Đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống
Trang chủ / Lao động / Đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống
Bắc Giang: Bảo đảm an sinh xã hội trước tác động của đại dịch Covid-19
10:27 AM 08/11/2021
(LĐXH) – Trước tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, tỉnh Bắc Giang đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để đảm bảo đời sống người dân, nhất là đối với những người yếu thế, góp phần thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn
Đợt dịch thứ tư bùng phát đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống, kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Tỉnh đã phải tạm dừng hoạt động của 04 khu công nghiệp, một số huyện, thành phố cũng đã yêu dầu dừng hoạt động của các nhà máy, cơ sở sản xuất kinh doanh để phòng chống dịch đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân, các doanh nghiệp và người lao động trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, ngày 14/7/2021 đã tổ chức hội nghị trực tuyến với các huyện, thành phố để triển khai Nghị quyết. Đồng thời đã ban hành Kế hoạch số 325/KH-UBND triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh và các văn bản chỉ đạo và chỉ đạo các Sở, ngành ban hành các văn bản hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang kiểm tra tình hình sản xuất tại doanh nghiệp
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã đề nghị các cơ quan, đơn vị, UBND các huyện thành phố cử cán bộ đầu mối hỗ trợ việc triển khai các chính sách và đã thông báo công khai cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị và người dân; đã soạn tài liệu tuyên truyền, phổ biến các chính sách hỗ trợ và thông tin tới các doanh nghiệp; chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Giang soạn thông báo về chính sách hỗ trợ người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp và gửi đến UBND các huyện, thành phố để tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của các xã, phường, thị trấn; tổ chức họp trực tuyến qua Zoom với cán bộ đầu mối của các Sở, ban, ngành, các huyện, thành phố và cấp xã và các doanh nghiệp để trao đổi, giải đáp khó khăn, vướng mắc…
Công tác thông tin, tuyên truyền được đẩy mạnh. UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành, Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Bắc Giang và UBND các huyện, thành phố tăng cường thông tin, tuyên truyền về chính sách hỗ trợ người lao động và Người sử dụng lao động do ảnh hưởng của dịch covid-19 theo quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP; Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg; Nghị quyết số 116/NQ-CP; Quyết định số 28/2021/QĐ[1]TTg và Nghị quyết 126/NQ-CP. Sở LĐTBXH đã soạn tài liệu tuyên truyền, phổ biến các chính sách hỗ trợ và thông tin tới các doanh nghiệp; thông báo số điện thoại hỗ trợ của các sở, ngành, địa phương đến các doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị. UBND các huyện, thành phố đã chỉ đạo Đài truyền thanh tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của xã, phường, thị trấn chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo Nghị quyết 68/NQ-CP; Nghị quyết 116/NQ-CP và Nghị quyết 126/NQ-CP.
Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết cũng được tăng cường. Lãnh đạo UBND tỉnh đã trực tiếp kiểm tra đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg tại các huyện, thành phố. Qua đó đã chấn chỉnh kịp thời các tồn tại, hạn chế và cho ý kiến chỉ đạo tháo gỡ các vướng mắc phát sinh.
Tính đến ngày 31/10/2021, toàn tỉnh đã giảm đóng quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với 4.041 đơn vị (237.924 lao động) với số tiền gần 5,8 tỷ đồng; duyệt cho 05 doanh nghiệp tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất cho 5.101 lao động với số tiền gần 4,7 tỷ đồng (mức giảm 06 tháng ước 28 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ 43.448 lao động đang tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương (trong đó hỗ trợ bổ sung cho 1.661 lao động đang mang thai và 19.540 trẻ em dưới 6 tuổi là con của người lao động) với số tiền gần 148,4 tỷ đồng (Đã chi trả cho 43.409 lao động đạt 99,69% so với số đã phê duyệt với số tiền 148,2 tỷ đồng); 80.495 lao động ngừng việc (trong đó hỗ trợ bổ sung cho 2.514 lao động đang mang thai và 34.400 trẻ em dưới 6 tuổi là con của người lao động) với số tiền 117,4 tỷ đồng (Đã chi trả cho 79.611 lao động đạt 98,9% so với số đối tượng đã phê duyệt với số tiền 116,1 tỷ đồng); 3.426 hộ kinh doanh với số tiền 10,3 tỷ đồng (Đã chi cho 3.247 hộ đạt 94,8% số đã phê duyệt với số tiền 9,6 tỷ đồng); 4.493 lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) với số tiền hơn 6,7 tỷ đồng.
Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh cũng phê duyệt và giải ngân cho 177 doanh nghiệp vay vốn để trả lương khi phục hồi sản xuất kinh doanh cho 93.740 lao động với số tiền hơn 319 tỷ đồng và 04 doanh nghiệp vay vốn trả lương ngừng việc cho 538 lao động với số tiền 1,4 tỷ đồng.
Chính sách hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Bảo hiểm xã hội tỉnh đã giảm mức đóng cho 3.519 đơn vị (267.652 lao động) với tổng số tiền là hơn gần 165,4 tỷ đồng;  Đã hỗ trợ cho 148.781 lao động với số tiền 341 tỷ đồng (Đạt 55,5% so với số lao động thuộc đối tượng được hỗ trợ. Dự kiến hoàn thành việc hỗ trợ trong tháng 11/2021).
Quan tâm, chăm lo đối tượng yếu thế trước tác động của dịch Covid-19
Trước tác động tiêu cực của dịch bệnh, tỉnh Bắc Giang đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và sự tích cực ủng hộ của các tỉnh, thành phố bạn; sự ủng hộ của nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; sự đồng lòng của người dân và doanh nghiệp trong triển khai các biện pháp phòng chống dịch đạt kết quả tốt; công tác triển khai hỗ trợ các chính sách an sinh xã hội được kịp thời, đầy đủ theo quy định.
Toàn tỉnh đã hỗ trợ 4.493 lao động tự do với số tiền hơn 6,7 tỷ đồng 
Các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã tích cực vận động sự hỗ trợ, ủng hộ, tài trợ của các quan, đơn vị các cấp từ Trung ương đến địa phương, trong tỉnh và ngoài tỉnh, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân về nhân lực, kinh phí, trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc, hóa chất, phương tiện phòng hộ, sinh phẩm, thực phẩm, nhu yếu phẩm và các vật dụng khác kịp thời phục vụ phòng, chống dịch bệnh. Toàn tỉnh đã hỗ trợ nhu yếu phẩm rau, củ, thực phẩm thiết yếu cho 45.130 lượt hộ gia đình; chính sách trợ giá điện 4.578 lượt hộ…
Các huyện, thành phố làm tốt công tác nắm tình hình đời sống nhân dân trên địa bàn; thường xuyên chăm lo đời sống cho người có công, gia đình chính sách, hộ nghèo, phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn, người mất việc làm do dịch bệnh Covid-19 bảo đảm kịp thời, hiệu quả. Sở LĐTBXH đã chỉ đạo các địa phương thực hiện chi trả trợ cấp hằng tháng kịp thời cho trên 27.000 đối tượng người có công và thân nhân người có công với cách mạng, trên 62.000 đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng.
Trong thời gian tới, tỉnh Bắc Giang sẽ tiếp tục triển khai, hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 126/NQ-CP sửa đổi Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định sửa đổi Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành; triển khai hoạt động kiểm tra việc hưởng chính sách hạn chế các trường hợp hưởng trùng, trục lợi chính sách; đôn đốc các huyện, thành phố chi trả cho các đối tượng kịp thời.
Đối với các huyện, thành phố, sẽ tiếp tục rà soát, xử lý các hồ sơ phát sinh và chi trả cho đối tượng gặp khó khăn do dịch Covid-19, đảm bảo kịp thời, nhanh chóng.  Kịp thời triển khai hỗ trợ theo Nghị quyết số 126/NQ-CP sửa đổi Nghị quyết số 68/NQ-CP khi có Quyết định sửa đổi Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành. Ở cấp xã tiếp tục rà soát, tiếp nhận hồ sơ đề nghị hưởng chính sách của các trường hợp F1 đã hoàn thành cách ly; kịp thời báo cáo trường hợp gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch để đề nghị hỗ trợ kịp thời…/.
Nguyễn Hiền
TAG:
Tin khác
Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Phước: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách Bảo hiểm thất nghiệp
Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Phước: Chủ động giải quyết chính sách Bảo hiểm thất nghiệp
Hà Nội: Thị trường lao động cuối năm có nhiều chuyển biến tích cực
Sóc Trăng: Gắn kết đào tạo nghề với giải quyết việc làm, tạo sinh kế bền vững cho người nghèo
Quảng Ninh: Đẩy mạnh các hoạt động kết nối, giải quyết việc làm cho người lao động
Tìm giải pháp nâng cao chất lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài
Yên Bái thúc đẩy nhân quyền, dành nhiều sự hỗ trợ về giải quyết việc làm cho người lao động
Trung tâm Dịch vụ việc làm Sơn La: Chủ động giải quyết chính sách Bảo hiểm thất nghiệp
Một số khó khăn và nguyên nhân khi thực hiện chính sách Bảo hiểm thất nghiệp ở Sơn La