An Giang: Tăng cường công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em
(LĐXH)- An Giang hiện có 410.281 trẻ em, trong đó, có 3.851 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt (mồ côi không nơi nương tựa, trẻ bị bỏ rơi: 506, khuyết tật: 2.911 (Khuyết tật đặc biệt nặng: 692, khuyết tật nặng: 1.825, khuyết tật nhẹ: 394); 71 trẻ em nhiễm HIV/AIDS: 71; 19 trẻ bị xâm hại tình dục; 10 người chưa thành niên vi phạm pháp luật: ….), tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc đạt 85%. Số trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt là 28.131 trẻ, tỷ lệ trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc đạt 78% .
Thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 05/11/2012 của Bộ Chính trị về tang cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, thời gian qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội An Giang đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản liên quan đến công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em như: Kế hoạch số 529/KH-UBND về việc hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tại cộng đồng giai đoạn 2019 – 2025; Kế hoạch số 530/KH-UBND về việc Chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng giai đoạn 2019 – 2025; Quyết định số 1086/QĐ-UBND kế hoạch thực hiện Chương trình hành động vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030; Quyết định 1871/QĐ-UBND phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030… và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.
Từ việc đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục pháp luật, cùng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành trong việc triển khai và thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc trẻ em nên hoạt động xã hội hóa trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em có nhiều chuyển biến và đạt được kết quả nhất định. Nhận thức của các gia đình và xã hội về thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ngày càng được nâng cao.
Tỉnh cũng tăng cường công tác tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú như: Xây dựng chuyên mục Vì trẻ em được phát sóng hàng tháng trên sóng Đài phát thanh - Truyền hình An Giang. Bên cạnh đó, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; xây dựng các panô, áp phích, bandrol tuyên truyền nơi công cộng, khu dân cư, các giao lộ đông người qua lại; tuyên truyền nhóm, nói chuyện chuyên đề, hội thảo, sinh hoạt câu lạc bộ trẻ em, vãng gia, thăm hộ gia đình, biểu dương khen thưởng kịp thời những gia đình, cá nhân gương mẫu trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; tổ chức tập huấn cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ kiến thức phòng ngừa trẻ em bị xâm hại, tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng sống, tự bảo vệ mình cho trẻ em trong trường học và ngoài cộng đồng; tuyên truyền thông qua đường dây nóng gọi miễn phí qua Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em đầu số 111 và 18008077, tuyên truyền các nội dung kỹ năng, phương pháp phòng chống xâm hại trẻ em qua các trang mạng xã hội như: zalo, facebook,… Công tác tuyên truyền gắn với việc phê phán, lên án các hành vi vi phạm pháp luật, xâm hại, bạo lực, lôi kéo trẻ em vào hoạt động tội phạm và cản trở việc thực hiện các quyền trẻ em.
Qua đó, công tác quản lý nhà nước, cộng đồng và bản thân trẻ em nhận thức được tầm quan trọng của công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em và tham gia tích cực vào công tác này, trong đó có sự tham gia của các đoàn thể như Mặt trận Tổ quốc, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội nông dân, các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế. Nhiều thành viên của các tổ chức đoàn thể là tuyên truyền viên xã/phường và cộng tác viên cho các chương trình, dự án bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại địa phương.
Để xây dựng được môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em phát triển toàn diện, đòi hỏi nỗ lực, sự vào cuộc tích cực và quyết tâm hành động của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và mỗi gia đình; cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về trẻ em; đồng thời tăng cường công tác phối hợp chỉ đạo, tổ chức thực hiện các hoạt động về bảo vệ, chăm sóc trẻ em và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Thường xuyên tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí, các diễn đàn trẻ em tạo sân chơi an toàn và lành mạnh cho trẻ, cung cấp cho các em kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ, phòng tránh tai nạn thương tích, tránh bị xâm hại, bạo lực, bị bóc lột sức lao động, đồng thời tạo điều kiện để các em đề xuất những khuyến nghị tới lãnh đạo các cấp, các ngành, nhà trường và gia đình trong việc tạo môi trường thuận lợi để thực hiện quyền trẻ em...
Thục Quyên
TIN LIÊN QUAN