Đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống
Trang chủ / Lao động / Đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống
Bắc Giang chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao
02:56 PM 24/07/2019
(LĐXH) - Thời gian qua, Bắc Giang đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và của xã hội.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có tổng số 45 cơ sở GDNN (02 trường cao đẳng, 09 trường Trung cấp, 15 trung tâm GDNN và 19 cơ sở hoạt động GDNN). Có 03 cơ sở GDNN có nghề trọng điểm được đầu tư tập trung theo Quyết định số 854/QĐ-BLĐTBXH ngày 06/6/2013 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Trong đó, Trường Cao đẳng nghề Công nghệ Việt - Hàn Bắc Giang là 01 trong 45 trường trong cả nước được đầu tư phát triển trường nghề chất lượng cao đến năm 2020 theo Quyết định số 761/QĐ-TTg ngày 23/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ.
(Ảnh minh họa)
Trong giai đoạn 2014-2018, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng tổ chức hướng dẫn cho 100% cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ động thực hiện xây dựng chương trình đào tạo theo đúng quy trình, hướng dẫn của Bộ LĐTBXH. Chương trình đào tạo được đổi mới theo hướng tăng kỹ năng nghề cho người học, quan tâm nhiều hơn đến công tác giáo dục ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp cho người học; huy động sự tham gia của các doanh nghiệp trong việc xây dựng và đổi mới nội dung chương trình đào tạo; tạo điều kiện cho người học nghề được thực tập thực tế tại các doanh nghiệp. Nội dung chương trình theo từng ngành nghề và trình độ đào tạo được xây dựng, phê duyệt và cập nhật bổ sung hàng năm phù hợp, từng bước đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Đổi mới quản lý và giảng dạy theo hướng tiếp cận, nâng cao tay nghề, từng bước tiếp cận trình độ của các nước tiên tiến, khu vực ASEAN và quốc tế. Xây dựng các trường chất lượng cao, ngành nghề trọng điểm cấp quốc tế, khu vực và quốc gia.
Cùng với đó, tỉnh đặc biệt chú trọng củng cố và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp. Hàng năm, chỉ đạo các ngành có liên quan tổ chức xây dựng và triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp. Từng bước chuẩn hóa trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ nhà giáo nhất là nhà giáo tham gia giảng dạy các nghề trọng điểm; tạo điều kiện cho nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp được tham dự các khóa đào tạo, bồi dưỡng đạt chuẩn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, công nghệ thông tin, ngoại ngữ, nghiệp vụ sư phạm dạy nghề cho các nhà giáo tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp... Hiện nay, toàn tỉnh có 1.195 nhà giáo, trong đó: có 01 tiến sĩ (chiếm 0,1%); 222 thạc sĩ (chiếm 18,6%); 604 người trình độ đại học (chiếm 50,5%); 130 người trình độ cao đẳng (chiếm 10,9%); 128 người trình độ trung cấp (chiếm 10,7%) và 110 người (chiếm 9,2%) là nghệ nhân, công nhân kỹ thuật, thợ bậc cao… Những năm gần đây, các nhà giáo của tỉnh tham dự Hội giảng nhà giáo GDNN toàn quốc, đều đạt kết quả cao. Năm 2015, được xếp thứ ba toàn đoàn và năm 2018, Đoàn Bắc Giang đứng trong tốp 10 cả nước.
Với việc triển khai mạnh mẽ các giải pháp trong giáo dục nghề nghiệp, những năm qua, chất lượng và số lượng học sinh được đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh Bắc Giang ngày càng được khẳng định, từng bước tiếp cận với trình độ khu vực và quốc tế (năm 2018, lần đầu tiên tham dự Kỳ thi tay nghề quốc gia, Đoàn Bắc Giang có 01 giải khuyến khích). Trung bình mỗi năm các cơ sở GDNN, cơ sở hoạt động GDNN trên địa bàn tỉnh đào tạo nghề cho khoảng 41.275 học sinh, sinh viên, với trên 80 ngành nghề, lĩnh vực khác nhau. Trong đó: Trình độ cao đẳng là 1.285 người; Trung cấp 4.285 người và sơ cấp là trên 35.700 người. Từ năm 2014 đến hết năm 2018, các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh đã tổ chức tuyển sinh và đào tạo cho 160.099 người, trong đó có 25.000 người tốt nghiệp trình độ trung cấp trở lên. Tổng số học sinh, sinh viên đào tạo trình độ trung cấp và cao đẳng năm 2018 là 4.416 người, gấp 1,6 lần so với năm 2014 (2.736 người). Qua đánh giá, kỹ năng nghề nghiệp của học sinh, sinh viên tốt nghiệp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã được nâng lên; lao động qua đào tạo nghề tham gia vào hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân và đã đảm nhận được các vị trí, công việc phức tạp mà trước đây phải do chuyên gia nước ngoài thực hiện.
Trong giai đoạn 2014 - 2018, các trường đã tổ chức cho trên 10.000 học sinh, sinh viên hệ trung cấp, cao đẳng tham gia trải nghiệm công việc thực tế tại doanh nghiệp. Trong số các học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường, khoảng 70% học sinh tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp, ở một số nghề và một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tỷ lệ này đạt trên 90%, đặc biệt có ngành, nghề đạt tỷ lệ 100%.
Tỉnh Bắc Giang phấn đấu hết năm 2019, tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn tỉnh đạt 66,5%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 44,5%; hết năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn tỉnh đạt 70%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 46,5%./.
Cảnh Minh
TAG:
Tin khác
Nam Định: Khẳng định vị thế của Trung tâm Dịch vụ việc làm
Xã Hành Đức: Nỗ lực kết nối việc làm cho người nghèo
Huyện Đức Hoà (Long An) nỗ lực tìm kiếm giải pháp tạo việc làm ổn định cho người lao động
Long An chủ động kết nối doanh nghiệp đưa lao động sang Nhật Bản làm việc
Kiên quyết không để đối tượng xấu lừa đảo đưa lao động sang Úc làm việc bất hợp pháp
Dấu ấn trong phái cử lao động đi làm việc tại Hàn Quốc
Tăng cường kết nối cung – cầu lao động trên địa bàn tỉnh Nam Định
Thanh Hóa tăng cường kết nối cung cầu lao động
Huyện Quế Phong: Tích cực kết nối việc làm cho người lao động