An Giang: Nâng cao chất lượng dạy nghề, đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực
Năm 2019, ngành Lao động- TBXH tỉnh An Giang đã tích cực phối hợp với các ngành, các cấp quan tâm, đẩy mạnh công tác chỉ đạo các cơ sở đào tạo nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt công tác đào tạo nghề nghiệp, nâng cao chất lượng đào tạo, cung ứng nguồn lực lao động có kiến thức, kỹ năng đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động nhằm góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI do ngành phụ trách và năng lực cạnh tranh cấp Sở (DCCI).
Ngành đã chủ động tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đào tạo nghề và và Kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tổ chức “Ngày Hội tư vấn tuyển sinh - Hướng nghiệp năm 2019” nhằm giúp cho học sinh lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực, sở trường, nguyện vọng của bản thân và phù hợp điều kiện kinh tế gia đình; “Hội thi thiết bị đào tạo tự làm cấp tỉnh thứ I năm 2019”; “Kỳ thi tay nghề cấp tỉnh lần thứ hai - năm 2019”; Hội thao cho cán bộ giáo viên, HSSV học nghề nghiệp tỉnh lần III - năm 2019...qua đó góp phần vào công tác phân luồng học sinh THCS, THPT và nâng cao năng lực, nghiệp vụ cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp, nâng chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp của các trường trung cấp.
Trong năm 2019, tỉnh An Giang đã tuyển sinh đào tạo nghề cho 25.000 lao động
Tiếp tục củng cố, kiện toàn bộ máy của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo Đề án “Sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp tỉnh An Giang đến năm 2020”, Đề án về việc “tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập” trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Trình UBND tỉnh Quyết định cho phép thành lập Phân hiệu Trường Trung cấp Hồng Hà thành phố Cần Thơ tại An Giang, Trung tâm GDNN 3T An Giang. Đến nay, toàn tỉnh có 30 cơ sở GDNN gồm: 02 trường cao đẳng, 05 trường trung cấp, 09 trung tâm GDNN và 14 cơ sở khác có tham gia đào tạo nghề nghiệp.
Phối hợp tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách về đào tạo nghề nghiệp; triển khai thực hiện có hiệu quả đào tạo nghề nghiệp theo đơn đặt hàng của các đơn vị sử dụng lao động. Tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, tập huấn công tác đào tạo nghề nghiệp, đào tạo nghề lao động nông thôn gắn với Chương trình MTQG xây dựng nông thôn. Kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về hoạt động giáo dục nghề nghiệp, giám sát thực hiện Đề án Đào tạo nghề lao động nông thôn...
Với các biện pháp triển khai tích cực, năm 2019 toàn tỉnh đã hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đào tạo nghề. Tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp 25.000 người, đạt tỷ lệ 100% kế hoạch năm, trong đó nhập học trình độ cao đẳng 1.021 SV; nhập học trình độ trung cấp 1.597 học sinh; trình độ sơ cấp 8.676 học viên và đào tạo dưới 3 tháng 13.706 học viên; đào tạo nghề cho lao động nông thôn 12.000 học viên. Ngành đã ký hợp đồng đào tạo nghề theo đơn đặt hàng trình độ ngắn hạn với 08 công ty, tổ chức 56 lớp, 1.955 học viên. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề nghiệp được nâng lên, từ 47,6% năm 2018 lên 53,8% năm 2019; tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 60% năm 2018 lên đạt 62,5% năm 2019, đạt chỉ tiêu nghị quyết HĐND tỉnh đề ra.
Kế hoạch năm 2020, Ngành tiếp tục đổi mới, nâng chất lượng giáo dục nghề nghiệp, gắn đào tạo giáo dục nghề nghiệp với giải quyết việc làm cho người lao động, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Tổ chức tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp năm 2020 là 25.000 người; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề nghiệp lên 60%; tỷ lệ lao động qua đào tạo 65%.Tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm – ATLĐ, Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn” theo Quyết định số 1956 của Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện tốt và kịp thời các chính sách hỗ trợ học nghề, hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động, quan tâm triển khai thực hiện tốt cơ chế hỗ trợ dạy nghề theo Đề án “Đào tạo lao động có tay nghề đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp giai đoạn 2017 - 2020 tỉnh An Giang”; theo đơn đặt hàng của người sử dụng lao động theo quyết định số 1593/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Hướng dẫn các trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện tốt việc mua sắm, quản lý và sử dụng các thiết bị dạy nghề hiệu quả, trong đó đặc biệt quan tâm đến các nghề trọng điểm ở các trường đã được TW chọn đầu tư.
Phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo xây dựng, tổ chức triển khai kế hoạch Ngày hội “Tư vấn - Hướng nghiệp - Tuyển sinh năm 2020 và tổ chức triển khai kế hoạch phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT để khuyến khích học sinh tham gia học nghề. Xây dựng kế hoạch tổ chức Hội thi văn nghệ cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cấp tỉnh lần thứ 3, năm 2020 và Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp cấp tỉnh lần thứ 2, năm 2020; tham dự kỳ thi tay nghề quốc gia lần thứ 11 năm 2020; Tham dự Hội thao các cơ sở giáo dục nghề nghiệp toàn quốc lần thứ II năm 2020.
Bên cạnh đó, Ngành sẽ tích cực phối hợp đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp, cán bộ phụ trách công tác giáo dục nghề nghiệp; chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng đạt chuẩn theo quy định để nâng cao năng lực, chất lượng giảng dạy. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đào tạo đã đề ra; tình hình quản lý và sử dụng kinh phí đầu tư để nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp./.
Thu Hằng
TAG: