Nhiều mô hình giảm nghèo hiệu quả ở Hà Tĩnh
(LĐXH) - Thời gian qua, Tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai nhiều mô hình giảm nghèo từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, như: Mô hình chăn nuôi bò, chăn nuôi gà, dê, trồng cam, bưởi... đã giúp các hộ dân vươn lên phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống.
Theo báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2024 của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Tĩnh, đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 11.572 hộ nghèo (giảm 2.955 hộ), chiếm tỷ lệ 3,01%; có 12.947 hộ cận nghèo (giảm 2.539 hộ), chiếm tỷ lệ 3,37%.
Để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững, thời gian qua, tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp, các chính sách, các dự án trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Trong đó có việc triển khai hiệu quả các mô hình giảm nghèo. Giai đoạn 2021-2024, toàn tỉnh đã xây dựng, triển khai 308 dự án, bao gồm: 305 dự án chăn nuôi (lợn, bò, gà, dê, ong...); 01 dự án trồng trọt (cây cam, bưởi); 02 dự án phi nông nghiệp được triển khai thực hiện tại 13/13 huyện, thành phố, thị xã với 4.803 hộ tham gia. Kết quả cho thấy các mô hình đa dạng hóa sinh kế đều phát huy hiệu quả, góp phần tạo việc làm cho người dân, tăng thu nhập cho hộ gia đình, giúp 1.353 hộ thoát nghèo bền vững.
Tại huyện Cẩm Xuyên, sau 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, UBND huyện đã trao 311 con bò cho người dân trên địa bàn 17 xã, thị; trong đó 125 hộ nghèo, 180 hộ cận nghèo, 6 hộ thoát nghèo. Việc trao tặng bò sinh sản nhằm tạo sinh kế, hỗ trợ phương tiện sản xuất giúp người dân có điều kiện phát triển chăn nuôi, nâng cao thu nhập, sớm ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo. Bà Phan Thị Châu ở thôn Phú Đoài, xã Cẩm Lạc, một trong những hộ được trao mô hình nuôi bò sinh sản, chia sẻ bà vừa được tặng bò vừa được hướng dẫn về kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng bò cái sinh sản. Nguồn thu nhập 2-3 triệu đồng/tháng từ chăn nuôi, kết hợp với làm ruộng đã giúp bà có thể lo cho 2 con ăn học, dần cải thiện cuộc sống, cố gắng vươn lên thoát nghèo.
Còn tại huyện Vũ Quang, theo thông tin từ Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, địa phương đã phân bổ hơn 12 tỷ đồng hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo xây dựng 41 mô hình sinh kế (trong đó: có 21 mô hình đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; 20 mô hình phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp). Qua đó, đã góp phần giúp địa phương thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo trên địa bàn.
Tháng 6/2023, gia đình bà Trương Như Hiền ở thị trấn Vũ Quang được hỗ trợ 3 con dê sinh sản từ mô hình sinh kế từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Sau một năm chăm sóc, đàn dê của bà Hiền phát triển tốt, chuẩn bị sinh sản lứa đầu tiên. Bà Hiền chia sẻ: “Tôi tuổi cao, sức yếu không làm được việc nặng, nên thu nhập gia đình bấp bênh, cuộc sống khó khăn. Biết được hoàn cảnh gia đình, các ngành chức năng đã hỗ trợ mô hình sinh kế giúp tôi có động lực vươn lên, giảm bớt khó khăn về kinh tế. Sự hỗ trợ của các cấp đã giúp gia đình tôi cải thiện cả về vật chất lẫn tinh thần, từng bước vươn lên ổn định cuộc sống”.
Thời gian qua, huyện Lộc Hà cũng triển khai hiệu quả các Mô hình sinh kế, bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Trong giai đoạn 2021 – 2024, triển khai hiệu quả 24 mô hình bò và gà sinh kế cho 526 hộ nghèo, cận nghèo được hưởng lợi với số tiền hơn 4,4 tỷ đồng.
Gia đình ông Lê Văn Huệ và bà Đặng Thị Cuối ở thôn Thống Nhất, xã Ích Hậu, năm 2022 được hỗ trợ 8 triệu đồng để mua bê giống sinh sản. Nhờ chọn giống chuẩn, chăm sóc tốt nên một thời gian sau, gia đình bán được 1 con bê trị giá 10 triệu đồng và bò mẹ đã sản sinh lứa mới. Có thể nói đây là đòn bẩy giúp gia đình phát triển kinh, nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống.
Có thể nói, việc triển khai các mô hình giảm nghèo bước đầu đã giúp người dân trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có thêm điều kiện để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống và từng bước vươn lên thoát nghèo. Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với mục tiêu giảm nghèo đa chiều, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo ổn định cuộc sống, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, thoát nghèo bền vững./.
Hiền Minh
TAG: