Người có công
Trang chủ / Xã hội / Người có công
A Lưới những ngày tháng 7
11:07 AM 23/07/2018
Vào tháng 7 hằng năm, khu rừng thiêng A Lưới (TT-Huế) giữa đại ngàn Trường Sơn lại đón chào những cựu chiến binh khắp mọi miền trở về viếng đồng chí, đồng đội đang được an nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ (NTLS) A Lưới.
Ông Cao Việt Đức, nguyên sĩ quan đặc công, quê xã Đồng Kỳ (Yên Thế, Bắc Giang) nhập ngũ từ 1973, tham gia chiến đấu ở chiến trường Tây Nam. Sau giải phóng, ông về quê, đêm đêm, trong những cơn mơ chập chờn, ký ức chiến tranh hiện rõ mồn một: nơi ấy, cửa khẩu Xa Mát (H.A Lưới), 17 đồng đội của ông đã hy sinh trong một trận chiến đấu ác liệt... Thế là, ông lặng lẽ lên đường tìm đồng đội của mình. Ngoài giấy báo tử có ký hiệu, mã hiệu của đơn vị liệt sĩ là chìa khóa quan trọng, người cựu chiến binh này phải tìm hiểu cặn kẽ thêm về các trận đánh, đường tiến quân, giai đoạn chuyển quân của các binh chủng thì mới xác định được vị trí hoạt động của liệt sĩ trước lúc hy sinh.
13 năm qua, nay đã ngoài 70 tuổi, nhưng đêm nào ông cũng chong đèn đến 2 giờ sáng để tìm thông tin liệt sĩ. Mỗi ngày ông nhận từ 3- 5 lá thư nhờ đi tìm giúp mộ liệt sĩ. Đến nay, ông đã giúp tìm được khoảng 500 mộ liệt sĩ ở nhiều tỉnh, TP trong cả nước. Ông cũng đã gửi hơn 10 ngàn lá thư trao đổi với các gia đình khi ông nắm được thông tin dọc hành trình đi tìm mộ. "Không hiểu vì sao, trong hành trình tìm mộ, rừng thiêng A Lưới lại hết sức ám ảnh tôi"- ông nói. Những hài cốt liệt sĩ nằm trong sâu thẳm rừng xanh gần nửa thế kỷ, hy vọng tìm được ngày càng mong manh. Trong khi đó, đã có những người mẹ, người vợ mắt mờ, tóc bạc, không thể chờ được chồng, con trở về để lo hương khói... Bởi vậy, bao năm qua, ông cùng đồng đội trèo đèo, vượt dốc, vừa đi vừa phát cây mở đường, đêm ngủ lại trong rừng đầy muỗi, vắt...
Nghĩa trang huyện A Lưới hiện có 1.400 mộ liệt sỹ chưa có thông tin
Quá trình đi tìm mộ liệt sĩ, ông Đức cũng phát hiện nhiều ngôi mộ tập thể. Như khi đi tìm mộ liệt sĩ Nguyễn Đức Thuận, ông đã phát hiện ra nhiều liệt sĩ khác cùng hy sinh ngày 13-7-1969 tại đồi A Bia, an táng tại đồi A Rum, A Lưới. Ông đã tìm được khá nhiều hài cốt đồng đội và đưa về NTLS A Lưới. Hay năm 2016, gia đình liệt sĩ Đào Như Hiền (Vĩnh Bảo, Hải Phòng) đã 4 lần nhờ các nhà ngoại cảm tìm mộ và tất cả đều chỉ ra NTLS A Lưới nhưng khi giám định ADN đều không khớp. Khi đó ông Đức vừa đi xác minh 13 mộ liệt sĩ từ Lào về A Lưới. Rà soát hồ sơ, ông Đức biết liệt sĩ Đào Như Hiền thuộc đoàn 675 BKH (đơn vị Bộ Tư lệnh Công binh bổ sung cho Quân khu Trị-Thiên, đoàn A đánh Lào, đoàn B đánh Huế). Ngay lúc đó, ông xác định được 4 liệt sĩ: Đào Như Hiền, Trần Văn Kền, Nguyễn Thế Hùng, Nguyễn Văn Thi cùng hy sinh ngày 23-2-1968 được an táng ở xã Hồng Hạ, H. A Lưới. Sau khi giám định ADN, 4 hài cốt liệt sĩ đã về với vòng tay gia đình. Hành trình tìm mộ liệt sĩ Nguyễn Văn Ký quê ở Hải Hậu, Nam Định, bố của ông Nguyễn Văn Thông (công tác ở Hạt Kiểm lâm A Lưới) được nhiều người ví như một câu chuyện cổ tích. Nhiều năm đau đáu tìm kiếm, ông Thông không biết rằng bố ông đang yên nghỉ ở NTLS A Lưới, chỉ cách nhà 100m.
Trước nguyện vọng của hàng ngàn thân nhân liệt sĩ, đầu năm 2017, ông Cao Việt Đức cùng nhiều gia đình liệt sĩ gửi đơn xin Nhà nước giám định ADN tổng thể cho các liệt sĩ tại NTLS A Lưới và được Bộ LĐ-TB&XH đồng ý. Đại tá Nguyễn Hồng Sơn- Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh TT-Huế cho biết, hiện NTLS huyện có hơn 1.600 phần mộ liệt sĩ, trong đó có khoảng 1.400 ngôi mộ chưa có tên. Số mộ cần lấy mẫu hài cốt liệt sĩ để giám định là 1.160 mộ. Hiện, công tác này đã hoàn tất. Theo Đại tá Nguyễn Hồng Sơn, các liệt sĩ được quy tập về NTLS A Lưới chủ yếu là cán bộ, chiến sĩ của các đơn vị sư 324, binh trạm 31, 84, 48, 49, 42; trung đoàn 6, trung đoàn 9; trung đoàn 132 thông tin, trung đoàn 675 pháo phòng không, một số đại đội đặc công, hóa học, công binh của quân khu Trị- Thiên.
Trong quá trình lấy mẫu sinh phẩm, đoàn phát hiện nhiều hài cốt có di vật kèm theo, như cây bút Hồng Hà khắc hai chữ: HẠNH CƯ, phía dưới có khắc hình trái tim. Một hài cốt có lọ Penêxilin trong đó tên liệt sĩ Bùi Văn Vi, quê ở Ngọc Trăng, Ngọc Lặc, Thanh Hóa, hy sinh ngày 12-8-1973. Hay một hài cốt có đôi cặp tóc còn sáng bóng; có hài cốt kèm theo kèn Acmonica, đôi vòng tay của một nữ văn công... Đứng trước hàng ngàn ngôi mộ liệt sĩ chưa có tên ở NTLS A Lưới, nước mắt tuôn trào, cựu chiến binh Cao Việt Đức đọc một bài thơ, trong đó có những câu: "Cả nghĩa trang như một đài hoa/ Rạng rỡ vinh quang giữa đất trời A Lưới/ Mong muốn lắm, xin các anh hãy đợi/ Ngày mai thôi, Tổ quốc đọc tên mình"..

PV

 

TIN LIÊN QUAN
TAG:
Tin khác
Hà Giang: Nỗ lực giải phóng những “vùng đất chết” trả lại đất đai an toàn để phát triển kinh tế - xã hội địa phương
Hỗ trợ nạn nhân mua bán người trở về tái hòa nhập xã hội bền vững
Doanh nhân - Thương binh Tạ Quang Uẩn: Băng qua khói lửa, vươn lên thương trường
Hiệu quả các dự án giảm nghèo bền vững ở huyện Hương Sơn
Thái Nguyên tập trung thực hiện công tác giảm nghèo
Triển khai công tác xoá nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng
Nhân rộng các mô hình giảm nghèo ở Mỹ Xuyên
Phát triển năng lực trẻ em - Hành động vì tương lai
Thị xã Hồng Lĩnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững