Bắc Giang: Chú trọng chăm sóc sức khỏe người lao động và tuyên truyền về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
(LĐXH) - Với nhận thức người lao động là vốn quí của doanh nghiệp, tỉnh Bắc Giang rất quan tâm đến công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp, đồng thời tăng cường nâng cao nhận thức về chính sách bảo hiểm tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN) cho người lao động.
Thực hiện Quyết định số 659/QĐ-TTg ngày 20/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp giai đoạn 2020-2030, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang sắp ban hành Kế hoạch Chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống BNN trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021- 2030.
Theo dự thảo kế hoạch, mục tiêu chung của việc triển khai kế hoạch nói trên là nhằm bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho người lao động, khuyến khích lối sống, dinh dưỡng lành mạnh tại nơi làm việc, phòng, chống bệnh tật và BNN cho người lao động, bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực, góp phần vào sự phát triển bền vững của tỉnh Bắc Giang.
Mục tiêu cụ thể, đến năm 2025, đảm bảo 50% số cơ sở lao động có yếu tố có hại gây BNN được quản lý, đạt 80% vào năm 2030. Đến năm 2025, có ít nhất 30% cơ sở lao động có yếu tố có hại gây BNN được kiểm tra về công tác quan trắc môi trường lao động, đạt 50% vào năm 2030. Đến năm 2025, 50% người lao động tại các cơ sở lao động có nguy cơ mắc BNN được tiếp cận thông tin về yếu tố có hại, biện pháp phòng chống và được quản lý sức khỏe, khám phát hiện sớm BNN, đạt 100% vào năm 2030. 100% người bị TNLĐ, BNN được sơ cấp cứu tại nơi làm việc, khám bệnh, điều trị và phục hồi chức năng và giám định hưởng chế độ bảo hiểm xã hội về TNLĐ, BNN theo qui định.
Đến năm 2025 có ít nhất 70% các cơ sở lao động được tư vấn về các bệnh không lây nhiễm, thực hiện các biện pháp phòng chống, nâng cao sức khỏe, dinh dưỡng hợp vệ sinh, phù hợp điều kiện lao động, tăng cường vận động tại nơi làm việc, đạt 100% vào năm 2030. Đến năm 2025 có ít nhất 70% các cơ sở lao động thực hiện lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người lao động không có hợp đồng lao động vào hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu tại y tế cơ sở, đạt 90% vào năm 2030. Đến năm 2025 có ít nhất 50% người lao động nữ tại các khu công nghiệp được tư vấn và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng chống HIV/AIDS và nuôi con bằng sữa mẹ, đạt 100% vào năm 2030. Giảm 15% các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể tại các cơ sở lao động vào năm 2025 và giảm 25% vào năm 2030 (so với giai đoạn 2010- 2020). Xây dựng cơ sở dữ liệu về quan trắc môi trường lao động, BNN vào năm 2025 và kết nối với hệ thống dữ liệu quốc gia vào năm 2030.
Kế hoạch được triển khai trên phạm vi toàn tỉnh, bao gồm, các cơ sở lao động, người sử dụng lao động và người lao động; ưu tiên các cơ sở lao động nhỏ và vừa, khu vực nông nghiệp, làng nghề, lao động nữ, lao động cao tuổi và lao động không có hợp đồng lao động và các cơ sở y tế.
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp liên ngành. Cấp ủy, chính quyền các cấp cần quán triệt và tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo các ngành từ tỉnh đến cơ sở, các cơ quan có liên quan, các tổ chức chính trị, xã hội, các hội ngành nghề, doanh nghiệp tổ chức xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện các nhiệm vụ cụ thể để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu về chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống BNN. Tổ chức các hội nghị triển khai các văn bản, chính sách, pháp luật về an toàn vệ sinh lao động và BNN cho lãnh đạo chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, người sử dụng lao động… nhằm huy động sự tham gia của hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Đặc biệt, tuyên truyền, phổ biến các quy định mới về mức hỗ trợ khám, chữa bệnh nghề nghiệp theo Nghị định 88/2020/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm TNLĐ, BNN. Cụ thể, người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí để khám BNN cho người lao động theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 56 Luật An toàn, vệ sinh lao động khi người lao động có đủ các điều kiện sau đây: Có thời gian đóng bảo hiểm TNLĐ, BNN đủ từ 12 tháng trở lên và đang tham gia tính đến tháng liền kề trước tháng đề nghị hỗ trợ kinh phí khám BNN cho người lao động; Đã được phát hiện BNN tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Về mức hỗ trợ kinh phí khám BNN, mức hỗ trợ bằng 50% chi phí khám BNN tính theo biểu giá khám BNN do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành tại thời điểm người lao động khám BNN sau khi đã được bảo hiểm y tế chi trả, nhưng không quá 800 nghìn đồng/người/lần khám.
Số lần hỗ trợ tối đa đối với mỗi người lao động là 2 lần và trong 1 năm chỉ được nhận hỗ trợ 1 lần.
Về hỗ trợ chữa BNN, người lao động được hỗ trợ kinh phí chữa BNN theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 56 Luật An toàn, vệ sinh lao động khi có đủ các điều kiện sau đây: Đã được chẩn đoán bị bệnh nghề nghiệp tại cơ sở khám bệnh, chữa BNN; Đã tham gia bảo hiểm TNLĐ, BNN đủ 12 tháng trở lên và đang tham gia tính đến tháng liền kề trước tháng đề nghị hỗ trợ kinh phí chữa BNN; Có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trong thời gian làm các nghề, công việc gây BNN.
Nghị định 88 cũng quy định cụ thể mức hỗ trợ kinh phí chữa BNN. Theo đó, mức hỗ trợ bằng 50% chi phí chữa BNN tính theo biểu giá chữa bệnh tại thời điểm người lao động chữa BNN theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế sau khi đã được bảo hiểm y tế chi trả, nhưng không quá 15 triệu đồng/người. Số lần hỗ trợ tối đa đối với mỗi lao động là 2 lần và trong 1 năm chỉ được nhận hỗ trợ 1 lần.
Cũng theo dự thảo Kế hoạch Chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống BNN trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021- 2030, trong thời gian tới, tỉnh sẽ nâng cao năng lực quản lý vệ sinh lao động, y tế lao động, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống BNN. Tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ y tế các tuyến, người làm công tác y tế tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh về các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về vệ sinh lao động, BNN; tổ chức huấn luyện lực lượng sơ, cấp cứu tại nơi làm việc để nâng cao năng lực, đáp ứng điều trị, phục hồi chức năng BNN và TNLĐ.
Củng cố hệ thống tổ chức y tế lao động trong quản lý vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động và phòng chống BNN tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện và cơ sở lao động. Đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác khám sức khỏe, sàng lọc, phát hiện, chẩn đoán sớm BNN, đảm bảo chất lượng quan trắc môi trường lao động. Rà soát thống kê, đánh giá và phân cấp quản lý đối với các cơ sở lao động có yếu tố có hại gây BNN; xây dựng cơ sở dữ liệu về quan trắc môi trường lao động, BNN trên địa bàn tỉnh. Xây dựng cơ sở dữ liệu, đồng bộ và kết nối hệ thống thông tin từ tuyến xã đến tuyến tỉnh trong các hoạt động quản lý chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống BNN. Đánh giá thực trạng một số BNN phổ biến và xây dựng mô hình kiểm soát BNN, thí điểm ở một số ngành nghề như: bệnh nhiễm khuẩn nghề nghiệp trong y tế, nông nghiệp; bệnh điếc nghề nghiệp tại ngành cơ khí, chế tạo máy; bệnh bụi phổi nghề nghiệp trong ngành khai thác mỏ, cơ khí... Xây dựng mô hình phòng chống hiệu quả các bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm, chăm sóc sức khỏe sinh sản (đối với lao động nữ) và phòng chống HIV/AIDS tại cơ sở làm việc. Triển khai, áp dụng lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người lao động không có hợp đồng lao động vào hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu tại y tế cơ sở. Tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động, chăm sóc sức khoẻ người lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp, công tác báo cáo y tế lao động, tai nạn lao động tại các đơn vị, cơ sở lao động.
Nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ về y tế lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động. Tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ theo từng mục tiêu của Kế hoạch; đào tạo cấp chứng chỉ khám BNN, quan trắc môi trường lao động cho cán bộ làm công tác y tế lao động. Tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho người làm công tác vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe, phòng chống BNN và hoạt động sơ cứu, cấp cứu tại các cơ sở lao động. Nâng cao năng lực sơ cấp cứu tại nơi làm việc, đáp ứng điều trị, điều dưỡng phục hồi chức năng BNN và TNLĐ. Xây dựng tài liệu hướng dẫn kiểm soát đánh giá các yếu tố có hại, quan trắc môi trường lao động, chăm sóc sức khỏe, phòng chống BNN, phòng chống các bệnh truyền nhiễm và bệnh không lây nhiễm tại nơi làm việc. Triển khai hiệu quả dịch vụ tư vấn, chăm sóc sức khỏe, phòng chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động, chú trọng việc khám phát hiện sớm bệnh nghề nghiệp tại một số ngành, nghề, đơn vị, cơ sở lao động có yếu tố có hại gây bệnh nghề nghiệp (các bệnh nhiễm khuẩn nghề nghiệp trong ngành y tế, bệnh điếc nghề nghiệp và viêm phế quản nghề nghiệp...). Tổ chức các đợt giám sát, hỗ trợ chuyên môn đối với các đơn vị trong ngành y tế, các cơ sở lao động về quản lý vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp, kịp thời chấn chỉnh, hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp khắc phục tồn tại, thiếu sót, đảm bảo ngăn ngừa có hiệu quả nguy cơ gây TNLĐ, BNN.
Truyền thông, giáo dục và tư vấn vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống BNN. Phổ biến, tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật về chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động cho các cấp, ngành, đoàn thể, cơ sở lao động và người lao động, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong thực hiện công tác vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp. Sử dụng đa dạng, linh hoạt, hiệu quả các kênh và hình thức truyền thông, nhằm tăng cường sự tiếp cận tới các đối tượng trong công tác chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động. Biên soạn, in tài liệu truyền thông phù hợp với từng nhóm ngành, nghề, đảm bảo đạt hiệu quả trong công tác truyền thông. Tập huấn, hướng dẫn kỹ năng truyền thông, tư vấn về công tác chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống BNN cho cán bộ y tế và người làm công tác y tế tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. Tổ chức triển khai hiệu quả công tác truyền thông, giáo dục và tư vấn sức khỏe cho người lao động về phòng chống các bệnh truyền nhiễm và bệnh không lây nhiễm (ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, HIV/AIDS, …), chế độ dinh dưỡng phù hợp với điều kiện lao động và tăng cường vận động tại nơi làm việc. Theo dõi, giám sát , tổ chức kiểm tra việc thực hiện các quy định của Pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động tại các cơ sở lao động, đặc biệt là các cơ sở có nguy cơ phát sinh nhiều yếu tố nguy hiểm, có hại. Giám sát và phối hợp với các cơ sở lao động tiến hành kiểm soát các yếu tố có hại, quan trắc môi trường lao động, tư vấn cải thiện điều kiện lao động và phòng chống BNN. Giám sát và phối hợp với các cơ sở lao động trong công tác khám sức khỏe, khám BNN nhằm phát hiện sớm BNN, tiến hành các giải pháp nhằm hạn chế mắc BNN, các biện pháp điều trị để phục hồi sức khỏe của người lao động; đảm bảo các quyền lợi, chế độ người lao động được hưởng theo quy định của pháp luật. Đánh giá các yếu tố vệ sinh lao động và BNN phát sinh trong điều kiện lao động mới, thực hiện giám sát, quan trắc môi trường lao động, lập hồ sơ vệ sinh lao động theo quy định. Tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành, giám sát và báo cáo y tế lao động và BNN tại các tuyến.
Thảo Lan
TAG: