Người có công
Trang chủ / Xã hội / Người có công
An Giang: Gương thương binh vượt khó nhờ sản xuất nông nghiệp
10:54 AM 03/04/2023
(LĐXH) - Thực hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền và Nhân dân huyện An Phú (tỉnh An Giang) đã chú trọng triển khai nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa mang ý nghĩa chính trị-xã hội và nhân văn sâu sắc, thể hiện sự tri ân của cán bộ, nhân dân trong toàn huyện đối với các anh hùng, liệt sỹ, người có công với cách mạng. Từ đây, đã có nhiều tấm gương thương binh cần cù, chịu khó đã và đang thực hiện xuất sắc lời dạy của Bác “Thương binh tàn mà không phế”. Sự lao động cần cù, ý thức tự vượt lên bệnh tật và mọi khó khăn trong cuộc sống.
Điển hình có thể kể đến thương binh Hồ Văn Sal, sinh năm 1963, ngụ ấp Quốc Khánh, xã Quốc Thái, vượt khó vươn lên nhờ sản xuất nông nghiệp. Là thương binh hạng ¼ với gia cảnh còn nhiều khó khăn, sau ngày giải phóng, ông trở về địa phương cùng với những vết thương in hằn trên cơ thể vẫn luôn đau nhức mỗi khi trái gió trở trời, ty nhiên, với ý chí và nghị lực của người lính, ông đã vượt qua tất cả, vươn lên phát triển kinh tế gia đình, có nhiều đóng góp tích cực vào các phong trào hành động cách mạng ở địa phương.
Thương binh Hồ Văn Sal
 Chia sẻ với phóng viên, thương binh Hồ Văn Sal cho biết, năm 22 tuổi, chàng thanh niên Hồ Văn Sal đã lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc và được nhận vào tiểu đoàn 1B tỉnh An Giang trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam từ năm 1985- 1988. Sau khi hoàn thành lớp huấn luyện tân binh, từ ngày 1.1.1985, ông bắt đầu tham gia chiến trường K Campuchia, chiến trường Bo Mê Linh tỉnh Bắc Nam Bon, vương quốc Campuchia, với vai trò là bộ đội. Sau 1 năm tham gia cách mạng, đến tháng 4/1986, ông đã trúng mìn của quân địch, bị thương nặng trên đầu và thương tật mắt trái vĩnh viễn, với mức thương tật hạng 1/4. Sau vài tháng điều trị trong quân ngũ, đến đầu năm 1987 ông được bố trí học trường sĩ quan quân khu 9, huyện Chi Lăng, tỉnh An Giang. Đến cuối năm 1988, ông ra trường và được bố trí chức vụ Đội trưởng Đội kiểm soát Quân sự huyện Châu Thành, tỉnh An Giang. Đến năm 1992, ông lập gia đình và sinh sống tại ấp Quốc Khánh, xã Quốc Thái.  
Kể lại kỷ niệm không thể quên trong cuộc đời cách mạng, thương binh Hồ Văn Sal chia sẻ: “Cuộc đời làm cách mạng, kỷ niệm mà tôi không bao giờ quên đó chính là tình đồng đội, đồng chí, đoàn kết bám chốt, bám đơn vị, quyết tâm đánh thắng địch, giữ vững độc lập cho đất nước. Lúc đó, chúng tôi chỉ biết quyết tâm đánh thắng địch mà chẳng bao giờ ngần ngại nguy hiểm”.  
Thời gian đầu về địa phương, ngụ ấp Quốc Khánh, xã Quốc Thái, lập gia đình với 2 bàn tay trắng, do thường xuyên đau nhức đầu, sức khỏe hay suy yếu, năng suất lao động chưa cao, chưa có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất, nhà lại có 4 miệng ăn, trong đó có 2 con nhỏ. Do vậy kinh tế gia đình ông gặp rất nhiều khó khăn. Song, với bản chất của người lính cụ Hồ, không cam chịu đói nghèo, thương binh Hồ Văn Sal đã cùng vợ làm thuê mướn, ai thuê gì làm nấy, chịu bao nỗi vất vả, tiết kiệm chi tiêu. Ngoài ra, ông còn tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp ở nhiều nơi trong và ngoài huyện. Sự cố gắng của ông đã không làm gia đình thất vọng, mỗi năm vợ chồng ông mua từ vài công đất ruộng đến vài chục công. Từ 2 bàn tay trắng, gia đình ông hiện nay có khoảng 40 công đất ruộng. Tuy nhiên, đến năm 2006 vợ ông bệnh nặng qua đời, đó cũng là lúc đau đớn nhất khi ông mất đi người thân, nhưng với ý chí sắc bén, không gì lay chuyển được, người thương binh đầy nghị lực đã vượt lên nỗi đau để nuôi dạy 2 con ăn học. Hiện nay, người con lớn sinh 1992 đã thành gia lập thất; người con gái út, sinh năm 1998 đã tốt nghiệp ngành Việt Nam học, hiện đang làm việc ở Thành Phố Hồ Chí Minh. 
Nói về thành quả phát triển kinh tế, thương binh Hồ Văn Sal tâm sự: “Bản thân tôi không dám nghĩ là mình có thể vươn lên phát triển kinh tế gia đình được như ngày hôm nay. Nhưng là một người lính đã được rèn luyện và từng tham gia chiến đấu để bảo vệ các cao điểm ở biên giới của Tổ quốc, tôi cứ nghĩ nếu trong chiến đấu ác liệt  như vậy, khổ cực như vậy mà tôi và đồng đội còn vượt qua được, thì hiện tại hòa bình và có điều kiện như bây giờ thì mình càng phải nỗ lực vươn lên để phát triển kinh tế gia đình, chăm lo cho các con và càng không nên trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, chăm lo của Nhà nước”.  
Không chỉ sản xuất giỏi, năm 2011 ông tham gia Chi hội Cựu chiến binh ấp Quốc Khánh. Với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh ấp, ông còn tích cực tuyên truyền, vận động bà con xây dựng đời sống văn hóa, đảm bảo an ninh trật tự, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là tuyên truyền Chỉ thị 05-CT/TW về “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” để bà con trong ấp nghiêm chỉnh chấp hành.  
Thương binh Hồ Văn Sal nhiều năm liền được Hội CCB xã, Chủ tịch UBND xã khen thưởng vì đã có thành tích xuất sắc trong các phong trào của Hội Cựu chiến binh, Bằng khen “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” và nhiều bằng khen, giấy khen khác. 
Khánh Quyên
TIN LIÊN QUAN
TAG:
Tin khác
Hoa quả Phương Toản tặng bánh chưng cho khách hàng dịp Tết Nguyên đán 2025
Ninh Thuận: Đa dạng các hoạt động chăm lo Tết cho người nghèo
Chiếc Jaecoo J7 PHEV Nguyễn Xuân Son được tặng có gì đặc biệt?
TP.HCM: Lập Đoàn 35 thăm tặng quà các đơn vị, cá nhân dịp Tết Ất Tỵ năm 2025
Bắc Giang: Khẳng định vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại
Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội Thủ đô: Quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025
Bác sĩ tí hon cao 90cm được vợ cõng đi chữa bệnh cho hơn 2.000 người
Yêu cầu các địa phương báo cáo về nhu cầu và kinh phí hỗ trợ nhà ở cho người có công trước 15/1
Yên Bái phấn đấu xóa trên 2.200 nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025