Giáo dục - Nghề nghiệp
Trang chủ / Giáo dục - Nghề nghiệp / Giáo dục - Nghề nghiệp
Bắc Giang: Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nghề nghiệp
04:02 PM 18/09/2023
(LĐXH) – Những năm qua, các cấp uỷ Đảng, chính quyền tỉnh Bắc Giang đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nói chung, giáo dục nghề nghiệp (GDNN) nói riêng và đã đạt được những kết quả tích cực.
Mạng lưới cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh được rà soát, sắp xếp ngày càng tinh gọn, được phân bố trên địa bàn các huyện, thành phố, bảo đảm mỗi huyện, thành phố có ít nhất 01 cơ sở GDNN; phù hợp với nhu cầu thực tế và từng bước gắn kết với doanh nghiệp. Toàn tỉnh hiện có 35 cơ sở GDNN, cơ sở hoạt động GDNN, trong đó có 05 trường cao đẳng, 06 trường trung cấp; 15 trung tâm và 09 cơ sở hoạt động GDNN. Các cấp ủy, chính quyền đã quan tâm bố trí và huy động nguồn lực tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Giai đoạn 2016 - 2022, các cơ sở GDNN công lập được đầu tư trên 200 tỷ đồng từ nguồn vốn chương trình mục tiêu, chương trình mục tiêu quốc gia để xây mới và sửa chữa một số công trình nâng cao chất lượng GDNN như: Trường Cao đẳng Công nghệ Việt - Hàn, Trường Cao đẳng miền núi Bắc Giang, Trung tâm GDNN - GDTX các huyện Sơn Động, Lạng Giang, Hiệp Hòa, Lục Nam.
Công tác phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý GDNN được quan tâm. Đến nay, toàn tỉnh có 168 cán bộ làm công tác quản lý thuộc các cơ sở GDNN, trong đó: Trình độ trên đại học chiếm 59,5%, trình độ đại học chiếm 35,1%, trình độ cao đẳng chiếm 1,2%, trình độ khác chiếm 4,2%. Tại các cơ sở GDNN hiện có 973 nhà giáo GDNN, trong đó: Trình độ trên đại học chiếm 28,7%, trình độ đại học và cao đẳng chiếm 54,8%, trình độ trung cấp và công nhân kỹ thuật chiếm 16,5%. Hằng năm, Sở Lao động - TB&XH đã phối hợp với đơn vị liên quan tổ chức lớp bồi dưỡng nâng cao phương pháp giảng dạy cho đội ngũ nhà giáo GDNN. Bên cạnh đó, để chuẩn hóa và nâng cao năng lực của nhà giáo GDNN, tỉnh đã ban hành chính sách đặc thù để hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo GDNN, với mức hỗ trợ tối đa cho mỗi nhà giáo là 04 triệu đồng/1 khóa học (theo Nghị quyết số 61/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của HĐND tỉnh Quy định một số chính sách hỗ trợ GDNN trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021 – 2025).
Trường Cao đẳng Công nghệ Việt - Hàn ký thoả thuận hợp tác đào tạo với
công ty TNHH Khoa học Kỹ thuật Goertek Vina 
Các cơ sở GDNN chú trọng xây dựng chương trình đào tạo chuẩn đầu ra theo quy định. Nội dung, chương trình được đổi mới theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học, tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn, tiếp cận với nhu cầu của thị trường lao động; từng bước gắn kết giữa đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Công tác ra đề thi, đánh giá kết quả học tập theo hướng mở, tích hợp, kết hợp lý thuyết với thực hành, đúng quy chế; việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập và rèn luyện được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ.
Công tác giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, giáo dục pháp luật và ý thức của học sinh, sinh viên được các cấp, ngành, cơ sở GDNN đặt lên hàng đầu. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 3688/KH-UBND ngày 25/12/2015 về thực hiện Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015-2020”; Kế hoạch số 232/KH-UBND về thực hiện Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh thiếu niên, nhi động giai đoạn 2022-2030”. Căn cứ vào chỉ đạo của cơ quan cấp trên, các cơ sở GDNN, cơ sở hoạt động GDNN đã phối hợp với các ngành, đoàn thể triển khai giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, phòng, chống ma túy, mại dâm, tội phạm, tệ nạn xã hội; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, giáo dục kỹ năng sống, giáo dục ngoài giờ chính khóa cho người học. Đến nay, 100% các cơ sở xây dựng và triển khai thực hiện. Tỷ lệ học sinh, sinh viên xếp loại hạnh kiểm khá, tốt hàng năm đạt trên 94%.
Công tác định hướng nghề nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT tham gia học nghề cũng được chú trọng và đã có chuyển biến tích cực. Sở Lao động - TB&XH thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục và Đào tạo trong công tác tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT tham gia học nghề; Tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành chính sách hỗ trợ chi phí học tập cho 06 đối tượng học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT tham gia học nghề; Chỉ đạo các cơ sở GDNN trên địa bàn phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai các hoạt động giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh… Theo số liệu của Sở Giáo dục và Đào tạo, năm 2022, tổng số học sinh tốt nghiệp THCS của toàn tỉnh là 24.984, trong đó được phân luồng vào học các trình độ GDNN 5.645 học sinh, đạt tỷ lệ 22,59 % (tăng 0,37 % so với cùng kỳ năm 2021); Tổng số học sinh tốt nghiệp THPT là 18.982, trong đó được phân luồng vào học các trình độ GDNN là 8.151 học sinh đạt tỷ lệ 42,94%, tăng 5,37 % so với cùng kỳ năm 2021.
UBND tỉnh Bắc Giang cũng chỉ đạo các cơ quan, ban ngành, các cơ sở GDNN đổi mới, tăng cường gắn kết GDNN với thị trường lao động, đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, giúp giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên. Các cơ sở GDNN đã hợp tác với doanh nghiệp trong tổ chức, thực hiện chức năng về GDNN. Một số cơ sở GDNN như: Trường Cao đẳng Công nghệ Việt - Hàn Bắc Giang, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp, Trường Cao đẳng miền núi Bắc Giang đã tích cực phát triển, nhân rộng các hoạt động hợp tác với doanh nghiệp như: Xây dựng chương trình đào tạo chất lượng cao, chương trình đào tạo lại; đào tạo nghề cho người lao động theo nhu cầu doanh nghiệp; tổ chức thực hành, thực tập tại doanh nghiệp; tư vấn giới thiệu việc làm và cung ứng nhân lực; đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, cán bộ kỹ thuật của doanh nghiệp có chuyên môn giỏi, tay nghề cao phù hợp tham gia đào tạo nghề cho các cơ sở GDNN; xúc tiến đầu tư và ứng dụng khoa học công nghệ; đào tạo và cung cấp nhân lực chất lượng cao theo đặt hàng của doanh nghiệp… từng bước đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị trong thực hiện công tác đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo và dạy nghề, chất lượng GDNN của tỉnh được củng cố và ngày càng được nâng lên. Trong 10 năm qua (từ năm 2013 đến hết năm 2022), cơ sở GDNN và doanh nghiệp đã tuyển sinh, đào tạo nghề cho 302.946 người, đạt 105,7% kế hoạch; trong đó: Cao đẳng 10.781 người, đạt 128% kế hoạch; Trung cấp 33.946 người, đạt 118,5% kế hoạch; Sơ cấp và đào tạo thường xuyên 258.219 người, đạt 103,5% kế hoạch. Góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 44% năm 2013 lên 74% năm 2022 cao hơn bình quân cả nước; tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có bằng cấp, chứng chỉ đến hết năm 2022 đạt 32% vượt 9,5% so với kế hoạch đề ra (22,5%) cũng cao hơn bình quân toàn quốc.
Sau khi tốt nghiệp các trình độ GDNN, có trên 85% học sinh trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên có việc làm; có 92 - 95% học sinh, sinh viên tốt nghiệp các trình độ cao đẳng, trung cấp được doanh nghiệp tuyển dụng vào làm việc. Hầu hết học sinh, sinh viên đều được các doanh nghiệp đánh giá có ý thức kỉ luật, tinh thần đoàn kết, kỹ năng và tác phong công nghiệp tốt, đáp ứng được vị trí công việc./.
Minh Cảnh
TAG:
Tin khác
Quảng Ninh gắn kết doanh nghiệp với giáo dục nghề nghiệp
VRG vinh danh nhiều tập thể, cá nhân xuất sắc tại Hội thi Bàn tay vàng thu hoạch mủ
240 thí sinh tham dự Hội thi Bàn tay vàng thu hoạch mủ cao su lần thứ XIV
Yên Bái không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp
Yên Bái vượt kế hoạch tuyển sinh đào tạo nghề năm 2024
Yên Bái đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp trong đào tạo nghề
Hơn 59% lao động tại tỉnh Sóc Trăng đã qua đào tạo nghề
Sóc Trăng: Tập trung hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động dân tộc thiểu số
Yên Bái nâng cao chất lượng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp