Phòng, chống TNXH
Trang chủ / Xã hội / Phòng, chống TNXH
Quảng Ninh hiệu quả với mô hình hỗ trợ nạn nhân bị mua bán tại các cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân
07:56 PM 26/08/2020
(LĐXH)-Quảng Ninh là tỉnh biên giới phía Bắc có 118,8 km đường biên giới đất liền và 191 km đường phân định trên biển tiếp giáp với Trung Quốc.
Trên địa phận biên giới đất liền của tỉnh có hệ thống cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu phụ và nhiều điểm thông quan, đường mòn qua lại biên giới; cư dân hai bên biên giới có mối quan hệ từ lâu đời (dân tộc, thân tộc, dòng họ); trên biển có các cảng biển và hệ thống đường hàng hải thông thương với các nước trên thế giới.

Chính vì vậy, trong những năm qua, tình hình lao động xuất nhập cảnh trái phép và hoạt động của tội phạm mua bán người diễn ra trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh khá phức tạp.

Theo số liệu của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh, trong giai đoạn 2016 - 2020 các lực lượng chức năng của tỉnh Quảng Ninh đã tiếp nhận, xác minh 738 người (năm 2016: 88 người; năm 2017: 115 người; năm 2018: 213 người; năm 2019: 204 người; 06 tháng đầu năm 2020: 118 người). Trong đó, được xác định là nạn nhân bị mua bán: 221 người (năm 2016: 31 người; năm 2017: 65 người; năm 2018: 45 người; năm 2019: 70 người; 06 tháng đầu năm 2020: 10 người). Trong số 221 nạn nhân, có 16 nạn nhân là nam, 205 nạn nhân là nữ, có 24 trẻ em dưới 16 tuổi (trong đó có cả trẻ sơ sinh).
Một phụ nữ bị lừa bán sang Trung Quốc được Công an Trung Quốc giải cứu, trao trả, làm thủ tục nhập khu cách ly Móng Cái
Các nạn nhân đã được các lực lượng chức năng của Tỉnh tổ chức gặp gỡ, động viên, tư vấn, trợ giúp pháp lý để họ ổn định tâm lý, tinh thần; được tiếp nhận, chăm sóc tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh và Cơ sở bảo trợ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh; các nạn nhân ở tỉnh ngoài được hỗ trợ tiền tàu xe, tiền ăn trên đường trở về địa phương đoàn tụ gia đình.

Năm 2019, Trung tâm Công tác xã hội tiếp nhận 08 nạn nhân là phụ nữ trong đường dây mang thai hộ vì mục đích thương mại; trong 5 năm qua, Cơ sở bảo trợ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh Quảng Ninh tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng 34 lượt/năm trẻ em bị mua bán trở về (năm 2016: 12 trẻ em; năm 2017: 03 trẻ em; năm 2018: 05 trẻ em; năm 2019: 08 trẻ em; 6 tháng đầu năm 2020: 06 trẻ em). Hiện tại, Cơ sở bảo trợ chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh Quảng Ninh đang chăm sóc, nuôi dưỡng 06 cháu. Đó là các cháu: Đoàn Đức Mạnh, giải cứu năm 2011; Mai Quốc Khánh giải cứu năm 2013; Mai Ngọc Lan giải cứu năm 2014; Trần Bảo An và cháu Trần Thị Ngọc Anh giải cứu tháng 2/2019; Nguyễn Mạnh Cường giải cứu tháng 7/2019. Các trường hợp khác đã trao trả về với gia đình hoặc làm thủ tục cho nhận con nuôi. Tất cả các nạn nhân được tiếp nhận vào các cơ sở bảo trợ xã hội đều được hỗ trợ tư vấn tâm lý, khám chữa bệnh, bổ sung dinh dưỡng để ổn định sức khỏe. Các trẻ em nuôi dưỡng tại Cơ sở bảo trợ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh Quảng Ninh được đi học tại các Trường tiểu học, Trung học cơ sở trên địa bàn thành phố Hạ Long, được chăm sóc, nuôi dưỡng đảm bảo trẻ được phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần và nhân cách.
Đối với số nạn nhân có hộ khẩu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, khi trở về được hưởng hỗ trợ khó khăn ban đầu và học nghề để ổn định cuộc sống
Việc hỗ trợ các nạn nhân mua bán người được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 09/2013/NĐ-CP ngày 11/01/2013 của Chính phủ; Thông tư liên tịch số 134/2013/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 25/9/2013 của Bộ Tài chính, Bộ Lao động - TB&XH; Thông tư số 84/2019/TT-BTC ngày 27/11/2019 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn nội dung, mức chi cho công tác hỗ trợ nạn nhân và được lồng ghép hỗ trợ ở mức tối đa nhất trong các chương trình giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, bảo trợ xã hội, bình đẳng giới, bảo vệ chăm sóc trẻ em theo cơ chế, chính sách riêng của tỉnh Quảng Ninh.

Đối với số nạn nhân có hộ khẩu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, khi trở về đã được ngành Lao động - TB&XH chủ trì, phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát nhu cầu, hướng dẫn làm hồ sơ đề nghị được hỗ trợ khó khăn ban đầu, hỗ trợ học nghề để họ ổn định cuộc sống và tái hoà nhập cộng đồng. Giai đoạn 2016 - 2020, đã có 03/07 nạn nhân làm hồ sơ đề nghị và được hỗ trợ khó khăn ban đầu, học nghề ổn định cuộc sống với số tiền hỗ trợ là 6.000.000 đồng.
Ngoài ra, công tác tổ chức đào tạo tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ thực hiện công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về cũng được Sở Lao động - TB&XH, Công an tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng lồng ghép trong các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ ngành Lao động- TB&XH và cán bộ Công an, Biên phòng các cấp. Đồng thời cử cán bộ tham gia đầy đủ các khóa tập huấn, đào tạo bồi dưỡng về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người, kỹ năng tiếp nhận, xác minh, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán do các cơ quan Trung ương và các chương trình, dự án tổ chức. Năm 2017, Sở Lao động - TB&XH đã tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm thực hiện Đề án  hỗ trợ nạn nhân bị mua bán với sự tham gia của hơn 50 đại biểu là cán bộ làm công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán thuộc Chi cục Phòng tệ nạn xã hội các tỉnh phía Bắc.

Công tác kiểm tra, đánh giá việc thực hiện hỗ trợ nạn nhân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã được các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện đồng thời với việc kiểm tra, đánh giá công tác thực hiện nhiệm vụ chính trị, phòng, chống tệ nạn xã hội được giao hằng năm của Sở Lao động - TB&XH và của Phòng Lao động - TB&XH các địa phương trong tỉnh.

Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, bên cạnh nhiều giải pháp khác, tỉnh Quảng Ninh sẽ thực hiện tốt công tác phối hợp liên ngành trong triển khai công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân. Huy động sự tham gia của các Sở, ngành và các tổ chức xã hội nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp, đồng bộ trong tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Cơ sở bảo trợ chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, Trung tâm công tác xã hội, Trung tâm bảo trợ xã hội thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổ chức tiếp nhận, hỗ trợ, bố trí lưu trú cho nạn nhân khi có nhu cầu. Trong đó, sẽ chú trọng đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất đảm bảo phục vụ công tác hỗ trợ nạn nhân tại các cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân./.

Kim Chi
 
TAG:
Tin khác
Quét mã QR trên Cổng Thông tin điện tử nhân đạo quốc gia để ủng hộ người khuyết tật, trẻ mồ côi
Nam Định: Đổi mới công tác bảo hiểm xã hội, góp phần bảo vệ quyền lợi của người lao động
Kết quả thực hiện công tác phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán ở Long An
Hiệu quả mô hình “Tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng” ở Đồng Nai
Herbalife Việt Nam đồng hành cùng Báo Tuổi Trẻ tổ chức Cuộc Thi Lan Tỏa Năng Lượng Tích Cực lần thứ năm liên tiếp
Chương trình Đi bộ từ thiện Đinh Thiện Lý: 20 năm những bước chân chia sẻ
TP.HCM: Người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH được nhận gộp lương 2 tháng trước Tết
Quảng Ngãi nâng cao năng lực cho tình nguyện viên phòng, chống mua bán người
'Tháp Eiffel bốc cháy': Cách phân biệt tin giả thời AI