Dân tộc-Tôn giáo
Trang chủ / Xã hội / Dân tộc-Tôn giáo
Bắc Kạn chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số
11:29 AM 02/06/2021
(LĐXH)-Nằm ở vùng Đông bắc phía Bắc bộ, Bắc Kạn là tỉnh miền núi cao, diện tích tự nhiên rộng 4.859km2. Trong tổng số dân trên 313 nghìn người người, dân tộc thiểu số chiếm hơn 88% với hơn 7 dân tộc anh em cùng sinh sống. Nền kinh tế của tỉnh Bắc Kạn gặp nhiều khó khăn, phát triển chậm. Trong giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh có gần 50% số xã là xã đặc biệt khó khăn, 60 xã thuộc diện thụ hưởng Chương trình 135 và 153 thôn đặc biệt khó khăn.
Trong giai đoạn 2016-2020, các chương trình, chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Bắc Kạn được thực hiện với mục tiêu thay đổi diện mạo nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giảm tỷ lệ hộ nghèo, đầu tư từng bước cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội phục vụ đời sống nhân dân vùng sâu, vùng xa vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh. Được sự quan tâm của Trung ương, giai đoạn này, Bắc Kạn được phân bổ 1.080 tỷ đồng cho Chương trình Mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo bền vững (vốn đầu tư là trên 814 tỷ đồng, vốn sự nghiệp trên 266 tỷ đồng), trong đó riêng Tiểu dự án Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn  (Chương trình 135) là trên 417 tỉ đồng.

Xây dựng công trình thủy lợi từ nguồn vốn Chương trình 135 ở huyện Pác Nặm


Với nguồn vốn hỗ trợ này, các địa phương trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn được tỉnh phân bổ để thực hiện xây dựng mới 758 công trình hạ tầng, bao gồm: công trình điện, trường, lớp học, giao thông nông thôn, công trình hỗ trợ tưới tiêu, thủy lợi nhỏ,  trạm y tế, nước sinh hoạt, nhà sinh hoạt cộng đồng, tập trung tại các huyện nghèo và các xã đặc biệt khó khăn. Cùng với đó là thực hiện duy tu bảo dưỡng 642 công trình hạ tầng cơ sở.
Nhờ vậy, đến nay, toàn tỉnh Bắc Kạn đã có 95% xã thuộc diện đặc biệt khó khăn có đường ô tô trải nhựa hoặc bê tông đến trung tâm xã theo đúng chuẩn theo quy định về tiêu chuẩn và kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải; 100% trạm y tế cấp xã có đủ điều kiện khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, 90% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế. Cùng với đó, 100% xã trong tỉnh có mạng lưới trường mầm non, phổ thông, trung tâm học tập cộng đồng, đủ để đáp ứng nhu cầu học tập và phổ biến kiến thức cho người dân; 98% hộ gia đình trên địa bàn tỉnh được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; các công trình thủy lợi nhỏ được đầu tư đáp ứng 75 - 80% nhu cầu tưới tiêu cho diện tích cây trồng hàng năm, đạt trên 86%;…
Theo đánh giá của ông Hoàng Văn Khang, thôn Đồng Tâm, xã Kim Lư, huyện Na Rì: Các công trình cơ sở hạ tầng như thủy lợi, giao thông, lớp học  được đầu tư xây dựng rất đồng bộ và đều được công khai trước cộng đồng nhân dân, có tác động lớn đến đời sống cộng đồng các dân tộc trên địa bàn xã.
Được biết, trong giai đoạn 2016-2020, Chương trình 135 giai đoạn II đã “rót” nguồn vốn đầu tư cho huyện Na Rì là trên 84 tỷ đồng. Theo đó, huyện Na Rì đã đầu tư hơn 58 tỷ đồng phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu. Cụ thể: làm mới 6 công trình cầu, cống, 16 công trình thủy lợi; mở mới 32 công trình giao thông nông thôn; nâng cấp gần 45 km đường nông thôn; xây dựng, sửa chữa, san ủi mặt bằng 27 công trình trụ sở xã, nhà cộng đồng, trạm y tế, trường, lớp học, công trình cấp nước sinh hoạt và duy tu sửa chữa 56 công trình khác.
Vùng dân tộc thiểu số tỉnh Bắc Kạn có nhiều thay đổi từ những công trình hạ tầng theo nguồn vốn 135
Nhìn chung, Chương trình 135 giai đoạn 2016-2020 đã được các cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo thực hiện, được nhân dân ủng hộ và đồng thuận cao. Quan điểm và chủ trương của chính quyền các cấp từ tỉnh đến huyện và xã là phải thực hiện xây dựng, sửa chữa các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng công khai, minh bạch và dân chủ.  Các cơ quan chuyên môn, chính quyền, tổ chức đoàn thể trong xã, thôn có trách nhiệm cao trong giám sát, kiểm tra chặt chẽ quá trình công nhằm đảm bảo chất lượng công trình, tránh lãng phí, thất thoát và chậm tiến độ.
Chương trình 135 đã từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng, có tác động trực tiếp thúc đẩy phát triển sản xuất, giao thương, công tác giáo dục, y tế, hoạt động văn hóa và xã hội ngày càng đa dạng và hiệu quả, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm đáng kể, từ 29,40% (năm 2016) xuống còn 19,57% (năm 2020).
Tuy nhiên, đến nay, nhiều xã, thôn, bản địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi vẫn còn rất khó khăn. Thiên tai, dịch bệnh và biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của đồng bào: cơ sở hạ tầng bị hư hỏng, điều kiện sản xuất bị co hẹp… Trong thời gian tới, Bắc Kạn tiếp tục nghiên cứu, ban hành nghị quyết và kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyên đề công tác dân tộc, chính sách dân tộc và thực hiện có hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhằm tạo chính sách an sinh xã hội và huy động thêm nguồn lực để tiếp tục đầu tư cho hạ tầng cơ sở, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, cải thiện cuộc sống cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn./.
Mỹ Hạnh
 
TAG:
Tin khác
Lào Cai: Hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp thông tin, giảm nghèo hiệu quả
An Giang: Những đề xuất bổ sung chế độ, chính sách ưu đãi nhằm chăm lo tốt hơn đối với người có công
Lan tỏa phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trên quê hương miền Tây An Giang
Huyện Châu Phú: Thiết thực tri ân người có công với cách mạng
An Giang: Không còn hồ sơ người có công với cách mạng tồn đọng thuộc quy định giải quyết
An Giang: Quan tâm, chăm lo đời sống người có công với cách mạng
Trọn vẹn nghĩa tình ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng
Lào Cai: Tập trung hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
An Giang chú trọng tôn tạo, chăm sóc các công trình ghi công liệt sĩ