6 trụ cột của chuyển đổi số ngoài yếu tố công nghệ
(LĐXH)-Trong phần kiến thức chuyên môn, chuyên đề: Xác định tầm nhìn và câu chuyện số, nội dung: 6 trụ cột của chuyển đổi số ngoài yếu tố công nghệ, khi chuyển đổi số, có phải công nghệ là yếu tố duy nhất quyết định thành công?
Thực tế, chuyển đổi số là “chuyển đổi dưới sự hỗ trợ của công nghệ”. Ngoài công nghệ, để chuyển đổi số thành công, doanh nghiệp cần quan tâm đến 06 trụ cột, là “xương sống” của doanh nghiệp, là thành tố giúp doanh nghiệp phát triển, vì vậy để chuyển đổi số thành công, 06 trụ cột sau cần được quan tâm.
Trụ cột 1: Trải nghiệm khách hàng
Một nghiên cứu của IBM vào năm 2018 cho thấy 68% giám đốc trải nghiệm khách hàng trong 20 ngành công nghiệp khác nhau tin rằng việc tập trung vào trải nghiệm khách hàng sẽ quan trọng hơn so với sản phẩm. Hiểu rõ hành trình và kỳ vọng của khách hàng là cơ sở cho các khoản đầu tư của công ty, bao gồm cả công nghệ. Trong thị trường cạnh tranh, việc cung cấp trải nghiệm thú vị là cách duy nhất để thu hút khách hàng. Chuyển đổi số được xem là nền tảng cần thiết để tạo trải nghiệm đột phá, đặc biệt trong kỷ nguyên công nghiệp 4.0. Người tiêu dùng hiện đại kỳ vọng nhiều hơn vào trải nghiệm số, từ mua sắm online đến tương tác tại cửa hàng. Công nghệ số cũng giúp doanh nghiệp thu thập dữ liệu khách hàng hiệu quả, phân tích hành vi và dự báo xu hướng. Do đó, chuyển đổi số trở thành chìa khóa cải thiện trải nghiệm khách hàng và tăng cường lợi thế cạnh tranh. Doanh nghiệp không cập nhật sẽ gặp khó khăn trong cạnh tranh, trong khi 92% lãnh đạo chú trọng phát triển chiến lược chuyển đổi số để nâng cao trải nghiệm khách hàng.
Trụ cột 2: Nhân sự
Nhân sự là yếu tố quan trọng trong mọi doanh nghiệp và có thể quyết định thành bại dự án. Sự ổn định và gắn kết của nhân viên giúp quản lý thay đổi và chuyển đổi số dễ dàng hơn. Yêu cầu về chất lượng và khả năng thích nghi của nhân sự cũng ngày càng cao. Doanh nghiệp cần đầu tư vào phát triển năng lực của nhân viên hiện tại, đặc biệt là những người trung thành và phù hợp với tầm nhìn của công ty. Lãnh đạo cần ủng hộ những ý tưởng mới và táo bạo từ nhân viên. Giao tiếp với nhân viên, khách hàng, đối tác và người dùng cũng rất quan trọng trong quá trình chuyển đổi số. Sự kết hợp giữa con người và công nghệ tạo ra cơ hội mới cho doanh nghiệp, nhưng việc áp dụng công nghệ chỉ là bước đầu của quá trình chuyển đổi thành doanh nghiệp số.
Trụ cột 3: Quản trị sự thay đổi
Bản chất cốt lõi của chuyển đổi số đó chính là sự thay đổi trong doanh nghiệp. Khi một doanh nghiệp trải qua quá trình chuyển đổi số, quản trị sự thay đổi có thể giúp nhân viên chấp nhận và thích ứng với sự thay đổi, ít va vấp hơn trong quá trình thực hiện. Mục tiêu là để tất cả các bên liên quan nội bộ chấp nhận, cam kết và chấp nhận chuyển đổi số. Quản trị thay đổi là một quá trình cho phép các tổ chức:
- Làm quen với sự thay đổi
- Đưa ra các chiến lược giúp tạo ra quá trình chuyển đổi suôn sẻ và đạt được kết quả
- Đưa ra các chiến lược để chủ động lập kế hoạch thay đổi
- Thu hút tất cả các bên liên quan tham gia khi diễn ra sự thay đổi để tất cả mọi người có chung một tầm nhìn
Quản trị sự thay đổi khi chuyển đổi số là việc khiến mọi nhân viên sử dụng các công cụ số mà công ty cung cấp cho họ để một cách hiệu quả để đạt được giá trị kinh doanh thực sự. Chuyển đổi số là chìa khóa cho sự tồn tại của nhiều công ty, nhưng chuyển đổi số rất khó khăn và thường xuyên thất bại. Nếu không quản trị được sự thay đổi thành công, các nỗ lực chuyển đổi số sẽ không mang lại kết quả.
Trụ cột 4: Đổi mới sáng tạo
Đổi mới là chìa khóa chuyển đổi doanh nghiệp. Nó có thể làm thay đổi cách hoạt động từ quy mô lớn đến nhỏ, tạo sự khác biệt và tăng sự hài lòng của khách hàng hoặc cải tiến sản phẩm. Việc thực hiện tư duy đổi mới trong tổ chức, cùng với không gian giao tiếp cởi mở và sự liên tục trong đổi mới, là quan trọng để không bị tụt lại trên thị trường và thúc đẩy quá trình chuyển đổi số.
Trụ cột 5: Lãnh đạo
Tư duy lãnh đạo đóng vai trò quan trọng trong chuyển đổi số của tổ chức. Lãnh đạo sáng suốt thúc đẩy quá trình số hóa, trong khi tư duy hạn hẹp cản trở phát triển. Chủ tịch FPT Trương Gia Bình khẳng định rằng lãnh đạo cần phải đứng đầu trong chuyển đổi số để đảm bảo thành công. Thực tế cho thấy các dự án không có sự tham gia của CEO thường thất bại. Nhà lãnh đạo cần minh bạch, cởi mở, và biết cách truyền động lực số hóa cho đội ngũ. Họ cũng nên chủ động trong việc thiết lập trật tự trong quá trình chuyển đổi, đồng thời cân nhắc kỹ lưỡng các lựa chọn công nghệ để đưa ra quyết định tối ưu cho doanh nghiệp, thay vì chỉ theo đuổi xu hướng mà không có sự lãnh đạo rõ ràng.
Trụ cột 6: Văn hóa
Sự kết nối của năm trụ cột: trải nghiệm khách hàng, nhân sự, sự thay đổi, đổi mới sáng tạo, lãnh đạo với nhau tạo nên trụ cột thứ sáu đó chính là văn hóa. Chuyển đổi số nên bắt đầu từ “Văn hóa doanh nghiệp”. Chuyển đổi số không thể tồn tại nếu không có văn hóa doanh nghiệp đúng đắn. Bằng cách tạo ra một không gian mở, nơi trải nghiệm của nhân viên và khách hàng được lấy làm trung tâm, sự thay đổi được lên kế hoạch và sự đổi mới là nguồn cảm hứng để làm việc, khi ấy nền văn hóa số tự nhiên hình thành và được dẫn dắt bởi người lãnh đạo có tư duy số.
Sáu trụ cột: trải nghiệm khách hàng, nhân sự, sự thay đổi, đổi mới sáng tạo, lãnh đạo và văn hóa là xương sống để chuyển đổi số thành công. Bên cạnh công nghệ, nếu doanh nghiệp tập trung vào những trụ cột này doanh nghiệp sẽ vượt tránh được thất bại và nổi bật trước các đối thủ của mình.
“Xác định tầm nhìn và câu chuyện số” là một trong 20 chuyên đề thuộc chương trình đào tạo trực tuyến của Trung tâm Hỗ trợ DNNVV phía Bắc (thuộc Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Chương trình được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí. Tìm hiểu thêm về các chuyên đề và đăng ký tham dự miễn phí tại đây: https://vietnamsme.gov.vn/elearning/
|
PV
TAG: