cuộc truyền thông, giáo dục về phòng, chống tệ nạn xã hội (ma túy, mại dâm, mua bán người, phòng, chống HIV,...) và tội phạm cho cán bộ, học sinh, nhân dân ở cộng đồng dân cư với trên 10.000 lượt người tham dự (04 cuộc Hội nghị, 58 cuộc Hội thảo, 113 cuộc tuyên truyền). Phát 2.620 sổ tay công tác, 19.000 cuốn cẩm nang tuyên truyền, 50.000 tờ rơi, 500 áp phích, 7.800 quyển tập học sinh, lắp đặt 40 biển pano (có in thông điệp truyền thông phòng, chống tệ nạn xã hội),... Đồng thời thường xuyên đưa các tin, bài, phóng sự, chuyên mục “An ninh Bạc Liêu” mỗi tháng bốn kỳ trên sóng; đăng tải chuyên mục “Phòng, chống ma túy xâm nhập học đường” và tuyên truyền các điển hình về các hoạt động có hiệu quả, gương “người tốt việc tốt” trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, cai nghiện ma túy trên Báo Bạc Liêu, Đài Phát thanh và Truyền hình Bạc Liêu, Cổng Thông tin điện tử Bạc Liêu và trang web điện tử của Sở, Đài truyền thanh cấp huyện, cấp xã. Triển khai thành lập Đội công tác xã hội tình nguyện tại 61/64 xã, phường, thị trấn với 427 thành viên nhằm góp phần tuyên truyền, giáo dục, vận động thực hiện công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, cai nghiện ma túy ở địa phương. Thông qua các hoạt động trên đã giúp cho cán bộ và nhân dân, đặc biệt là thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên và những người có nguy cơ mắc vào tệ nạn xã hội ngày càng nâng cao ý thức, trách nhiệm hơn nữa trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, nhất là phòng ngừa, cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh.
Riêng đối với công tác cai nghiện ma túy, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo, hướng của Trung ương, Sở LĐTBXH đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh cụ thể hóa, ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành, trong đó tập trung những nội dung: Quy chế phối hợp cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng (QĐ số 736/QĐ-UBND); trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết quy định mức đóng góp, chế độ miễn, giảm và hỗ trợ cho học viên cai nghiện ma túy bắt buộc tại Cơ sở cai nghiện ma túy, tại cộng đồng; chế độ miễn cho học viên cai nghiện tự nguyện tại Cơ sở cai nghiện ma túy công lập trên địa bàn tỉnh, bằng nguồn ngân sách địa (NQ số 09/2018/NQ-HĐND); Quy chế phối hợp hỗ trợ, giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy, người bán dâm hoàn lương và nạn nhân bị mua bán trở về trên địa bàn tỉnh (QĐ số 178/QĐ-UBND); Triển khai thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 05/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ, theo đó sử dụng thuốc Cedemex để hỗ trợ điều trị nghiện ma túy cho 20 người nghiện (tại Cơ sở cai nghiện ma túy 15 người; tại gia đình, cộng đồng 05 người, bước đầu cho thấy thuốc Cedemex cắt cơn êm dịu, người cai nghiện ít bị vật vã). Hiện nay, tỉnh có 2.200 người có biểu hiện nghi vấn sử dụng trái phép chất ma túy, trong số này có 1.328 lượt người có kết quả dương tính với chất ma túy; lập hồ sơ giáo dục tại xã, phường, thị trấn 595 người; lập hồ sơ đưa đi cai nghiện ma túy bắt buộc 605 lượt người nghiện ma túy đi cai nghiện (cai nghiện bắt buộc 540 người, cai nghiện tự nguyện 65 người); hiện có 375 người (học viên) đang quản lý tại Cơ sở cai nghiện ma túy (07 tự nguyện, 368 bắt buộc). Để đảm bảo điều kiện sinh hoạt của học viên tại cơ sở cai nghiện ma túy, tỉnh đã triển khai thực hiện dự án cải tạo, sửa chữa nâng cấp, xây dựng mới một số hạng mục (phòng nghỉ, nhà - sân sinh hoạt,...) bằng nguồn vốn hỗ trợ từ Bộ LĐTBXH là 13,5 tỷ đồng (hiện tỉnh đang lập hồ sơ thủ tục theo quy định tiếp tục thêm 13,8 tỷ đồng). Nhìn chung, công tác cai nghiện ma túy tập trung tại Cơ sở cai nghiện đã thực hiện tốt, đúng theo chỉ đạo, hướng dẫn, quy định của Bộ LĐTBXH và Bộ Y tế. Các học viên khi được tiếp nhận vào Cơ sở cai nghiện ma túy đều được theo dõi, cắt cơn giải độc, lao động trị liệu phục hồi sức khỏe, giáo dục thay đổi hành vi, nhân cách. Bằng nguồn kinh phí của chương trình quy định và nguồn kinh phí dạy nghề cho lao động nông thôn, các học viên đều được dạy một nghề nhất định, như: Sửa xe gắn máy, mộc dân dụng, dệt chiếu công nghiệp, điện công nghiệp – dân dụng, chăn nuôi,… Theo đó, khi hết hạn cai nghiện trở về tái hòa nhập cộng đồng, học viên có thể lao động sản xuất, tìm việc làm phù hợp, ổn định cuộc sống bản thân và gia đình.
Được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ LĐTBXH (Cục phòng, chống tệ nạn xã hội) cùng với sự chủ động, tích cực của các cấp ủy, chính quyền, năm 2019, tỉnh Bạc Liêu đã triển khai thực hiện tốt các giải pháp, công việc đồng bộ nêu trên. Nhờ đó công tác phòng chống tệ nạn xã hội, nhất là quản lý người nghiện ma túy, cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh luôn được giữ ổn định, đạt hiệu quả tốt, không xảy điểm nóng, phức tạp, đặc biệt là không để xảy ra tình trạng học viên gây rối mất an ninh trật tự, bỏ trốn khỏi Cơ sở cai nghiên ma túy.
Mặc dù đạt được kết quả nêu trên song Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Bạc Liêu cũng còn không ít khó khăn, như văn bản hướng thực hiện, hướng dẫn đầu tư chưa đồng bộ, chưa có quy định cụ thể về xử lý người sau cai nghiện tái nghiện ma túy, việc triển khai thực hiện Quyết định 29/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ còn gặp khó khăn (Quyết định của Thủ tướng quy định công khai khi vay vốn đối với người HIV, trong khi Luật thì không được công khai). Bên cạnh đó, trang thiết bị nhất là thiết bị y tế, dạy nghề, thể dục thể thao, chưa đáp ứng đầy đủ theo quy định; hầu hết cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động chưa được đào tạo, bồi dưỡng để đáp ứng về chuyên môn nghiệp vụ theo quy định, các chế độ phụ cấp còn thấp; chưa có quy định về định mức diện tích đất/học viên hoặc theo quy mô của cơ sở nghện để xây dựng các công trình sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, tổ chức sản xuất, chăn nuôi... cho học viên nhằm giúp học viên rèn luyện thể lực, lao động trị liệu phục hồi sức khỏe.
Trong chuyến công tác một số tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long trong năm 2019 vừa qua, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cùng các thành viên trong đoàn công tác đã đến làm việc, thăm cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Bạc Liêu. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cùng các thành viên trong đoàn đã trực tiếp đến các phòng nghỉ thăm hỏi, động viên và lắng nghe ý kiến của học viên. Bộ trưởng đánh giá cao thời gian qua tỉnh Bạc Liêu đã cụ thể hóa, triển khai kịp thời, hiệu quả các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Bộ LĐTBXH về công tác phòng chống tệ nạn xã hội, nhất là công tác cai nghiện ma túy. Bộ trưởng ghi nhận những kiến nghị đề xuất của tỉnh, đồng thời chỉ đạo tỉnh Bạc Liêu cần phát huy những kết quả đạt được, tích cực tập trung khắc phục những khó khăn, hạn chế nhằm thực hiện công tác cai nghiện ma túy, phòng chống tệ nạn xã hội trên địa bàn đạt hiệu quả ngày càng tốt hơn./.
Nguyễn Hùng Thái
Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bạc Liêu
TAG: