Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà phát biểu khai mạc và phát động phòng, chống đuối nước trẻ em
Đến dự, có bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; ông Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; ông Jun Nakagawa, Phó Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam; đại diện các Ủy ban của Quốc hội, các Bộ, ngành, đoàn thể, cơ quan Trung ương và thành phố Hà Nội; Ban giám hiệu và toàn thể học sinh Trường Tiểu học Tây Sơn.
Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong các loại hình tai nạn thương tích, đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em và thanh thiếu niên dưới 19 tuổi. Trung bình hàng năm, ở Việt Nam có khoảng hơn 2.000 trẻ em bị tử vong do đuối nước, hệ lụy dẫn đến là sự mất mát của các gia đình, là những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của bản thân các em, kéo theo đó là những vấn đề cho xã hội sau này.
Việt Nam đã có nhiều nỗ lực phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em. Các văn bản pháp luật, chương trình liên quan đã được ban hành thể hiện cam kết của Chính phủ đối với vấn đề phòng chống tai nạn thương tích, phòng chống đuối nước cho trẻ em. Đặc biệt, năm 2016 Quốc hội đã thông qua Luật trẻ em; Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 234/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016 – 2020, trong đó mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 giảm 6% trẻ em bị tử vong do đuối nước so với năm 2015; 40% trẻ em lứa tuổi tiểu học và trung học cơ sở biết các kỹ năng an toàn trong môi trường nước, nghĩa là chúng ta cần tăng cường dạy bơi cho các em thanh thiếu nhi.
Phát biểu tại lễ phát động, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà một lần nữa khẳng định sự vào cuộc tích cực của các ban ngành, đoàn thể trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em trong thời gian. Thứ trưởng nhấn mạnh: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành, các địa phương đã tích cực triển khai các hoạt động truyền thông phòng, chống đuối nước trẻ em; tổ chức dạy bơi, hướng dẫn kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em; thí điểm các mô hình dạy bơi an toàn cho trẻ em; tiếp tục thực hiện tiêu chí “Ngôi nhà an toàn”, “Cộng đồng an toàn”, “Trường học an toàn” nhằm loại bỏ các nguy cơ gây đuối nước cho trẻ em. Công tác phòng, chống đuối nước trẻ em luôn nhận được sự tham gia hỗ trợ có hiệu quả của cộng đồng xã hội, các tổ chức trong nước và quốc tế. Năm 2017, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã chủ trì, phối hợp với 8 Bộ, ngành, đoàn thể đã ký Kế hoạch liên ngành phòng, chống đuối nước trẻ em.
Bí thư TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Nguyễn Ngọc Lương: "Sẽ tích cực đẩy mạnh phong trào trẻ em học bơi và trang bị kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em"
Về cơ bản, cả nước đã tạo được sự phối hợp liên ngành chặt chẽ trong công tác phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em. Tuy nhiên, nhìn nhận lại công tác phòng, chống tai nạn thương tích vẫn còn gặp nhiều thách thức. Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, đến thời điểm này nhận thức của gia đình, cộng đồng, xã hội còn hạn chế, môi trường xã hội cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn thương tích trẻ em, vẫn còn nhiều trẻ em bị mắc và tử vong do tai nạn thương tích, đặc biệt là đuối nước và tai nạn giao thông, vẫn còn nhiều trẻ em chưa biết bơi, chưa biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước, nhiều địa phương còn thiếu giáo viên dạy bơi, thiếu bể bơi. Môi trường nước vẫn còn tiểm ẩn nhiều nguy cơ maats an toàn đối với trẻ như: không có biển báo, không có chỉ dẫn, không có biện pháp phòng tránh tai nạn cho trẻ em. Ý thức chấp hành các quy định về giao thông đường thủy chưa đầy đủ trong thanh thiếu niên. Nguồn kinh phí thực hiện công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em còn thiếu, chủ yếu lồng ghép trong các chương trình khác của các ngành, địa phương...
Phần thi trả lời các câu hỏi về phòng, chống đuối nước thu hút sự tham gia của toàn thể học sinh
Trước thực tế đó, để công tác phòng chống tai nạn thương tích, trong đó có phòng chống đuối nước trẻ em đạt kết quả như cam kết của Chính phủ và sự mong đợi của cộng đồng, hoạt động này cần có sự phối hợp liên ngành, sự vào cuộc tích cực của các Bộ ngành, đối tác nhằm góp phần giảm được số trẻ em bị tử vong do đuối nước, đảm bảo quyền sống còn cho trẻ em. Với chủ đề “An toàn cho con trong môi trường nước", Lễ phát động năm nay có ý nghĩa thiết thực, nhằm thúc đẩy thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật, chương trình phòng, chống đuối nước; tiếp tục nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm, sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các ngành, gia đình và xã hội và cả chính bản thân các em về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phòng, chống đuối nước trẻ em; tổ chức cho trẻ em được học bơi và quan tâm hơn tới việc trông giữ, giám sát trẻ, đảm bảo an toàn cho các con, nhất là trong kỳ nghỉ hè.
Các em được hướng dẫn kỹ năng an toàn trong môi trường nước...
Trong khuôn khổ chương trình, các em học sinh được tìm hiểu kiến thức, kỹ năng phòng chống đuối nước thông qua các câu hỏi tình huống được thầy giáo đưa ra, đây là những kiến thức và kỹ năng thực tế về nguyên nhân đuối nước, nhận biết những nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước, các biện pháp phòng ngừa và cách cứu đuối, giúp các em dễ nắm bắt kiến thức qua đó ghi nhớ các kỹ năng cần thiết để an toàn trong môi trường nước.
Lễ ký bàn giao trẻ em trong dịp hè giữa nhà trường, chính quyền địa phương, phụ huynh
Ngay sau lễ phát động, đã diễn ra Lễ ký bàn giao học sinh nhân dịp hè giữa nhà trường, chính quyền và phụ huynh học sinh. Tiếp sau đó, đại diện các cơ quan Đảng, Nhà nước đã ký cam kết phòng, chống đuối nước trẻ em.
Đại diện các Bộ ngành, đoàn thể ký cam kết về phòng, chống đuối nước cho trẻ em
Đăng Doanh