An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Thừa Thiên Huế: Tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững
11:00 AM 17/03/2021
(LĐXH) – Sáng ngày 17/3/2021, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 8/11/2016 của Tỉnh ủy về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016- 2020 với sự góp mặt và chủ trì của Bí thư tỉnh ủy Lê Trường Lưu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; ông Đặng Hữu Phúc, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội cùng đại diện lãnh đạo các ban ngành liên quan.
Thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn
Sau 5 năm triển khai thực hiện, nhờ sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, địa phương và toàn xã hội trong thực hiện công tác giảm nghèo đã góp phần cải thiện và nâng cao điều kiện sống của người nghèo, hộ nghèo. Những người nghèo, người yếu thế đều được tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản, các chính sách thông qua nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng để phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống.
Tỷ lệ hộ nghèo giảm liên tục qua các năm từ 8,36% năm 2016 còn 3,45% cuối năm 2020. Xét về quy mô, số hộ nghèo giảm 53,94% là giảm hơn 1/2 số hộ nghèo tuyệt đối so với đầu kỳ. Bình quân tỷ lệ giảm nghèo hàng năm 0,98%/năm, vượt chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo Chính phủ giao là 0,87%/năm, Nghị quyết Tỉnh uỷ giao 0,9%/năm; đồng thời thu hẹp khoảng cách chênh lệch về nghèo giữa thành thị và nông thôn, giữa nông thôn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Bí thư tỉnh ủy Lê Trường Lưu phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Phong trào chung tay vì người nghèo, trong đó nổi bật là sự vào cuộc của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc 57 cơ quan, đơn vị, trường học đã vận động, đóng góp, chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên thoát nghèo tại 19 xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 25%, góp phần vào việc thực hiện thành công chương trình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, từ nguồn huy động của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước qua MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên đã góp phần trong thực hiện phong trào thi đua “Chung tay vì người nghèo”, “Ngày vì người nghèo”… Qua đó, hỗ trợ cho hàng nghìn hộ nghèo, người nghèo khó khăn do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh về nhà ở, vốn vay, trợ cấp xã hội và nhiều hoạt động có ý nghĩa khác...
Tại Hội nghị, Bí thư tỉnh ủy Lê Trường Lưu đã nhiệt liệt biểu dương sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từ các cấp ủy Đảng đến Chính quyền địa phương; sự quan tâm, chỉ đạo, giám sát của Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh; sự chủ động tham mưu, điều phối của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, sự tham gia phối hợp chặt chẽ của các Sở, ban, ngành và các địa phương; chung sức, đồng lòng, đóng góp thiết thực của nhân dân, cán bộ trong công cuộc Giảm nghèo bền vững thông qua phong trào “Thừa Thiên Huế chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Với những kết quả giảm nghèo đạt được, Chủ tịch nước đã tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho Đảng bộ, chính Quyền và Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế do đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững và phong trào thi đua "Cả nước chung tay vì người nghèo, không ai bị bỏ lại phía sau" giai đoạn 2016-2020.
Phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị
Trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19 vừa qua, lòng nhân ái, nghĩa đồng bào, tinh thần “lá lành đùm lá rách” đã trở thành một sức mạnh lan tỏa rộng khắp toàn tỉnh. Nhiều cây ATM gạo hình thành, hỗ trợ cho người nghèo, người khó khăn... tạo nên một ấn tượng vô cùng sâu sắc, tốt đẹp đối với nhân dân cả nước, thể hiện tinh thần yêu thương, chia sẽ... cùng nhau vượt qua khó khăn.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, ông Lê Trường Lưu cho rằng, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế: kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, tỷ lệ hộ nghèo phát sinh hàng năm vẫn còn, chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư tuy được thu hẹp xong vẫn còn khoảng cách khá lớn; nhiều xã tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn trên 25%, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số; nguồn lực cho giảm nghèo còn hạn chế; một số cơ chế, chính sách, hướng dẫn và triển khai Chương trình còn chậm; vẫn còn tâm lý trông chờ, ỷ lại ở một bộ phận cán bộ, người dân.
Ông Đặng Hữu Phúc, Giám đốc Sở LĐ - TBXH phát biểu tại Hội nghị
Để thực hiện những mục tiêu giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững năm 2021 và giai đoạn 2022-2025, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho rằng, cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, cơ chế, chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững đến các cấp, các ngành và địa phương, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tạo sự chuyển biến và đồng thuận của toàn xã hội. Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, vận động các hội viên, đoàn viên tích cực tham gia công tác giảm nghèo.
Nghiên cứu xây dựng, trình ban hành Đề án giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh sau khi Chính phủ ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025 nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bao trùm, bền vững đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Khẩn trương rà soát lại, chủ động tham mưu triển khai trên địa bàn tỉnh khi Quốc hội, Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 để chủ động triển khai trên địa bàn tỉnh.
Khen thưởng các tổ chức và cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong công tác giảm nghèo
Khẩn trương rà soát, tiếp tục tham mưu UBND tỉnh hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, trên địa bàn tỉnh theo hướng hỗ trợ gắn với điều kiện, chính sách hỗ trợ tạo việc làm phải là việc làm có năng suất và thu nhập tốt, bảo đảm thoát nghèo bền vững; thiếu hụt chiều nào hỗ trợ chiều đó (thiếu hụt chiều y tế thì hỗ trợ về y tế, thiếu hụt chiều giáo dục thì hỗ trợ về giáo dục,…), không hỗ trợ cào bằng, dàn chải; quyết tâm thực hiện bảo đảm an sinh xã hội; các chính sách cần ưu tiên cho các Nhóm đối tượng trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật và đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn. 
Ưu tiên nguồn lực đầu tư và thực hiện chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số; lồng ghép và sử dụng hiệu quả nguồn lực của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng Nông thôn mới phải gắn với Giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững và phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; huy động nguồn lực toàn xã hội và sự ủng hộ của các tổ chức trong và ngoài nước trong công cuộc hỗ trợ người nghèo trên địa bàn tỉnh. Xây dựng các chương trình, mô hình giảm nghèo và an sinh xã hội trong bối cảnh mới, nhất là mô hình giảm thiểu tác động của lũ lụt, chống tái nghèo; Tăng cường tính chủ động, xây dựng định hướng, kế hoạch về giảm nghèo và an sinh xã hội ở địa phương mình là một trong những chỉ tiêu trọng tâm của chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Phải xây dựng kế hoạch giảm nghèo đến từng hộ dân, xem hộ nghèo cần gì để hỗ trợ thoát nghèo; tiếp tục Phong trào thi đua “Thừa Thiên Huế chung tay vì người nghèo - không ai bị bỏ lại phía sau”…

Hà Giang

TIN LIÊN QUAN
TAG:
Tin khác
Nghệ An nâng cao chất lượng công tác bình đẳng giới
Nhìn lại công tác phòng, chống mại dâm tại một số địa bàn trọng điểm
Tăng cường tuyên truyền nhận biết các hình thức mại dâm trá hình
Huyện Thạnh Trị: Phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách để giảm nghèo bền vững
Nghệ An: Triển khai nhiều hoạt động phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em
Nghệ An: Phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em
Nghệ An kiện toàn Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ các cấp
Nghệ An tuyên truyền nâng cao nhận thức Vì sự tiến bộ phụ nữ
Nghệ An quan tâm giải quyết các vần đề về trẻ em