Nghề mộc ở thị trấn Yên Lạc (Yên Lạc) phát triển đã mang lại nguồn thu nhập ổn định và cuộc sống khấm khá cho người dân, nhưng, cũng luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Vì mang tính chất hộ gia đình, nên hầu hết lao động đều làm việc theo thói quen, không được tập huấn, hướng dẫn về ATVSLĐ; không có hợp đồng lao động với chủ cơ sở; không được khám sức khỏe định kỳ… Từ thực tế đó, Sở LĐ-TB&XH đã tổ chức nhiều lớp tập huấn về ATVSLĐ trong các làng nghề trên địa bàn tỉnh, trong đó, có nghề mộc.
Gia đình ông Nguyễn Văn Long ở tổ dân phố 1 Tiên có truyền thống làm nghề mộc. Sau khi tham gia lớp tập huấn về ATVSLĐ, gia đình đã chấp hành nghiêm ngặt và yêu cầu công nhân phải tuân thủ việc đeo găng tay, khẩu trang để phòng tránh ô nhiễm bụi, bảo vệ sức khỏe, đặc biệt ở công đoạn sơn, bào, đục... vốn rất độc hại, nguy hiểm.
Xác định, với môi trường làm việc an toàn, người lao động sẽ yên tâm cống hiến, Công ty cổ phần Dược phẩm Vĩnh Phúc luôn hưởng ứng phong trào thi đua “Xanh - Sạch - Đẹp - Bảo đảm ATVSLĐ”. Công ty đã thành lập Hội đồng Bảo hộ lao động (BHLĐ), mạng lưới an toàn vệ sinh viên; thực hiện tốt các tiêu chuẩn, quy trình, biện pháp làm việc an toàn; cử cán bộ phụ trách công tác BHLĐ tham gia các chương trình tập huấn do các ngành chức năng tổ chức.Công ty tổ chức cho 100% công nhân trực tiếp sản xuất được tập huấn về an toàn lao động;trang bị BHLĐ cá nhân phù hợp với từng công việc; tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động; đo kiểm hệ số ô nhiễm, tiếng ồn, bức xạ môi trường lao động… nên không xảy ra tai nạn lao động, phát sinh bệnh nghề nghiệp.
Để không bị gián đoạn trong SXKD do sự cố, doanh nghiệp đã xây dựng nội quy lao động, quy trình sử dụng máy, thiết bị an toàn, nội quy PCCC; hàng hóa trong kho được sắp xếp ngăn nắp, khoa học, dễ thấy, dễ lấy; kho cồn, ô xy dễ cháy, nổ được bố trí ở khu vực riêng với hệ thống biển báo hiệu rõ ràng; máy móc, thiết bị tại nơi làm việc được kiểm tra, sửa chữa định kỳ, không để thiết bị có nguy cơ gây tai nạn lao động. Hàng năm, Công đoàn công ty còn đưa nội dung ATVSLĐ làm tiêu chí bình xét thi đua, nâng lương, thưởng.
Là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư của Nhật Bản, chuyên sản xuất linh kiện ô tô, xe máy, Công ty TNHH Exedy Việt Nam rất chú trọng công tác đảm bảo ATVSLĐ - PCCN. Với phương châm an toàn là số 1, công ty đã xây dựng nội quy, quy trình sản xuất riêng, phù hợp với từng loại thiết bị, máy móc, vật tư; thường xuyên bảo dưỡng, kiểm tra máy móc định kỳ nhằm phát hiện và loại bỏ nguy cơ rủi ro; phân công trách nhiệm đối với từng cấp, từng chức danh quản lý; thành lập Tổ an toàn và môi trường, cùng mạng lưới an toàn viên. Hàng tuần, tổ chức tuần tra, đánh giá rủi ro, kịp thời ngăn chặn ngay từ đầu nguy cơ gây mất an toàn có thể xảy ra tại từng dây chuyền sản xuất.
Công ty thành lập Đội PCCC cơ sở, được huấn luyện và thực hành các kỹ năng PCCC, CNCH; được trang bị đầy đủ các trang thiết bị PCCC, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật đề phòng khi có cháy, nổ xảy ra. Với sự chủ động, thực hiện tốt các quy định trong công tác đảm bảo ATVSLĐ - PCCN, nhiều năm liền, Công ty TNHH Exedy Việt Nam không để xảy ra bất kỳ vụ cháy, nổ nào, là một trong những điển hình tiên tiến về công tác đảm bảo ATVSLĐ - PCCN, được các cấp, ngành tuyên dương, khen thưởng.
Bên cạnh những doanh nghiệp làm tốt công tác ATVSLĐ - PCCN, vẫn còn tình trạng tại một số doanh nghiệp lao động không được trang bị BHLĐ, hoặc được trang bị BHLĐ khi làm việc nhưng ý thức chấp hành các quy định về ATVSLĐ - PCCN còn nhiều hạn chế. Sự chủ quan đó chính là nguyên nhân dẫn đến những tai nạn đáng tiếc. Năm 2018, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 44 vụ tai nạn lao động, trong đó, 8 vụ có người chết.
Đồng chí Nguyễn Văn Bằng, Phó trưởng Phòng Việc làm, an toàn lao động (Sở LĐ-TBXH) cho biết: Là đơn vị thường trực Ban Chỉ đạo ATVSLĐ - PCCN của tỉnh, Sở LĐ-TB&XH đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người lao động; tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ ATVSLĐ - PCCN cho cán bộ, công nhân, lao động; kiên quyết xử lý những đơn vị vi phạm; yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp tăng cường trang bị các thiết bị BHLĐ, PCCC. Với lao động thuộc các làng nghề, sở phối hợp mở các lớp tập huấn chuyên sâu để đảm bảo an toàn, tránh rủi ro trong lao động, sản xuất.
Bên cạnh đó, các cấp, các ngành và các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thường xuyên tuyên truyền những quy định về ATVSLĐ - PCCN bằng nhiều hình thức; đồng thời, tổ chức hội nghị phổ biến pháp luật cho người lao động và đơn vị sử dụng lao động, góp phần nâng cao ý thức của người lao động, đảm bảo an toàn trong quá trình lao động./.
Hoàng Hà