Bắc Giang: Hỗ trợ phụ nữ giải quyết một số vấn đề xã hội
(LĐXH) - Với mục tiêu phát huy nội lực, vai trò chủ động, nâng cao kiến thức của phụ nữ trong tham gia giải quyết có hiệu quả một số vấn đề xã hội, thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh Bắc Giang đã triển khai thực hiện tốt Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017 - 2027”.
Năm 2024, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tích cực lồng ghép nội dung Đề án trong triển khai tuyên truyền, phổ biến nội dung Luật BĐG, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Trẻ em và các văn bản liên quan thông qua các hình thức tuyên truyền như: Xây dựng hàng chục tin, bài viết, ảnh, phóng sự tuyên truyền trên Tạp chí Lao động và Xã hội, Báo Dân trí, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, trên trang thông tin điện tử, báo mạng, đài truyền thanh cấp huyện, mạng lưới loa truyền thanh cấp xã, thôn; In, cấp phát 90.000 tờ rơi, tờ gấp, sổ tay, tài liệu và treo 140 băng rôn, khẩu hiệu, pano, phướn thả tuyên truyền về phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục với phụ nữ và trẻ em, phòng chống đuối nước trẻ em, phòng chống HIV, bảo trợ trẻ em; Tổ chức 10 hội nghị tập huấn, truyền thông về công tác BĐG, VSTBPN, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, trẻ em... trong đó lồng ghép nội dung hỗ trợ phụ nữ giải quyết các vấn đề xã hội có liên quan cho 1.461 cán bộ các cấp, cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em...
Cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Bắc Giang trao quà Tết và kinh phí đỡ đầu cho trẻ mồ côi
Việc xây dựng, hoàn thiện và thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết hiệu quả các vấn đề xã hội cũng được chú trọng. Công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện Đề án được các cấp, các ngành quan tâm. Hằng năm, các đơn vị lồng ghép đưa nội dung: Giám sát việc triển khai thi hành pháp luật về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật BĐG; thực hiện chế độ chính sách đối với lao động nữ... vào kế hoạch hoạt động của từng ngành. Qua kiểm tra, giám sát cho thấy, các đơn vị và cơ sở đã bám sát mục tiêu, chỉ tiêu của Đề án để tham mưu, tổ chức các hoạt động thiết thực, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn địa phương; các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thực hiện khá tốt các chế độ, chính sách cho lao động nữ như: Tiền lương, thưởng, ốm đau, thai sản, lao động nam hưởng chế độ khi vợ sinh con…
Bên cạnh đó, tỉnh cũng thành lập và duy trì hoạt động nhiều mô hình vận động, hỗ trợ phụ nữ chủ động giải quyết các vấn đề xã hội. Toàn tỉnh hiện có 1.625 câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình, 01 mô hình phòng, chống bạo lực gia đình (theo chuẩn của Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch); 523 mô hình hoạt động độc lập, 1.359 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình; 647 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng, 516 đường dây nóng. Một số mô hình hoạt động hiệu quả, như: Mô hình địa chỉ tin cậy, nhà tạm lánh; Mô hình câu lạc bộ hỗ trợ phụ nữ có nguy cơ bị ép kết hôn với người nước ngoài (tại xã Tam Dị, huyện Lục Nam); Mô hình “Trường học an toàn, thân thiện, không bạo lực”;.... đã góp phần nâng cao kiến thức cho phụ nữ về an toàn cho phụ nữ - trẻ em, phòng, chống bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em, an toàn vệ sinh thực phẩm...; tích cực chủ động giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ và có biện pháp hỗ trợ, can thiệp, bảo vệ kịp thời.
Việc triển khai hiệu quả Đề án đã góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng và phát huy vai trò chủ động của phụ nữ trong ứng phó và tham gia giải quyết có hiệu quả một số vấn đề xã hội. Đồng thời, phát huy vai trò trách nhiệm của tổ chức hội phụ nữ trong việc hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững; hỗ trợ phụ nữ hội nhập quốc tế, xây dựng đời sống văn hóa, gia đình hạnh phúc, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ và trẻ em./.
Minh Cảnh
TAG: