Trẻ em
Trang chủ / Xã hội / Trẻ em
Bắc Giang: Chăm sóc trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dựa vào cộng đồng
12:25 PM 27/06/2017
(LĐXH) - Những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Bắc Giang cũng luôn quan tâm chăm lo toàn diện về sức khỏe, học tập, vui chơi, phát triển tài năng cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh ĐBKK, giúp đỡ và tạo cơ hội để các em hòa nhập cộng đồng
Tính đến cuối năm 2016, toàn tỉnh Bắc Giang có trên 441.000 trẻ em, chiếm 27,3% dân số. Trong đó có khoảng 5 nghìn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (ĐBKK), bao gồm: trên 4 nghìn trẻ em khuyết tật; trên 800 trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi; 58 trẻ em nhiễm HIV/AIDS...
Trong năm 2016, toàn tỉnh đã hỗ trợ theo chính sách, tổ chức thăm hỏi, tặng quà, cấp học bổng cho 11 nghìn lượt trẻ em có hoàn cảnh ĐBKK với kinh phí gần 3 tỷ đồng; Duy trì nuôi dưỡng, chăm sóc 95 trẻ khuyết tật, mồ côi, bị bỏ rơi tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh; Tiếp tục Thực hiện Dự án Xây dựng Hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em tại 08 xã của 2 huyện Lục Nam và Yên Thế; và Dự án Xây dựng mô hình trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại các huyện Việt Yên, Tân Yên, Lạng Giang và TP Bắc Giang; Thành lập 24 câu lạc bộ thuộc mô hình trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại cộng đồng; Tổ chức hoạt động của 08 nhóm trẻ em nòng cốt, 16 điểm tư vấn tại cộng đồng, trường học thuộc các xã thực hiện xây dựng hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại huyện Yên Thế và Lục Nam.

Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh phối hợp với Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ AIA Việt Nam
trao học bổng cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Lạng Giang

Trong năm, Quỹ bảo trợ trẻ em của tỉnh cũng thăm, tặng trên 29 nghìn xuất quà cho trẻ em có hoàn cảnh ĐBKK với tổng số tiền 2,3 tỷ đồng. Nhân dịp Tết Nguyên đán, Tháng hành động vì trẻ em và Quốc tế Thiếu nhi 01/6, khai giảng năm học mới 2016-2017, Tết trung thu, trên địa bàn toàn tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, thăm hỏi, tổ chức tặng 1.377 suất quà cho trẻ em có hoàn cảnh ĐBKK với tổng trị giá hơn 413 triệu đồng...
Với sự quan tâm của các ngành, các cấp, các đoàn thể, tổ chức xã hội và nhân dân, đến nay, 100% trẻ em thuộc hộ gia đình nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được giúp đỡ bằng các hình thức như trợ cấp, hỗ trợ theo chính sách, cấp học bổng, thăm hỏi tặng quà, cấp bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí, được hỗ trợ mua sách vở, đồ dùng học tập; 100% trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em khuyết tật, trẻ em nhiễm chất độc hóa học, nhiễm HIV/AIDS đã được quan tâm, chăm sóc, nuôi duỡng tại gia đình, người thân hoặc các Trung tâm xã hội của tỉnh, được hưởng chế độ chính sách của Nhà nước theo quy định. Đặc biệt, trẻ em khuyết tật trên địa bàn tỉnh đã được hỗ trợ về khám sức khỏe, phục hồi chức năng, được học hòa nhập trong các nhà trường. Cho đến nay, trên địa bàn tỉnh, không còn tình trạng trẻ em lang thang. Công tác phòng ngừa, bảo vệ trẻ em bị xâm hại được chú trọng. Hầu hết số vụ vi phạm quyền trẻ em được phát hiện đã được các cơ quan chức năng giải quyết kịp thời.
Tích cực thực hiện Đề án Chăm sóc trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dựa vào cộng đồng.
Các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Bắc Giang luôn coi trọng công tác bảo vệ, Chăm sóc trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, ngày 25/11/2014, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Kế hoạch số 3399/KH-UBND thực hiện Đề án Chăm sóc trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dựa vào cộng đồng tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2015 - 2020. Với mục tiêu là huy động sự tham gia của xã hội, nhất là gia đình, cộng đồng trong việc chăm sóc, trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh ĐBKK để ổn định cuộc sống, có cơ hội thực hiện các quyền của trẻ em và hòa nhập cộng đồng theo quy định của pháp luật; phát triển các hình thức chăm sóc thay thế trẻ em có hoàn cảnh ĐBKK dựa vào cộng đồng; từng bước thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa trẻ em có hoàn cảnh ĐBKK với trẻ em bình thường tại nơi cư trú.
Mục tiêu cụ thể là đến năm 2020: 100% trẻ em có hoàn cảnh ĐBKK đủ điều kiện được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí theo quy định của Nhà nước; 100% trẻ em có hoàn cảnh ĐBKK được nhận sự trợ giúp và được cung cấp các dịch vụ xã hội phù hợp để có thể ổn định cuộc sống hòa nhập cộng đồng; Phát triển các hình thức nhận nuôi có thời hạn trẻ em có hoàn cảnh ĐBKK; Chăm sóc bán trú cho trẻ em khuyết tật nặng, trẻ em là nạn nhân của chất độc hóa học, trẻ em nhiễm HIV/AIDS; Nâng cao chất lượng chăm sóc, trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh ĐBKK tại các cơ sở bảo trợ xã hội và cộng đồng; 100% cán bộ làm công tác chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh ĐBKK được trang bị những kiến thức cơ bản và được tập huấn về các chính sách đối với trẻ em có hoàn cảnh ĐBKK.
Vận động doanh nghiệp tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt
Ông Nguyễn Văn Ngọc, trưởng Phòng Bảo trợ xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Bắc Giang cho biết: Để thực hiện hiệu quả Đề án, tỉnh đã triển khai rất nhiều hoạt động, trong đó có chú trọng các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng trong việc chăm sóc và trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh ĐBKK dựa vào cộng đồng. Từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã chi gần 260 triệu cho hoạt động truyền thông như: tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và tại cộng đồng; thiết kế tờ rơi, cẩm nang tuyên truyền, xây dựng các cụm panô liên xã cổ động trực quan về việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh ĐBKK đảm bảo phù hợp, thiết thực với địa phương.
Công tác tập huấn, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh ĐBKK  cũng được chú trọng. Trong 2 năm 2016, 2017 tỉnh đã tổ chức 04 lớp tập huấn cho khoảng 440 cán bộ Lao động - Thương binh và xã hội, cộng tác viên công tác xã hội, cán bộ các hội, đoàn thể cấp xã về các chính sách trợ giúp của Nhà nước đối với trẻ em có hoàn cảnh ĐBKK.
Thời gian qua, Sở LĐTBXH cũng phối hợp với Sở Giáo dục và đào tạo, Sở Y tế, UBND các huyện, thành phố thực hiện giáo dục hòa nhập cho trẻ; miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho trẻ; thực hiện các biện pháp phòng ngừa, can thiệp sớm nhằm giảm thiểu gia tăng trẻ em rơi vào hoàn cảnh ĐBKK; tăng cường trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh ĐBKK, tạo điều kiện thuận lợi để các em có thể tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ văn hóa, vui chơi, giải trí và thể dục, thể thao...
Bên cạnh đó, tỉnh còn tổ chức một số mô hình hiệu quả để trợ giúp trẻ, tiêu biểu là mô hình Dạy nghề may công nghiệp cho trẻ em khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh ĐBKK tại Trung tâm Chăm sóc trẻ em khuyết tật tỉnh (nay là Trung tâm Công tác xã hội). Mô hình đã được triển khai từ tháng 8 - tháng 12/2016, với 14 học viên tham gia, nhằm trang bị cho các em một nghề để có thể tự kiếm cho mình một việc làm phù hợp, bớt đi mặc cảm do không có nghề, không có thu nhập cho bản thân khi hòa nhập cộng đồng.
Kết thúc khóa học, các em đã nắm bắt và hiểu được những kiến thức cơ bản về sử dụng, bảo quản nguyên liệu, dụng cụ, thiết bị may; hiểu và may được những đường may cơ bản, các bộ phận chủ yếu của sản phẩm may mặc; xử lý được những đường may sai, hỏng, tạo cho các em một tác phong công nghiệp; may và lắp ghép những bộ phận chủ yếu của sản phẩm may mặc như quần âu, áo sơ mi. Một số em đã có việc làm, tạo thu nhập cho bản thân và ổn định cuộc sống.
Ông Nguyễn Văn Ngọc cho biết thêm, trong năm 2017, Sở LĐTBXH sẽ phối hợp với các ban, ngành, địa phương thực hiện mô hình hỗ trợ gia đình, cá nhân nhận nuôi trẻ em có hoàn cảnh ĐBKK. Hiện tại, Sở LĐTBXH đang tiến hành khảo sát lựa chọn đối tượng và gia đình, cá nhân nhận nuôi trẻ (dự kiến có khoảng 20- 30 gia đình); tập huấn cho cán bộ  ngành LĐTBXH, nhân viên xã hội và cộng tác viên công tác xã hội về kiến thức để thực hiện mô hình gia đình, cá nhân nhận nuôi có thời hạn đối với trẻ em hoàn cảnh ĐBKK, trong đó tập trung vào các nội dung chính là kỹ năng khảo sát, xác định đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cần thực hiện biện pháp chăm sóc nuôi dưỡng; kỹ năng khảo sát đánh giá cá nhân, gia đình nhận nuôi trẻ; tiêu chí giám sát đánh giá việc chăm nuôi trẻ; những can thiệp khi cần thiết; cung cấp các dịch vụ chăm nuôi. Ngoài ra, còn tổ chức tập huấn cho gia đình và cá nhân nhận nuôi trẻ về kiến thức tâm sinh lý trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; kỹ năng giáo dục và ứng xử với trẻ; chế độ dinh dưỡng phù hợp với điều kiện kinh tế và phát triển thể chất…
Có thể nói, với sự quan tâm chỉ đạo của Nhà nước, của tỉnh, sự chung tay của các tổ chức xã hội, các cá nhân trong nước và nước ngoài, các vấn đề của trẻ em có hoàn cảnh ĐBKK trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đang từng bước được giải quyết tích cực, đem lại cuộc sống hạnh phúc, bình đẳng cho các em./.
Cảnh Minh
TAG:
Tin khác
Tác động của chính sách hỗ trợ ưu đãi giáo dục đối với học sinh nghèo ở Định Hóa
Generali Việt Nam được vinh danh “Doanh nghiệp vì cộng đồng” lần thứ 5 liên tiếp
Thái Nguyên: Chú trọng quản lý các công trình ghi công liệt sĩ
Quận Cầu Giấy: Phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2024
Huyện Phú Lương phát huy truyền thống Uống nước nhớ nguồn
Hội thảo thúc đẩy và bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em trong ASEAN
Huyện Nam Trà My: Triển khai nhiều giải pháp thực hiện Chương trình giảm nghèo
Trọn vẹn nghĩa tình ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Cam kết thực hiện bình đẳng giới vì sự phát triển của toàn xã hội