Tài chính - Bất động sản
Trang chủ / Kinh tế / Tài chính - Bất động sản
Nhận diện thách thức và cơ hội phục hồi thị trường bất động sản năm 2024
09:04 PM 18/01/2024
(LĐXH)- Chiều 18/1, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Báo Xây dựng phối hợp với Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Cộng đồng Review Bất động sản cùng các đơn vị liên quan tổ chức Diễn đàn “ Thị trường bất động sản năm 2024 - Nhận diện thách thức và cơ hội phục hồi”.
Diễn đàn có sự tham gia của đại diện lãnh đạo Bộ Xây dựng; Lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện liên quan thuộc Bộ Xây dựng; Đại diện Uỷ Ban Kinh tế Quốc hội, Tổ Tư vấn Thủ tướng về các vấn đề kinh tế.; Đại diện các Bộ, Ngành liên quan: Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch đầu tư, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước; Đại diện Hiệp hội BĐS, Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh; Đại diện các ngân hàng trong nước và tổ chức tài chính nước ngoài; Đại diện các chuyên gia kinh tế uy tín trong nước và quốc tế; Đại diện lãnh đạo thành phố TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, ác tập đoàn, Các Chủ đầu tư BĐS, Các doanh nghiệp phân phối Bất động sản... cùng hơn 50 cơ quan Báo chí, truyền thông - Truyền hình Trung ương và địa phương.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh phát biểu khai mạc Diễn đàn.

Luật Kinh doanh bất động sản 2023 và Luật Nhà ở 2023 do Bộ Xây dựng soạn thảo đã chính thức được chính thức thông qua ngày tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Hai luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025 và là hai Luật quan trọng trong việc hoàn thiện thể chế chính sách mang tính nhất quán của Chính phủ trong quyết tâm giải quyết khó khăn cho thị trường, từng bước đưa bất động sản trở lại quỹ đạo phát triển ổn định và bền vững. Những điểm mới của Luật Kinh doanh Bất động sản và Luật nhà ở 2023 đang nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà quản lý các cấp, giới chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp và người dân mua nhà bởi những tác động tích cực đến thị trường.
Thị trường bất động sản thời điểm hiện tại đang dần bắt nhịp hồi phục với những tín hiệu, điểm sáng đáng ghi nhận đến từ các yếu tố: Về phương diện pháp lý, các vướng mắc pháp lý ở các dự án đã và đang có những chuyển biến tích cực sau những chỉ đạo trực tiếp từ Chính phủ thông qua các văn bản: Nghị quyết 33/NQ-CP về các giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển; Nghị định số 08/2023/NĐ-CP tháo gỡ các vấn đề về trái phiếu; Nghị định 10/2023/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, mở ra cửa sáng cho việc cấp sổ Condotel; Thông tư 10/2023/TT-NHNN về việc ngưng hiệu lực thi hành một số nội dung của Thông tư 06/2023/TT-NHNN, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
 Toàn cảnh Diễn đàn.
Trong tháng 8/2023, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Công văn 6385/NHNN/CSTT về giảm lãi suất cho vay, trong đó yêu cầu giảm lãi suất cho vay từ 1.5 - 2%/năm theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Song song đó, lãi suất tiền gửi tiết kiệm hiện nay ở các ngân hàng thương mại đã quay về tiệm cận so với mức tại thời điểm trước dịch, khiến người dân dần chuyển dịch dòng tiền, tìm đến những kênh đầu tư sinh lời khác với mức sinh lợi hấp dẫn hơn. 
Thị trường chứng khoán vừa qua đã có những sự hồi phục, tăng điểm khá tốt quay trở lại mốc 1.200 điểm, mang lại động lực phát triển cũng như khả năng tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản. Giải ngân đầu tư công tăng so với cùng kỳ năm 2022, lũy kế đầu năm đến tháng 7/2023 ước giải ngân hơn 268 nghìn tỷ đồng, đạt gần 40% kế hoạch được giao. 
Vừa qua Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Công điện số 749/CĐ-TTg về việc chỉ đạo các sở ban ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2023. Đây được kỳ vọng mang đến những cú huých hạ tầng giao thông, tạo tiền đề vững chắc cho những bước phát triển bền vững của thị trường bất động sản trong tương lai. 
Nhận thức và phản ánh rõ vai trò quan trọng từ tác động chính sách điều hành của Chính phủ, Bộ, Ngành nhằm hoàn thiện pháp lý phát triển thị trường bất động sản bền vững, Báo Xây dựng phối hợp với các đơn vị tổ chức các Toạ đàm, diễn đàn Hội thảo trong năm 2024 để tuyên truyền về những văn bản quy phạm pháp luật liên quan, đặc biệt là Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản 2023 vừa được Quốc Hội thông qua.
Mở đầu cho chuỗi sự kiện này, Báo Xây dựng phối hợp với Hiệp hội Bất động sản Việt nam, Group Review Bất động sản và các đơn vị liên quan tổ chức Diễn đàn “Thị trường BĐS năm 2024 - Nhận diện thách thức và cơ hội phục hồi”, tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trong khuôn khổ Diễn đàn đã diễn ra cuộc kết nối trực tiếp giữa đại diện lãnh đạo 100 sàn giao dịch với lãnh đạo của 40 chủ đầu tư và 5 ngân hàng để giới thiệu dự án, thẩm định cho vay tại chỗ.
Theo Ban Tổ chức, diễn đàn tập trung phân tích những điểm mới trong Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản 2023 tác động tích cực đến thị trường. Cán cân của Bất động sản trong sự phát triển kinh tế và GPD của đất nước. Khơi thông nguồn vốn cho bất động sản; Kinh doanh Bất động sản của Nhà đầu tư nước ngoài theo pháp luật Việt Nam hiện nay; Những kiến nghị đề xuất tháo gỡ pháp lý cho các dự án địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.
Thị trường bất động sản thời điểm hiện tại đang dần bắt nhịp hồi phục với những tín hiệu, điểm sáng đáng ghi nhận.

Phát biểu chỉ đạo khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết: từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2023, thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết, Chỉ thị, Công điện và nhiều chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt để thực hiện đồng bộ các chính sách, nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản; các Bộ, ngành, địa phương cũng đã tích cực vào cuộc để triển khai tháo gỡ vướng mắc cho nhiều dự án bất động sản tại các địa phương. Kết quả là thị trường bất động sản cuối năm 2023 đã có nhiều chuyển biến tích cực hơn, nguồn cung đã từng bước cải thiện, nguồn vốn dần được khơi thông.

Cụ thể, trong Quý IV/2023, về nguồn cung nhà ở thương mại đã hoàn thành 29 dự án với quy mô khoảng 13.646 căn (tăng 38,1% so với Quý III/2023); cấp phép mới 20 dự án với quy mô khoảng 11.539 căn (tăng 33% so với Quý III/2023); đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai 47 dự án với quy mô khoảng 14.566 căn (ngang bằng với Quý III/2023); đang triển khai 854 dự án với quy mô khoảng 402.570 căn (ngang bằng so với Quý III/2023).

Nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị trong Quý IV/2023 (có 16 dự án, 9.302 căn): Đã hoàn thành 7 dự án với quy mô 4.019 căn, đã được cấp phép, khởi công xây dựng 9 dự án với quy mô 5.283 căn. Trong năm 2023 (44 dự án, 36.626 căn): Đã hoàn thành 28 dự án với quy mô 13.864 căn, đã được cấp phép, khởi công xây dựng 16 dự án với quy mô 22.398 căn. Trong giai đoạn 2021 – 2023 (495 dự án, 402.898 căn): Đã hoàn thành 70 dự án với quy mô 35.566 căn; đã khởi công xây dựng 127 dự án với quy mô 107.896 căn; chấp thuận chủ trương đầu tư mới 298 dự án với quy mô 259.436 căn.

Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng để chuyển nhượng quyền sử dụng đất xây dựn– nhà ở đã hoàn thành 68 dự án với quy mô khoảng 4.935 ô/nền (tăng 88% so với Quý III/2023); đang triển khai xây dựng 524 dự án với quy mô khoảng 40.981 ô/nền (tăng 123,93% so với Quý III/2023); được cấp phép mới 29 dự án với quy mô khoảng 3.116 ô/nền (tăng 26% so với Quý III/2023).

Về lượng giao dịch (căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền), lượng giao dịch trong phân khúc đất nền, căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong Quý IV giảm hơn với Quý III/2023 (trong quý IV/2023 có 81.476 giao dịch đất nền, bằng khoảng 89,26% so với quý III/2023); đối với giao dịch căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong quý IV/2023 có 27.590 giao dịch căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ bằng khoảng 92,82% so với quý III/2023.

Về tồn kho bất động sản, lượng tồn kho thuộc phân khúc nhà chung cư trong quý IV bằng khoảng 88,42% so với quý III/2023; lượng tồn kho thuộc phân khúc đất nền bằng khoảng 115,66% so với quý III/2023 và lượng tồn kho thuộc phân khúc nhà ở riêng lẻ bằng khoảng 78,93% so với quý III/2023.

Về giá bất động sản, trong Quý IV/2023, giá căn hộ chung cư tiếp tục xu hướng tăng giá tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt là các khu vực trung tâm; giá giao dịch thứ cấp nhà ở riêng lẻ trong năm 2023 tại các địa phương có xu hướng giảm đều theo quý và giảm từ 10-14% so với năm 2022; giá cho thuê văn phòng tại các thành phố lớn như Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh có xu hướng giảm giá thuê 9-22% so với quý trước; giá bán và lượng giao dịch bất động sản nghỉ dưỡng tiếp tục giảm và hạn chế về giao dịch; giá thuê bất động sản công nghiệp có xu hướng tăng nhẹ so với quý trước.

Về dư nợ tín dụng bất động sản, tính đến ngày 31/11/2023, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1.022.532 tỷ đồng. Tức là so với giai đoạn trước bắt đầu tăng lên, nguồn tài chính đổ vào thị trường bắt đầu sôi động hơn.

Về tình hình phát hành trái phiếu đối với lĩnh vực bất động sản thì theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong cả năm 2023 tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận là 311.240 tỷ đồng, trong đó trái phiếu doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực bất động sản là 73.200 tỷ đồng (chiếm 23,5% tổng giá trị; tăng 40,8% so với năm 2022).

Về nguồn vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực bất động sản thì theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư gần 4,67 tỷ USD, chiếm hơn 12,7% tổng vốn đầu tư đăng ký; tăng 4,8% so với năm trước.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, có thể nói dù đã có những dấu hiệu tích cực hơn vào cuối năm nhưng nhìn tổng thể năm 2023 là một năm có nhiều khó khăn, thách thức đối với thị trường bất động sản. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

Để thị trường bất động sản tốt hơn, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh mong muốn các doanh nghiệp bất động sản cần chủ động thực hiện một số giải pháp như: Về nguồn vốn đầu tư, đa dạng hóa nguồn vốn (ngoài tín dụng ngân hàng, còn có phát hành trái phiếu, cổ phiếu, quỹ đầu tư, thuê tài chính…); Huy động vốn gắn với mục đích sử dụng vốn cụ thể; Giảm đòn bẩy tài chính, hạn chế đầu tư dàn trải. Về hoạt động đầu tư, tập trung hoàn thành các dự án đang dang dở, nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở phân khúc giá rẻ để tăng tính thanh khoản.

Trong hoạt động đầu tư, các doanh nghiệp phải đảm bảo chất lượng sản phẩm khi trao đến tay khách hàng phải đảm bảo về tính pháp lý; đảm bảo chất lượng về thiết kế, công năng; bố trí đầy đủ về hạ tầng xã hội; đa dạng và đồng bộ về tiện ích, dịch vụ. Về giá thành sản phẩm bất động sản, thực hiện các giải pháp tiết kiệm, thiết giảm chi phí để giảm giá thành sản phẩm, cơ cấu sản phầm theo nhu cầu thực tế của người dân, vừa túi tiền.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh tin tưởng những chính sách của Chính phủ, sự quyết tâm của cả hệ thông chính trị với những chính sách đã và đang triển khai thì trong năm 2024, thị trường bất động sản sẽ phục hồi, phát triển bền vững./.

Thảo Lan



 

TAG: Diễn đàn Thị trường bất động sản năm 2024 cơ hội phục hồi
Tin khác
Grab tung ưu đãi “khủng” để kết nối người dân với tuyến Metro số 1
TPHCM: 14 nhà ga của tuyến Metro số 1 đồng loạt mở cửa và sẵn sàng đón khách từ 10g ngày 22/12
Mất cân bằng tài chính từ trào lưu đốt tiền ‘xé túi mù’
'Cuộc chơi' của Temu tại VN: Từ rầm rộ đến dừng hoạt động
Idemitsu Kosan, Sagri và Lasuco hợp tác triển khai Dự án Giảm phát thải Carbon đầu tiên tại Việt Nam cho vùng nguyên liệu mía Lam Sơn
Tập đoàn Sev.en Global Investments công bố kế hoạch đầu tư chiến lược tại Việt Nam
Grab và DatVietVAC hợp tác nâng cao trải nghiệm dịch vụ tại Việt Nam
Cơ hội để doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng, tiêu dùng bền vững ngành hàng không
Nestlé Việt Nam đón nhận “Giải Vàng Chất lượng Quốc gia” lần thứ 2