An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
10 hộ gia đình người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn 700 triệu đồng từ NHCSXH thành phố Hà Nội
05:12 PM 22/11/2023
(LĐXH)- Tính đến 21/11/2023, sau hơn một tháng triển khai Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg, Chi nhánh NHCSXH thành phố Hà Nội đã giải ngân cho vay được 700 triệu đồng cho 10 hộ gia đình người chấp hành xong án phạt tù vay vốn tại 5 quận, huyện.
Ngày 17/8/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg quy định về chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng người lao động là người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để đào tạo nghề và sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm. Quyết định này có hiệu lực từ 10/10/2023.
Thực hiện Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg, ngày 20/9/2023, Tổng Giám đốc NHCSXH đã ban hành văn bản số 7557/NHCS-TDSV hướng dẫn nghiệp vụ cho vay đối với người chấp hành xong án phạt tù.
Theo đó, đối tượng vay vốn là người chấp hành xong án phạt tù bao gồm: người chấp hành xong thời hạn chấp hành án phạt tù đã được cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù và người được đặc xá đã được cấp giấy chứng nhận đặc xá và Cơ sở sản xuất kinh doanh (bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh) có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù.
Anh Nguyễn Khắc Hoàng – xã Tản Lĩnh – huyện Ba Vì sử dụng vốn vay để chăn nuôi lợn.
Mục đích sử dụng vốn và mức cho vay:
- Đối với cho vay để đào tạo nghề gồm: Chi phí cho việc học tập, sinh hoạt của người chấp hành xong án phạt tù trong thời gian theo học tại các trường đại học (hoặc tương đương đại học), cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam. Chi phí này bao gồm: tiền học phí; chi phí mua sắm sách vở, phương tiện học tập; chi phí ăn, ở, đi lại. Mức vốn cho vay tối đa là 04 triệu đồng/tháng/NCHXAPT.
- Cho vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm: đối với người chấp hành xong án phạt tù, mức vốn cho vay tối đa là 100 triệu đồng/người chấp hành xong án phạt tù . Đối với Cơ sở sản xuất kinh doanh: mức vốn cho vay tối đa là 02 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/người lao động tại cơ sở sản xuất kinh doanh.
Lãi suất cho vay: bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo quy định theo từng thời kỳ. Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay.
Cán bộ NHCSXH cùng với Hội đoàn thể và tổ trưởng tổ Tiết kiệm và vay vốn kiểm tra sau cho vay tại gia đình người chấp hành xong án phạt tù.
Phương thức cho vay:
- Đối với người chấp hành xong án phạt tù: NHCSXH thực hiện phương thức cho vay ủy thác một số nội dung công việc trong quy trình cho vay cho các tổ chức chính trị - xã hội, cho vay thông qua hộ gia đình. Đại diện hộ gia đình của người chấp hành xong án phạt tù  là người đứng tên vay vốn và giao dịch với NHCSXH. Trường hợp trong hộ gia đình không còn thành viên nào từ đủ 18 tuổi trở lên hoặc những thành viên còn lại không còn sức lao động, không đủ năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật thì người chấp hành xong án phạt tù trực tiếp đứng tên vay vốn tại NHCSXH. Người vay vốn để đào tạo nghề và sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm không phải thực hiện bảo đảm tiền vay.
- Đối với Cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù, NHCSXH nơi cho vay thực hiện cho vay trực tiếp. Với mức vay vốn trên 100 triệu đồng phải thực hiện bảo đảm tiền vay theo quy định.
Sau khi Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg được ban hành, Chi nhánh NHCSXH thành phố Hà Nội đã phối hợp với Công an thành phố Hà Nội tham mưu UBND thành phố ban hành văn bản chỉ đạo các Sở, ngành và cơ quan liên quan triển khai thực hiện Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg; phối hợp với chính quyền địa phương và công an cơ sở rà soát, nắm bắt nhu cầu vay vốn đối với người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn và tham mưu UBND thành phố phân bổ nguồn vốn cho vay đến các quận, huyện, thị xã.
Tính đến 21/11/2023, sau hơn một tháng triển khai Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg, Chi nhánh NHCSXH thành phố Hà Nội đã giải ngân cho vay được 700 triệu đồng cho 10 hộ gia đình người chấp hành xong án phạt tù vay vốn tại 5 quận, huyện. 
Anh Nguyễn Khắc Hoàng – xã Tản Lĩnh – huyện Ba Vì phấn khởi cho biết: sau khi chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương đã được Công an, Hội Phụ nữ xã và tổ Tiết kiệm và vay vốn hướng dẫn thủ tục, hồ sơ vay vốn và được NHCSXH huyện giải ngân cho vay 100 triệu đồng. Anh đã đầu tư số tiền được vay vào chăn nuôi lợn và trồng cây ăn quả, trồng cây mai cảnh.
Với số tiền được vay vốn theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg từ NHCSXH, đã giúp anh Hoàng và những người đã có thời gian lầm đường lạc lối hòa nhập với cộng đồng, tự tạo việc làm, tăng thu nhập cho bản thân, trở thành người có ích cho gia đình và cho xã hội ./.
Thu Hiền
TAG: cho vay vốn người chấp hành xong án phạt tù
Tin khác
Quảng Nam: Năm 2024, tỷ lệ giải ngân vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo đạt 58%
BHXH TP.HCM không tổ chức làm việc ngoài giời vào sáng 11/1/2024
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tặng quà Tết Ất Tỵ đối tượng chính sách khó khăn huyện Lý Nhân
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Dành những điều tốt nhất đối với người có công bằng trách nhiệm tri ân
Hoa quả Phương Toản tặng bánh chưng cho khách hàng dịp Tết Nguyên đán 2025
Ninh Thuận: Đa dạng các hoạt động chăm lo Tết cho người nghèo
Chiếc Jaecoo J7 PHEV Nguyễn Xuân Son được tặng có gì đặc biệt?
TP.HCM: Lập Đoàn 35 thăm tặng quà các đơn vị, cá nhân dịp Tết Ất Tỵ năm 2025
Bắc Giang: Khẳng định vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại