Hiện nay, tỉnh Bắc Giang chưa có số liệu thống kê cụ thể về số lượng lao động trẻ em trên địa bàn. Tuy nhiên thực tế cho thấy lao động là trẻ chưa đủ tuổi vị thành niên chủ yếu tồn tại ở khu vực kinh tế nông thôn, hoạt động phi chính thức tại các hoạt động sản xuất hàng hóa, dịch vụ. Thống kê trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có 39 làng nghề (được UBND tỉnh công nhận) tập trung ở nhiều lĩnh vực như: mây tre đan, sản xuất gốm, làm mỳ gạo, bún, bánh đa, nấu rượu, mộc dân dụng… Các cơ sở sản xuất chủ yếu có quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh còn yếu, năng lực tài chính hạn chế, thị trường tiêu thụ nhỏ. Điều đáng nói, tại một số làng nghề, do thu nhập của bố mẹ không đủ hoặc công việc sản xuất trong gia đình không hiệu quả dẫn đến không thể thuê lao động trưởng thành, các em phải trở thành người lao động với quan niệm “hỗ trợ việc nhà”. Bên cạnh đó, nhiều trẻ em cũng sẵn sàng tham gia vào thị trường lao động nên người sử dụng lao động đã chấp nhận bởi giá nhân công rẻ.
Trẻ em tham gia lao động sớm có thể tạo ra lợi ích vật chất cho xã hội, nhưng về lâu dài, lợi ích do lao động trẻ em mang lại không thể bù đắp sự thiệt thòi mà các em phải gánh chịu cũng như hệ lụy đối với gia đình, xã hội. Trẻ em tham gia lao động sớm bị hạn chế cơ hội và điều kiện cần thiết để phát triển toàn diện về thể chất, tâm lý, trí tuệ. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, trẻ em đi làm xa gia đình bị kẻ xấu lôi kéo làm những việc phi pháp hoặc bị lạm dụng, xâm hại, mua bán…
Bên cạnh đó, lao động sớm và sử dụng lao động trẻ chưa đủ tuổi vị thành niên để lại nhiều hậu quả khôn lường, tác động tiêu cực tới sự phát triển về thể chất và tâm lý của trẻ em, cản trở việc tiếp cận giáo dục, ảnh hưởng đến nguồn nhân lực tương lai của đất nước. Do đó, để bảo vệ quyền trẻ em và giải quyết vấn đề lao động trẻ em rất cần sự tham gia phối hợp chặt chẽ của cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp, công đoàn, các tổ chức xã hội, gia đình và toàn cộng đồng.
Trên thực tế, một số bộ phận người dân còn khó khăn, nhận thức hạn chế, đặc biệt là khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa, việc xóa bỏ lao động trẻ em là điều rất khó khăn. Bởi, hầu hết những trẻ khi đã bỏ học đi lao động đều được gia đình đồng tình nên khi đến hỏi để tìm các biện pháp hỗ trợ, các gia đình thường trả lời không biết trẻ đi làm ở đâu và không liên lạc được lâu nay. Cũng có nhiều trẻ được hỗ trợ đưa về nhưng để giữ trẻ ở lại thì rất khó, nguyên nhân là do đa số trẻ lao động sớm thường học kém, thích được tự do và được quyết định mọi vấn đề. Để có số liệu chính thức về số trẻ em lao động sớm, hiện Sở Lao động – Thương binh và Xã hội yêu cầu các địa phương tiến hành rà soát, báo cáo trong thời gian sớm nhất để có văn bản báo cáo UBND tỉnh.
Lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Bắc Giang cũng cho biết các quy định về lao động trẻ em được thể hiện rõ trong hệ thống pháp luật hiện hành, tuy nhiên tại nhiều nơi công tác tuyên truyền về vấn đề này còn hạn chế. Do đó các địa phương cần phổ biến rộng rãi các quy định của pháp luật trong cộng đồng, nhất là tại khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa, đồng thời xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân sử dụng lao động trẻ em trái quy định. Phụ huynh cần dành nhiều thời gian quan tâm đến con cái, chủ động tìm hiểu những tác hại của lao động trẻ em để có ý thức phòng ngừa, tiến tới “nói không” với lao động trẻ em trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra cần chú trọng xây dựng môi trường học tập thân thiện, an toàn, hình thức giáo dục linh hoạt, tạo hứng thú cho trẻ em đến trường, tăng cường hơn nữa công tác hỗ trợ, bảo vệ, chăm sóc trẻ em, tạo điều kiện giúp trẻ em phát triển đầy đủ, trở thành những nhân tố tích cực trong xây dựng và phát triển quê hương, đất nước. Vì những lợi ích lâu dài, để làm được điều đó không chỉ riêng nỗ lực của các cơ quan liên quan đến trẻ em mà nhất thiết phải có sự chung tay, phối hợp chặt chẽ, thường xuyên của các tổ chức, đoàn thể trong xã hội, đặc biệt từ chính gia đình và cộng đồng.
Trần Huyền