Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
An Giang phấn đấu nâng tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 31,5%
02:18 PM 11/05/2023
(LĐXH)- Ngày 10/5, UBND tỉnh An Giang đã ban hành Kế hoạch triển khai thựa hiện Nghị quyết số 06/NQ-CP của Chính phủ về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Qua đó, góp phần nâng tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 31,5%.
Kế hoạch nhằm mục đích quán triệt sâu sắc quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập; thực hiện phát triển thị trường lao động toàn diện, bền vững theo hướng hiện đại, hiệu quả phù hợp với đặc điểm của địa phương làm cơ sở, động lực phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Trong đó, triển khai các giải pháp đột phá về phát triển nguồn nhân lực, đầu tư mạnh mẽ vào con người, trọng tâm là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài, tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, chủ động thích ứng với xu hướng già hóa dân số và sẵn sàng cho Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Triển khai đồng bộ các chính sách việc làm gắn với quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng; phát triển việc làm bền vững, việc làm xanh gắn với quy hoạch kinh tế - xã hội và bố trí đầu tư; tăng cường các hình thức tín dụng để phát triển việc làm; quan tâm hỗ trợ đối tượng yếu thế tham gia vào thị trường lao động.
Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng quá trình công nghiệp hóa đất nước; đẩy mạnh việc đổi mới hình thức đào tạo, thu hút đầu tư trong và ngoài nước về đào tạo; có chính sách từng bước phổ cập nghề cho thanh niên. Ưu tiên phân bổ ngân sách cho giáo dục nghề nghiệp trong ngân sách giáo dục - đào tạo và trong các chương trình, dự án của ngành, địa phương; tăng cường xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp ở những địa bàn, ngành, nghề phù hợp.
Tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách đảm bảo an sinh xã hội toàn diện, bao trùm để người lao động yên tâm làm việc, tăng thu nhập, bảo đảm cuộc sống. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý nguồn nhân lực và tổ chức vận hành các yếu tố của thị trường lao động để có sự đột phá trong công tác quản lý nhà nước và hoạt động của thị trường lao động.
Tỉnh An Giang đặt mục tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân hằng năm đạt 6,5%
Mục tiêu tổng quát theo Kế hoạch của UBND tỉnh An Giang là phát triển thị trường lao động trên địa bàn tỉnh linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, các yếu tố của thị trường lao động được phát triển đồng bộ và hiện đại; chất lượng nguồn nhân lực và hiệu quả tổ chức, vận hành thị trường lao động được nâng cao. Thị trường lao động đóng vai trò chủ động trong huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiện đại, đảm bảo kết nối thị trường lao động trong tỉnh với thị trường lao động trong nước và ngoài nước.
Cụ thể, tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội dưới 35%. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân hằng năm đạt 6,5%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 31,5%. Duy trì tỷ lệ thất nghiệp chung ở mức thấp dưới 3,5%, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ thất nghiệp thanh niên thành thị ở mức thấp dưới 7%, tỷ lệ thiếu việc làm của thanh niên nông thôn dưới 6%.
Tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội đến năm 2025 đạt 25,13%. Trong đó, nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm 18,62% lực lượng lao động trong độ tuổi; 14,29% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia bảo hiểm xã hội đạt mức 85%.
Nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện các mục tiêu mà UBND tỉnh An Giang đã đề ra là tăng cường sự công khai, minh bạch của các chủ thể tham gia thị trường; thúc đẩy hợp tác quốc tế, tăng cường liên kết thị trường lao động trong tỉnh, ngoài tỉnh và ngoài nước. Đầu tư cơ sở vật chất cho Trung tâm Dịch vụ việc làm của tỉnh theo hướng hiện đại đáp ứng yêu cầu phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả đóng vai trò đầu mối thông tin thị trường lao động, điều phối, hỗ trợ và quản trị thị trường lao động trên địa bàn. Sắp xếp, tổ chức lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đẩy mạnh chuyển đổi số trong đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực, quản trị, vận hành thị trường lao động và tháo gỡ khó khăn để tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận thông tin về thị trường lao động, tham gia học nghề và các hoạt động giao dịch việc làm, người sử dụng lao động dễ tiếp cận cung lao động. Tập trung đào tạo nghề, tạo việc làm để phát triển thị trường lao động ở nông thôn phục vụ quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Thực hiện rà soát, đánh giá nhu cầu nhân lực theo từng ngành, lĩnh vực, từng địa phương để kịp thời kết nối, cung ứng lao động. Đặc biệt là nắm bắt nhu cầu nhân lực của các nhà đầu tư nước ngoài đã có dự án hoặc đang nghiên cứu đầu tư vào tỉnh An Giang. Đẩy mạnh các hoạt động cung cấp thông tin thị trường lao động, kết nối cung - cầu lao động, hỗ trợ tạo việc làm bền vững cho người lao động, ưu tiên người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người lao động sinh sống trên địa bàn huyện nghèo; vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Nâng quy mô, tần suất tổ chức sàn giao dịch việc làm, các phiên giao dịch việc làm tạo thuận lợi cho người lao động, người sử dụng lao động tiếp cận thông tin, tìm kiếm cơ hội việc làm. Phát triển các hình thức giao dịch việc làm theo hướng hiện đại trên nền tảng công nghệ số; thu hút lao động tại chỗ, đào tạo, đào tạo lại cho lực lượng lao động đang làm việc thích ứng với những biến động bất thường...
Tăng cường đầu tư nguồn lực cho các chương trình, đề án tạo nhiều việc làm bền vững, nhất là việc làm năng suất cao; nghiên cứu đề xuất các giải pháp để hỗ trợ tuyển dụng và sử dụng các nhóm lao động đặc thù, lao động yếu thế, lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, lao động sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tham gia thị trường lao động, có việc làm bền vững. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để tăng hiệu quả đào tạo nghề, tạo việc làm cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ.
Tăng cường các nguồn tín dụng để thúc đẩy tạo việc làm mới, sáng tạo, chất lượng cao, bền vững; việc làm xanh; việc làm cho đối tượng yếu thế, vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số; ưu tiên bố trí vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh có đủ nguồn lực triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho người lao động, góp phần phát triển thị trường lao động bền vững...
Tập trung thực hiện các giải pháp để phân luồng, nâng cao chất lượng nhân lực đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Tổ chức đào tạo, cung ứng kịp thời nhân lực cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động.
Tỉnh An Giang sẽ đầu tư phát triển hệ thống kết nối cung - cầu lao động, công tác dự báo cung - cầu lao động và hệ thống thông tin thị trường lao động với nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động hiện đại, đồng bộ, có sự kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đăng ký doanh nghiệp, bảo hiểm xã hội. Hỗ trợ phát triển lưới an sinh và bảo hiểm cho người lao động…

Minh Quang

TAG: thị trường lao động linh hoạt hiện đại hiệu quả bền vững
Tin khác
Kiên Giang tập trung thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm và giáo dục nghề nghiệp
Huyện Định Hóa: Tăng cường hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Thành phố Thái Nguyên: Nhiều cơ hội việc làm cho người lao động tại Ngày hội việc làm năm 2024
Cà Mau: Giải quyết việc làm cho hơn 42.000 lao động trong 9 tháng đầu năm 2024
Hội thao kỹ thuật cấp cứu mỏ: Duy trì tác phong cứu hộ chuyên nghiệp và kỷ luật
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan: Hợp tác về lao động giữa Việt Nam và Đức đạt nhiều kết quả tích cực
Cơ hội việc làm cho lao động thất nghiệp tỉnh Cà Mau
Phường Ba Hàng (Thái Nguyên): Đẩy mạnh hoạt động giao dịch việc làm, kết nối cung – cầu lao động
Phiên giao dịch và tư vấn việc làm huyện Ba Vì năm 2024: Cơ hội cho người lao động tìm kiếm việc làm mới