Trẻ em
Trang chủ / Xã hội / Trẻ em
Bế mạc Hội nghị ARNEC 2019 và kêu gọi hành động Hà Nội được thông qua
04:33 PM 06/12/2019
LĐXH - Qua 2,5 ngày từ 04 – 06/12, Hội nghị Phát triển toàn diện trẻ em khu vực châu Á – Thái Bình Dương năm 2019 đã đi đến thành công tốt đẹp. Hội nghị đã thảo luận nhiều vấn đề quan trọng tác động đến phát triển toàn diện trẻ thơ: từ việc ban hành khung pháp lý, xây dựng chiến lược, chính sách, phân bổ nguồn lực đến các giải pháp kỹ thuật.

Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh phát biểu tại Lễ bế mạc Hội nghị

Tại phiên cấp cao của Hội nghị, các Nghị sĩ, Đại biểu Quốc hội, các Bộ trưởng, Thứ trưởng đã thảo luận, chia sẻ nhiều kinh nghiệm, bài học về thực hiện phát triển toàn diện trẻ thơ tại các quốc gia trong khu vực với nhiều thành tựu nhưng cũng vẫn còn không ít thách thức. Trong hội nghị này, tại 11 phiên thảo luận chủ để nhánh, việc xây dựng và thực hiện các chiến lược, chính sách, mô hình và hoạt động triển khai khung chăm sóc nuôi dưỡng, giáo dục cha mẹ, thiết lập môi trường an toàn và nhân văn để phát triển trẻ thơ cũng diễn ra sôi nổi với rất nhiều thông tin và bài học quý giá.

Các đại biểu đã cùng nhau dóng lên hồi chuông cảnh báo về ô nhiễm không khí, biến đổi khí hậu, xung đột vũ trang, thiếu sự chăm sóc do di cư đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đến sự phát triển toàn diện trẻ thơ; đặt các quốc gia trước sự lựa chọn chiến lược, giải pháp để trẻ em chúng ta có sự phát triển chất lượng, thân thiện nhất, cũng có nghĩa là sự lựa chọn khẩn cấp và lâu dài cho phát triển bền vững mà đích hướng tới là các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030 để không có trẻ em nào bị để lại phía sau.

Đặc biệt, đã đồng thuận, thống nhất đưa ra Kêu gọi hành động Hà Nội. Toàn bản nội dung Kêu gọi như sau:

Cùng với phiên họp cấp cao, hội nghị còn có 11 phiên thảo luận chủ đề nhánh về vấn đề phát triển toàn diện trẻ em

CHÚNG TÔI, 600 đại biểu từ các cơ quan của Chính phủ, các tổ chức xã hội dân sự, quỹ tài trợ, học viện và khối tư nhân, tham gia Hội nghị phát triển trẻ em khu vực châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 9 (ECD) được tổ chức tại Hà Nội, Việt Nam từ ngày 04 đến 06 tháng 12 năm 2019;

NHẬN THỨC được rằng việc trẻ em có thể phát huy hết tiềm năng của mình phụ thuộc vào chất lượng môi trường xung quanh, đặc biệt là môi trường gia đình, cộng đồng và môi trường sống, cũng như các chính sách và chương trình ảnh hưởng đến các em;

QUAN NGẠI rằng môi trường sống của các trẻ em khu vực Châu Á – Thái Bình Dương tiềm ẩn nhiều nguy cơ như ô nhiễm môi trường và các hiểm họa môi trường khác, các thảm họa tự nhiên và nhân tạo, xung đột, di cư v..v….

HIỂU BIẾT về những tác động trước mắt cũng như lâu dài của biến đổi khí hậu đối với khu vực và về nhu cầu cần phối hợp hành động liên ngành của Chính phủ và xã hội nhằm dự đoán, quản lý và giảm thiểu hậu quả bất lợi cho trẻ em, gia đình trẻ và cộng đồng nơi trẻ đang sống;

KHẲNG ĐỊNH tầm quan trọng của môi trường bền vững trong việc đạt được khát vọng phát triển trên toàn cầu, trong khu vực, tại mỗi quốc gia và địa phương, và trong việc định hình phạm vi và định hướng phát triển trẻ nhỏ ở châu Á-Thái Bình Dương;

ƯU TIÊN đầu tư nguồn lực, đặc biệt là đầu tư vào trẻ em, nhằm xây dựng nền tảng vững chắc cho xã hội vững mạnh và kinh tế phát triển trong khu vực, phù hợp với các mục tiêu của Công ước Liên Hợp Quốc về Quyền trẻ em, các Mục tiêu Phát triển Bền Vững và kế hoạch phát triển của các nước;

KÊU GỌI cam kết từ các Chính phủ và Quốc hội nhằm phối hợp đảm bảo phát triển toàn diện trẻ em, và vận động hỗ trợ từ tất cả các ngành liên quan để thúc đẩy mục tiêu chăm sóc nuôi dưỡng;

XÂY DỰNG những mối quan hệ hợp tác và cơ chế liên ngành trong nội bộ từng quốc gia, liên quốc gia và liên khu vực hướng tới chăm sóc nuôi dưỡng, chia sẻ mô hình tích cực và đảm bảo các Chính phủ và các bên liên quan chịu trách nhiệm về những chính sách và kết quả ảnh hưởng tới trẻ em:

TS. Sheldon Shaeffer, Chủ tịch, Chủ tịch Hội đồng quản trị  ARNEC thông qua Kêu gọi Hành động Hà Nội

ĐÃ CÙNG NHAU THỐNG NHẤT PHỐI HỢP LIÊN NGÀNH ĐỂ THÚC ĐẨY MÔI TRƯỜNG AN TOÀN, NUÔI DƯỠNG, BỀN VỮNG VÀ LIÊN TỤC CHO TRẺ EM BẰNG NHỮNG HÀNH ĐỘNG NHƯ SAU:

Về Môi trường chính sách:

  1. Đặt trẻ em vào trung tâm của các chính sách quốc gia và địa phương, cũng như trung tâm của việc đầu tư nguồn lực và xây dựng các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nhằm đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành giáo dục, y tế, quy hoạch đô thị, an sinh xã hội và an ninh môi trường, hướng tới tương lai bền vững trong đó bắt đầu bằng việc đầu tư cho trẻ em từ ngày hôm nay;
  2. Đảm bảo rằng trẻ em sẽ được bảo vệ khỏi bị lạm dụng, tai nạn thương tích và tất cả các hình thức bóc lột lao động khác;
  3. Tìm cách gắn kết tất cả các ngành, lĩnh vực liên quan nhằm phối hợp hành động vì lợi ích tốt nhất của trẻ em, thông qua các khung chương trình hành động quốc gia để cải thiện sự hợp tác và tăng cường trách nhiệm giữa các ngành, lĩnh vực; và
  4. Cung cấp đủ các nguồn tài chính và kỹ thuật để triển khai chính sách đã ban hành cũng như nhận rộng các mô hình tốt và cụ thể hóa trách nhiệm của cơ quan, tổ chức.

Về Môi trường sống

  1. Xây dựng mối quan hệ đối tác ý nghĩa với các bên liên quan, bao gồm cả các viện nghiên cứu và khối tư nhân, nhằm giải quyết các mối đe dọa từ môi trường trên cơ sở lấy trẻ em làm trung tâm và thúc đẩy các hoạt động hướng đến bảo vệ sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ
  2. Hình thành và sử dụng cơ sở dữ liệu nhằm nâng cao nhận thức về tác động của ô nhiễm không khí và các hậu quả khác của biến đổi khí hậu đối với cuộc sống của trẻ em, gia đình và cộng đồng, và thực hiện các biện pháp hiệu quả nhằm giảm thiểu việc trẻ em phải tiếp xúc với những nguy cơ này trong đời sống hàng ngày; và
  3. Lắng nghe tiếng nói của trẻ em trong những vấn đề liên quan đến các em, như biến đổi khí hậu và môi trường để xây dựng, thực hiện chính sách liên quan.

Về Môi trường Cộng đồng

  1. Đưa các chính sách và bằng chứng về tác hại của môi trường đối với sức khỏe của gia đình và trẻ em thành các thông điệp phù hợp với hoàn cảnh điều kiện cụ thể, hướng tới hành động thực tiễn;
  2. Sử dụng các thông điệp giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng về các chương trình và chính sách về phát triển trẻ thơ bao gồm các thực hành chăm sóc tích cực hiện có tại cộng đồng; và

10. Xác định mức độ trẻ em bị ảnh hưởng bới các yếu tố biến đổi khí hậu và môi trường, và hỗ trợ các hoạt động tại cộng đồng để bảo vệ trẻ em.

Về Môi trường Gia đình

11. Nâng cao nhận thức của cha mẹ về ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường tới trẻ em, phụ nữ mang thai và các thành viên khác trong gia đình, bao gồm ô nhiễm không khí trong nhà và ngoài trời, và từ đó hỗ trợ gia đình tự bảo vệ khỏi những tác động tiêu cực này;

12. Hỗ trợ thay đổi hành vi của các thành viên trong gia đình, tăng cường giáo dục làm cha mẹ một cách toàn diện bao gồm cả chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng, tương tác sớm, hình thành các thói quen thân thiện với môi trường và bảo vệ trẻ em ngay từ những năm đầu đời; và

  1. 13.  Tăng cường khả năng ứng phó với những tác động trước mắt cũng như lâu dài của biến đổi khí hậu và khủng hoảng môi trường đối với gia đình và cộng đồng thông qua việc cung cấp dịch vụ chăm sóc nuôi dưỡng để tăng cường phúc lợi gia đình cũng như bảo vệ trẻ em khỏi các nhân tố có hại.

Chúng ta sẽ rà soát tiến độ thực hiện những nội dung trong bản Kêu gọi hành động này và chia sẻ trong Hội nghị phát triển toàn diện trẻ em khu vực châu Á – Thái Bình Dương vào năm 2020.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh tặng quà cho trẻ em tham dự hội nghị

Đăng Doanh

 

TAG:
Tin khác
TP.HCM: Lập Đoàn 35 thăm tặng quà các đơn vị, cá nhân dịp Tết Ất Tỵ năm 2025
Bắc Giang: Khẳng định vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại
Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội Thủ đô: Quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025
Bác sĩ tí hon cao 90cm được vợ cõng đi chữa bệnh cho hơn 2.000 người
Yêu cầu các địa phương báo cáo về nhu cầu và kinh phí hỗ trợ nhà ở cho người có công trước 15/1
Yên Bái phấn đấu xóa trên 2.200 nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025
Thị trường mỹ phẩm cận Tết Nguyên Đán: 'Thật giả lẫn lộn'
Cục Người có công tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2024
Cô sinh viên hộ nghèo xây nhà báo hiếu bố mẹ ở tuổi 24