Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Bắc Giang có gần 6.900 lao động nước ngoài làm việc
05:21 PM 24/02/2023
(LĐXH)- Theo báo cáo từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Bắc Giang, tính đến hết năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 626 doanh nghiệp sử dụng 6.856 lao động nước ngoài. Đa số lao động nước ngoài đều có trình độ chuyên môn kỹ thuật, có kinh nghiệm làm việc…
Năm 2022, toàn tỉnh Bắc Giang có 996 lượt doanh nghiệp gửi báo cáo giải trình và báo cáo giải trình thay đổi nhu cầu sử dụng 3.184 người lao động nước ngoài tới Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý các KCN để đề nghị chấp thuận. Trong đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tiếp nhận 390 lượt doanh nghiệp, Ban quản lý các KCN tiếp nhận 554 lượt doanh nghiệp.
Sau khi xem xét, thẩm định báo cáo giải trình nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài của các doanh nghiệp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý các KCN đã chấp thuận cho 944 lượt doanh nghiệp được sử dụng 2.972 lao động nước ngoài vào các vị trí công việc như Nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia, lao động kỹ thuật; đồng thời, không chấp thuận cho 52 lượt doanh nghiệp được sử dụng 212 người lao động nước ngoài.
Đối với hoạt động cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Ban Quản lý các KCN tỉnh đã thực hiện cấp, cấp lại giấy phép lao động và xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động cho 5.389 lao động nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh. Trong đó, số người lao động nước ngoài được cấp mới giấy phép lao động là 5.019 người, số người được cấp lại là 171 người, số người được gia hạn là 197 người; đồng thời, xác nhận 02 người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động và thực hiện thu hồi 1.436 giấy phép lao động hết hiệu lực.

Hầu hết số lao động nước ngoài trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đều mang quốc tịch Châu Á

Theo báo cáo từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Bắc Giang, tính đến hết năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 626 doanh nghiệp sử dụng 6.856 lao động nước ngoài, bao gồm: số lao động nước ngoài làm việc ngoài khu công nghiệp là 726 người (chiếm 10,6%), lao động nước ngoài làm việc tại các khu công nghiệp là 6.130 người (chiếm 89,4%); số lao động đã được cấp giấy phép lao động và không thuộc diện cấp giấy phép lao động là 5.986 người (chiếm 87,3%, trong đó có 113 người không thuộc diện cấp giấy phép lao động do là chủ sở hữu, thành viên góp vốn hoặc kết hôn với người Việt Nam… ); số lao động sang làm việc ngắn hạn và đang hoàn tất thủ tục cấp giấy phép lao động là 870 người (chiếm 12,7%).
Đa số lao động nước ngoài đều có trình độ chuyên môn kỹ thuật, có kinh nghiệm làm việc và được bố trí vào các vị trí như nhà quản lý, giám đốc điều hành (1.064 người, chiếm 15,5%), chuyên gia (833 người, chiếm 12,2%) và lao động kỹ thuật (4.959 người, chiếm 72,3%).
Theo thống kê, hầu hết số lao động nước ngoài trên địa bàn tỉnh đều mang quốc tịch Châu Á, chiếm đa phần trong đó là lao động Hàn Quốc (chiếm 18%), lao động Trung Quốc, Đài Loan (chiếm 79%) và một số nước khác (chiếm 3%).
Số lao động Trung Quốc, Đài Loan tập trung chủ yếu tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư Trung Quốc thuộc Khu công nghiệp như: Công ty TNHH Fuhong Precision Component (Bắc Giang) có 185 lao động, Công ty TNHH Công nghệ chính xác Fuyu có 363 lao động; Công ty TNHH New Wing Interconnect Technology (Bắc Giang) có 442 lao động, Công ty TNHH Vina Solar Technology có 202 lao động, Công ty TNHH Vina Cell Technology có 171 lao động, Công ty TNHH Luxshare-ICT (Việt Nam) có 840 lao động, Công ty TNHH Luxshare-ICT (Vân Trung) 1.343 lao động, Công ty TNHH JA Solar Việt Nam 111 lao động, Công ty TNHH JA Solar PV Việt Nam 162 lao động...
Lao động Hàn Quốc tập trung ở cả ngoài KCN và trong KCN và cũng chủ yếu thuộc các doanh nghiệp có vốn đầu tư từ Hàn Quốc như: Công ty TNHH Samkwang Vina có 38 lao động, Công ty TNHH Siflex Việt Nam có 76 lao động, Công ty TNHH Seojin Việt Nam có 58 lao động, Công ty TNHH KD Sports Việt Nam có 24 lao động...
Còn lại là những doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng lao động nước ngoài với số lượng ít, dao động từ 02 đến 10 lao động trong 01 doanh nghiệp.
Ông Trần Văn Hà, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Bắc Giang, cho biết: Nhằm tăng cường công tác phối hợp trong quản lý lao động nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu trình UBND tỉnh ban hành mới Quy chế phối hợp quản lý người lao động nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Theo đó, đã quy định cụ thể và rõ ràng trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị trong công tác phối hợp quản lý người lao động nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, bổ sung thêm các biện pháp quản lý mới để phù hợp hơn với tình hình thực tế; đồng thời cụ thể hóa một số quy định mới trong các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, đảm bảo quản lý chặt chẽ người lao động nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh.
Trong năm 2022, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức hội nghị tập huấn trực tuyến triển khai các quy định mới của pháp luật về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam cho hơn 400 cán bộ quản lý, cán bộ nhân sự làm việc tại gần 400 doanh nghiệp có sử dụng người lao động nước ngoài trên địa bàn toàn tỉnh. Biên soạn và phối hợp với Sở Ngoại Vụ biên dịch cuốn sổ tay đa ngôn ngữ (gồm các ngôn ngữ: tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Hàn Quốc, tiếng Trung Quốc, tiếng Nhật Bản) hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và cấp phát 2.050 cuốn cho các doanh nghiệp có sử dụng người lao động nước ngoài.
Cùng với đó là đẩy mạnh việc sử dụng phần mềm trực tuyến quản lý lao động nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các cơ quan có liên quan của tỉnh bao gồm Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý các KCN, Công an tỉnh, UBND các huyện, thành phố được cấp quyền truy cập vào phần mềm để cập nhật thông tin, dữ liệu, chiết xuất thông tin dữ liệu phục vụ cho công tác quản lý lao động nước ngoài theo từng chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.
Hiện nay, các thủ tục hành chính liên quan đến cấp giấy phép cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam đều được triển khai, thực hiện ở mức dịch vụ công cấp độ 3,4 và thực hiện hoàn toàn trên cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh http://dichvucong.bacgiang.gov.vn giúp các tổ chức, doanh nghiệp dễ dàng và thuận tiện hơn trong việc thực hiện các thủ tục liên quan đến cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài.
Đặc biệt, cán bộ phụ trách công tác quản lý lao động nước ngoài trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn, giải đáp những thắc mắc liên quan đến thủ tục cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam qua nhóm zalo có hơn 600 nhân sự của 626 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh…
Theo Phó Giám đốc Trần Văn Hà, nhận xét: Tính đến thời điểm hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều nắm được quy định của pháp luật và nghiêm chỉnh chấp hành việc cấp giấy phép lao động cho lao động nước ngoài làm việc tại doanh nghiệp. Thời gian tới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bắc Giang, Ban Quản lý các KCN tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật trong việc tuyển dụng, quản lý lao động nước ngoài cho các tổ chức, cá nhân sử dụng người lao động nước ngoài nắm rõ và triển khai thực hiện đúng quy định của pháp luật Việt Nam.

Chí Tâm

TAG: lao độn người nước ngoài
Tin khác
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan: Đưa 1.000 lao động Việt Nam sang Australia làm việc góp phần nâng cao quan hệ đối tác hai nước
Hà Nội: Giải quyết việc làm cho trên 164 nghìn lao động trong 8 tháng đầu năm 2024
Những kết quả trong giải quyết việc làm ở Quảng Trị
Hỗ trợ kết nối cung cầu lao động trên địa bàn tỉnh Nam Định
TP Đà Nẵng: Ước giải quyết việc làm cho 26.970 lao động trong 8 tháng đầu năm
Bình Định: 6 tháng đầu năm giải quyết việc làm cho 13.000 lao động
TP.HCM: Nhiều việc làm dành cho người khuyết tật
Huyện Ea Kar đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ môi trường và an toàn, vệ sinh lao động
Huyện Ea H’Leo: Triển khai nhiều hoạt động hiệu quả trong Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động