Giáo dục - Nghề nghiệp
Trang chủ / Giáo dục - Nghề nghiệp / Giáo dục - Nghề nghiệp
Bắc Giang: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực qua đào tạo nghề
03:22 PM 26/08/2024
(LĐXH) - Toàn tỉnh Bắc Giang hiện có 31 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN), được phân bố ở các huyện, thị xã, thành phố. Mỗi năm, các cơ sở GDNN tuyển sinh, đào tạo nghề cho khoảng 28.500 người. Góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 76,8%; tỷ lệ qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 33,5% (vượt 8 % kế hoạch tại Quyết định số 787/QĐ-UBND ngày 31/7/2021); đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đẩy mạnh các hoạt động GDNN
Bắc Giang là một trong những trung tâm công nghiệp lớn của miền Bắc và cả nước, với 09 khu công nghiệp (KCN) được phê duyệt quy hoạch xây dựng, trong đó, có 08 KCN đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng diện tích khoảng 1.792,5 ha (06 KCN đang hoạt động); 38 cụm công nghiệp, tổng diện tích hơn 1.208 ha. Tỉnh cũng dự kiến quy hoạch thêm một số khu, cụm công nghiệp với mục tiêu đến năm 2030, trên địa bàn có 27 KCN diện tích khoảng 9.000 ha và 69 cụm công nghiệp diện tích gần 3.000 ha. Điều này đòi hỏi số lượng lớn lao động qua đào tạo đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp (DN) và xu thế phát triển chung của tỉnh. Chính vì vậy, công tác đào tạo nghề luôn được các cấp, ngành, địa phương, cơ sở GDNN quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện.
Hàng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố thực hiện dự báo nhu cầu sử dụng lao động của các DN, đặc biệt là các ngành, nghề kỹ thuật, công nghệ, ưu tiên cho công nghệ thông tin, công nghệ mới, công nghệ cao. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, người lao động về hiệu quả công tác đào tạo nghề; tổ chức tập huấn, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin về hoạt động GDNN; tổ chức các hoạt động tại các phiên giao dịch việc làm để kết nối cung - cầu lao động...
Mạng lưới cơ sở GDNN cũng được quy hoạch tinh gọn, hiệu quả, đảm bảo mỗi huyện, thị xã, thành phố có ít nhất 01 cơ sở GDNN công lập. Hiện, toàn tỉnh có 31 cơ sở GDNN, cơ sở hoạt động GDNN (05 trường cao đẳng, 05 trường trung cấp, 05 trung tâm GDNN, 08 trung tâm GDNN-GDTX và 08 cơ sở hoạt động GDNN). Các cơ sở GDNN cũng tạo điều kiện cho cán bộ, nhà giáo tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, chuẩn hóa nghiệp vụ sư phạm, bồi dưỡng kỹ năng thực hành... do Sở LĐTBXH, Tổng cục GDNN tổ chức hoặc tự tham gia các lớp đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng lực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh.
Sinh viên ngành Cơ điện tử, Trường Cao đẳng Công nghệ Việt – Hàn Bắc Giang trong giờ thực hành
Các cơ sở GDNN cũng tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cường dạy học theo hướng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo hiện đại phục vụ công tác GDNN, nâng cao chất lượng đào tạo, tăng quy mô đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp ở những ngành, nghề DN có nhu cầu trên địa bàn tỉnh như: Công nghệ kỹ thuật điện, Điện tử và viễn thông, Kỹ thuật cơ khí và cơ kỹ thuật, Công nghệ thông tin, Tự động hóa, Công nghệ sinh học, Công nghệ vật liệu mới.
Công tác định hướng nghề nghiệp và phân luồng học sinh (HS) sau tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS), trung học phổ thông (THPT) tham gia học nghề cũng được chú trọng. Theo báo cáo kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2024 của Sở Giáo dục và Đào tạo: Tổng số HS tốt nghiệp THCS tại các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội bình thường là 22.575 HS, trong đó được phân luồng vào học các trình độ GDNN 6.046 HS, đạt tỷ lệ 26,78 % (tăng hơn 4,14% so với thời điểm tháng 12/2022); tổng số HS tốt nghiệp THCS tại các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn là 3.700 HS, trong đó được phân luồng vào học các trình độ GDNN 1.068 HS, đạt tỷ lệ 28,86 % (tăng hơn 6,71%); tổng số HS tốt nghiệp THPT tại các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội bình thường là 17.269 HS, trong đó được phân luồng vào học các trình độ GDNN 7.256 HS, đạt tỷ lệ 42,02% (tăng 1.02%); tổng số học sinh tốt nghiệp THPT tại các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn là 3.299 HS, trong đó được phân luồng vào học các trình độ GDNN 1.598 HS, đạt tỷ lệ 48,44% (giảm 0.96%).
Tỉnh cũng thực hiện tốt chính sách hỗ trợ cho các đối tượng học nghề thông qua Nghị quyết số 61/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ GDNN trên địa bàn. Tính từ ngày 01/01/2022 đến ngày 15/6/2024 có tổng số 15.188 học sinh, sinh viên thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách, tổng kinh phí hỗ trợ gần 26,4 tỷ đồng; Trong 6 tháng đầu năm 2024, đã hỗ trợ chi phí đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho 02 nhà giáo GDNN, tổng kinh phí hỗ trợ là 5,06 triệu đồng. Bên cạnh đó, quan tâm đào tạo nghề cho lao động nông thôn, lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, lao động vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi... để nâng cao kỹ năng, giúp tạo việc làm, tăng thu nhập, từng bước vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Với nhiều giải pháp đồng bộ, từ năm 2021 đến hết tháng 6/2024, tổng tuyển sinh, đào tạo các trình độ GDNN của các cơ sở GDNN và DN ở Bắc Giang là 102.424 người, đạt 88,1% kế hoạch. Tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, các cơ sở GDNN và DN đã tuyển mới các trình độ GDNN là 15.080 người (Cao đẳng 55 người, Trung cấp 78 người, Sơ cấp và đào tạo thường xuyên 14.947 người), đạt 50,3% kế hoạch năm và đạt 101,1% kế hoạch so với cùng kỳ năm trước. Kết quả tuyển sinh, đào tạo nghề đã góp phần tích cực, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 76,8%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 33,5% (vượt 8 % kế hoạch tại Quyết định số 787/QĐ-UBND ngày 31/7/2021 của UBND tỉnh về việc phê duyệt "Đề án nâng cao chất lượng GDNN tỉnh Bắc Giang đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới")
Gắn kết GDNN với thị trường lao động
Một trong những giải pháp nâng cao chất lượng GDNN của tỉnh Bắc Giang thời gian qua là gắn kết chặt chẽ GDNN với DN và thị trường lao động (TTLĐ). Sở LĐTBXH thường xuyên phối hợp với các cơ quan, đơn vị thực hiện điều tra nhu cầu sử dụng lao động tại các DN để có những định hướng trong việc đào tạo các ngành nghề cho phù hợp với xu hướng của TTLĐ. Bên cạnh đó, chỉ đạo các cơ sở GDNN tăng cường xây dựng chương trình đào tạo trên cơ sở chuẩn đầu ra, có sự tham gia của DN, cơ quan sử dụng lao động; tích hợp các nội dung đào tạo một cách hợp lý về kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp, đạo đức nghề nghiệp trong chương trình đào tạo…
Một số trường, như: Cao đẳng Công nghệ Việt - Hàn Bắc Giang, Cao  đẳng Kỹ thuật Công nghiệp, Cao đẳng miền núi Bắc Giang đã phát triển, nhân rộng các hoạt động hợp tác với DN hiệu quả như: Xây dựng chương  trình đào tạo chất lượng cao, chương trình đào tạo lại; đào tạo nghề cho người lao động theo nhu cầu DN; tổ chức thực hành, thực tập tại DN; tư vấn giới thiệu việc làm và cung ứng nhân lực; đào tạo, bồi dưỡng nhà  giáo, cán bộ kỹ thuật của DN có chuyên môn giỏi, tay nghề cao phù hợp tham gia đào tạo nghề cho các cơ sở GDNN; xúc tiến đầu tư và ứng dụng khoa học công nghệ; đào tạo và cung cấp nhân lực chất lượng cao theo đặt hàng của DN… từng bước đáp ứng yêu cầu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. 

Trường Cao đẳng miền núi Bắc Giang tổ chức kỳ thi kỹ năng nghề năm 2024 (Bài thi Kỹ năng nghề Công nghệ ô tô)

Việc gắn kết GDNN với DN và TTLĐ của Bắc Giang đã cho thấy hiệu quả rõ rệt. Công tác đào tạo đã có những chuyển biển tích cực và đạt được những kết quả đáng kể, từng bước chuyển từ hướng “cung” sang hướng “cầu”. Ngành nghề đào tạo phát triển đa dạng, phong phú gắn với nhu cầu của DN, TTLĐ; gắn với chiến lược quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đào tạo nguồn lao động có tay nghề, kỹ thuật phục vụ cho thu hút đầu tư ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trong tỉnh. Hiện nay, sau khi tốt nghiệp các trình độ GDNN, có trên  85% học sinh trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên có việc làm; 92 - 95% học sinh, sinh viên tốt nghiệp các trình độ cao đẳng, trung cấp được DN tuyển dụng, bố trí vào vị trí phù hợp. Nhiều ngành nghề được DN tuyển dụng 100% như: Kỹ thuật máy lạnh, điều hòa không khí, công nghệ kỹ thuật điện, điện tử, công nghệ ô tô, tự động hóa. Hầu hết học sinh, sinh viên đều được các DN đánh giá có ý thức kỉ luật, tinh thần đoàn kết, kỹ năng và tác phong công nghiệp tốt, đáp ứng được vị trí công việc.
Một số khó khăn và giải pháp trong thời gian tới
Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực song công tác GDNN ở Bắc Giang vẫn còn một số khó khăn nhất định, như: Quy mô đào tạo được cấp phép ở trình độ trung cấp, cao đẳng của các cơ sở GDNN còn thấp; cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ việc dạy và học một số ngành, nghề chưa hiện đại; năng lực đào tạo đối với một số ngành, nghề mới như công nghiệp bán dẫn, AI còn hạn chế. Công tác phân luồng, tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh chưa được quan tâm đúng mức nên nhiều học sinh còn chưa lựa chọn được ngành, nghề phù hợp với năng lực của bản thân và điều kiện của gia đình. Các DN trên địa bàn chủ yếu là DN nhỏ và vừa, khi tuyển dụng lao động không yêu cầu trình độ đào tạo nên chưa khuyến khích được nhiều lao động tham gia học nghề trước khi gia nhập TTLĐ. 

Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp ký kết hợp tác cung ứng nguồn nhân lực cho công ty Greentec

Công tác huy động nguồn lực từ nguồn xã hội hóa còn hạn chế; DN chưa chú trọng đầu tư vào lĩnh vực GDNN. Công tác thu thập, dự báo, phân tích thông tin, kết nối cung - cầu TTLĐ giữa các địa phương, cơ sở GDNN và DN còn chưa kịp thời theo xu thế biến động thường xuyên như hiện nay. Bên cạnh đó, thu nhập của nhà giáo GDNN thấp, trách nhiệm với công việc được giao cao nên khó khăn trong việc huy động, thu hút các chuyên gia, thợ có tay nghề cao trong các DN tham gia hoạt động GDNN.
Trong 6 tháng cuối năm 2024, tỉnh Bắc Giang đặt mục tiêu tuyển sinh đào tạo nghề cho 14.920 người; trong  đó: Cao đẳng 945 người, Trung cấp 3.022 người, Sơ cấp và đào tạo thường  xuyên 10.953 người. Góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 78%, tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 34%. Để hoàn thành mục tiêu này, các cấp, ngành, địa phương, cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân đặc biệt là thanh niên và những người trong độ tuổi lao động về vị trí, vai trò của GDNN và tham gia học nghề phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện có hiệu quả các chính sách GDNN theo quy định của Nhà nước. Mở rộng quy mô, tạo mọi cơ hội thuận lợi cho người lao động và thanh niên tiếp cận với các dịch vụ GDNN. Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động hướng nghiệp trong các trường THCS, THPT để định hướng học nghề và thực hiện phân luồng sau THCS. 
Bên cạnh đó, tăng cường sự phối hợp trong quản lý Nhà nước về GDNN trên địa bàn; xây dựng hệ thống thông tin quản lý về GDNN. Đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra và kiểm định chất lượng GDNN; tuân thủ nghiêm túc kiểm định, quản lý chất lượng đào tạo nghề, đặc biệt là quản lý việc cấp chứng chỉ nghề. Đồng thời, quy hoạch phát triển hệ thống cơ sở GDNN, bảo đảm quy mô đào tạo các trình độ GDNN, từng bước đáp ứng yêu cầu của TTLĐ. Liên kết với DN trong hoạt động GDNN, chú trọng đào tạo những ngành nghề trọng điểm, mời DN tham gia hội đồng trường hoặc hội đồng quản trị, xây dựng chương trình, giáo trình, giảng dạy, hướng dẫn thực tập, đánh giá kết quả học tập của người học tại các cơ sở GDNN; tuyển dụng người học sau tốt nghiệp vào làm việc tại DN.../.
Minh Hiền
TAG:
Tin khác
Hơn 59% lao động tại tỉnh Sóc Trăng đã qua đào tạo nghề
Sóc Trăng: Tập trung hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động dân tộc thiểu số
Yên Bái nâng cao chất lượng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp
Chuyển đổi số mạnh mẽ trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp ở Yên Bái
Sóc Trăng: Tập trung đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm
Sóc Trăng đẩy mạnh hợp tác phát triển giáo dục nghề nghiệp và tạo việc làm cho người lao động
Sóc Trăng: Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045
TP.HCM:  Sơ kết 1 năm chương trình phát triển công tác xã hội trên địa bàn thành phố
Trường Đại học Đông Đô kỷ niệm 30 năm thành lập