Bắc Kạn chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Sau 9 năm thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” và 3 năm thực hiện nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề nông nghiệp theo Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã được cả hệ thống chính trị quan tâm chỉ đạo thực hiện đạt nhiều kết quả.
Trong giai đoạn 2010 - 2018, tỉnh đã hỗ trợ 18.712 lao động nông thôn được học nghề nông nghiệp, trong đó có 14.838 lao động được hỗ trợ theo Quyết định 1956/QĐ-TTg; 3.874 lao động được hỗ trợ học nghề theo Quyết định 1600/QĐ-TTg.
Việc đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn đãchuyển mạnh từ đào tạo theo năng lực sẵn có của các cơ sở dạy nghề sang đào tạo theo nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, gắn đào tạo nghề với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, từng bước gắn đào tạo với giải quyết việc làm cho người lao động.
Chương trình, giáo trình, học liệu học nghề cho lao động nông thôn thường xuyên được cập nhật, bổ sung,đổi mới đã đáp ứng yêu cầu của người học nghề và thực tiễn lao động sản xuất. Qua các lớp học nghề người lao động nông thôn đã chủ động hơn trong sản xuất, áp dụng các kiến thức đã học để mở rộng sản xuất, góp phần tăng năng suất cây trồng, vật nuôi và chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững, ổn định đời sống xã hội tại các địa phương.
Giai đoạn 2019 - 2020, tỉnh đề ra mục tiêu đào tạo nghề cho 3.600 người. Sau đào tạo, ít nhất 80% số người học nghề có việc làm mới hoặc tiếp tục nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn.
Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh đã đưa ra định hướng đối với công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn như: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đào tạo, củng cố lại kiến thức đã học, trang bị kiến thức tiên tiến đáp ứng được nhu cầu sử dụng lao động của xã hội, của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Trước mắt, xây dựng kế hoạch chương trình hành động cụ thể để tổ chức thực hiện công tác đào tạo nghề, căn cứ vào chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bên cạnh đó cần nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và toàn xã hội về đào tạo nghề, tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh, tư vấn học nghề bằng nhiều hình thức để người lao động có điều kiện tiếp cận nghề học.Tuyên truyền sâu rộng trên phương tiện thông tin đại chúng các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đào tạo nghề, về vai trò, vị trí của đào tạo nghề đối với phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập để người lao động biết và tích cực tham gia học nghề.
Ngoài ra, không ngừng đổi mới phương pháp dạy nghề, phát triển, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý dạy nghề. Tiếp tục chỉ đạo các cơ sở dạy nghề tổ chức đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động, đào tạo theo vị trí làm việc, theo địa chỉ sử dụng lao động. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước và đẩy mạnh xã hội hoá đối với công tác dạy nghề./.
Thu Trang
TAG: