An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Kon Tum: Thực hiện tốt chính sách trợ giúp người khuyết tật
12:06 PM 02/10/2024
(LĐXH)-Thời gian qua, cùng với việc chi trả đầy đủ, kịp thời chế độ chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các cấp, các ngành, đoàn thể và cá nhân trên địa bàn tỉnh Kon Tum còn đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong trợ giúp đối tượng người khuyết tật để họ giảm bớt khó khăn, ổn định cuộc sống.
Để thực hiện hiệu quả công tác trợ giúp đối với người khuyết tật (NKT), tỉnh Kon Tum tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức với những phương pháp, tài liệu phù hợp cho NKT nói riêng và người dân nói chung; tăng cường các hỗ trợ về phát triển sinh kế cho NKT cũng như tập huấn nâng cao năng lực cho NKT để có thể tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng chính sách; phối hợp với cấp Trung ương để hoàn thiện các hướng dẫn chuyên môn để thực hiện các chính sách liên quan; tập huấn cho các bộ phụ trách công tác hỗ trợ NKT từ tuyến xã/tuyến cơ sở. Chẳng hạn như, ngay từ đầu năm – tháng2/2024, Hội Bảo trợ NKT và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh đã phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng (ACDC) tổ chức lớp tập huấn kỹ năng hỗ trợ, chăm sóc NKT sống độc lập, hòa nhập cộng đồng. Tham gia lớp tập huấn, 30 NKT, 10 người thân trực tiếp chăm sóc NKT đã hiểu rõ hơn về khái niệm khuyết tật và hòa nhập khuyết tật, dạng tật và mức độ khuyết tật; được hướng dẫn kỹ năng hỗ trợ, chăm sóc NKT  tại gia đình; kỹ năng hỗ trợ người khuyết tât hòa nhập cộng đồng.
Cuộc họp “Rà soát về thực hiện chính sách và khuyến nghị cải thiện kế hoạch trợ giúp người khuyết tật” do Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng (ACDC) đã phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Kon Tum tổ chức 
Tiếp theo, tháng 6/2024, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh đã tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ công tác nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác NKT cấp cơ sở và người chăm sóc NKT tại cộng đồng năm 2024 trên địa bàn tỉnh. Tại lớp tập huấn, 90 cán bộ công chức xã hội cấp cơ sở và 47 người nhà chăm sóc NKT tại cộng đồng được tiếp thu các nội dung thực hiện chính sách, kỹ năng chăm sóc sức khoẻ, phục hồi chức năng cho NKT tại gia đình và cộng đồng, đáp ứng yêu cầu triển khai công tác NKT tại địa phương.
Đến tháng 8/2024, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Kon Tum (tỉnh Kon Tum) phối hợp với Hội Bảo trợ NKT và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh đã tổ chức tập huấn về kiến thức và kỹ năng cho học sinh khuyết tật. Tại chương trình, 30 trẻ khuyết tật được tham gia các trò chơi, như: Bịt mắt ăn bim bim, bắc cầu qua sông, kẹp bóng… Bên cạnh đó, các em được tham gia rung chuông vàng với nội dung kiến thức về quyền lợi dành cho NKT. Cùng với đó, Hội Bảo trợ NKT và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh cũng chia sẻ các vấn đề liên quan đến quyền lợi của trẻ khiếm khuyết đến thầy cô, phụ huynh. 
Bên cạnh việc nâng cao năng lực trong thực hiện công tác NKT, tỉnh Kon Tum đã thực hiện tốt các chế độ chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với người khuyết tật. Năm 2023, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Bưu điện tỉnh hướng dẫn liên ngành đến cấp huyện, thành phố tổ chức thực hiện chi trả trợ cấp xã hội hàng tháng cho 6.097 người; mua thẻ bảo hiểm y tế cho 7.256 NKT trên địa bàn tỉnh, hỗ trợ mai táng phí cho NKT khi chết; hỗ trợ dụng cụ chỉnh hình, phục hồi chức năng 139 NKT (trong đó Dự án Hòa nhập II hỗ trợ dụng cụ chỉnh hình cho 20 NKT). Tính đến cuối năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 469 NKT đang được nhận chăm sóc, nuôi dưỡng tại cộng đồng  và 193 NKT đang hưởng chính sách nuôi dưỡng, chăm sóc trong cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội trên địa bàn tỉnh.  Năm 2024, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các cơ quan liên quan lên kế hoạch và chuẩn bị các phần công việc tổ chức đón 32 đối tượng người tâm thần và rối nhiễu tâm trí đang gửi chăm sóc, nuôi dưỡng và phục hồi chức năng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Đắk Lắk về Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh Kon Tum (cơ sở 2, số 138 đường Bắc Cạn, phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum) để tiếp tục chăm sóc, nuôi dưỡng và phục hồi chức năng theo quy định từ ngày 01/11/2024.
Cùng với đó, các chính sách miễn giảm học phí, cấp học bổng và hỗ trợ chi phí học tập đối với học sinh khuyết tật được các trường thực hiện kịp thời, đảm bảo đầy đủ, đúng quy định. Người khuyết tật khi đi khám, chữa bệnh đều được ưu tiên khám, chăm sóc và điều trị. Trong đó, đặc biệt ưu tiên khám, chữa bệnh đối với NKT đặc biệt nặng, NKT nặng, trẻ em khuyết tật, người cao tuổi khuyết tật, phụ nữ khuyết tật có thai.
Nhiều hoạt động hỗ trợ, chăm lo giúp đỡ NKT đã được các cơ quan chức năng và cộng đồng xã hội tổ chức thường xuyên như: Chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng; cấp thẻ BHYT; tặng xe lăn, xe lắc, dụng cụ chỉnh hình, dạy nghề miễn phí; khám sàng lọc, tài trợ kinh phí phẫu thuật tim, sứt môi, hở hàm ếch cho trẻ khuyết tật; hỗ trợ nhà ở, dụng cụ sinh kế, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho NKT. Thực tế, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với ngành Y tế đã tích cực hướng dẫn các địa phương tăng cường thực hiện xác định mức độ khuyết tật và cấp giấy xác nhận khuyết tật cho NKT trên địa bàn tỉnh; Sở Y tế cùng Sở Lao động Thương binh và Xã hội và các Dự án cũng thường xuyên tổ chức khám sàng lọc NKT tại các địa bàn triển khai dự án, qua đó rà soát xác định số NKT hiện có trên địa bàn, xác định nhu cầu trợ giúp và nhu cầu cần hỗ trợ dụng cụ trợ giúp. Trên địa bàn toàn tỉnh đã thiết lập được mạng lưới phục hồi chức năng tại các tuyến, Bệnh viện Y dược cổ truyền - Phục hồi chức năng tỉnh được phân công hỗ trợ chỉ đạo tuyến lĩnh vực phục hồi chức năng; ứng dụng phần mềm quản lý NKT tại trạm y tế; lập hồ sơ quản lý sức khỏe; NKT được tập phục hồi chức năng tại nhà. Qua rà soát, cập nhật đến tháng 12 năm 2023, ngành Y tế đang quản lý 7.197 NKT; 100% NKT được lập hồ sơ quản lý sức khỏe toàn dân, khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm. 
Tại tỉnh Kon Tum, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, NKT tại các xã nghèo và huyện nghèo của tỉnh cũng được quan tâm được quan tâm trợ giúp pháp lý, NKT được tạo điều kiện thuận lợi nhất để tiếp cận với các công trình công cộng như: Trụ sở cơ quan nhà nước, công trình văn hóa, giáo dục, y tế... Năm 2023, có 235 lượt NKT được miễn giá vé. Hiện nay, tỷ lệ bến xe khách của tỉnh đảm bảo tiếp cận với NKT đạt 100%, trên địa bàn tỉnh KonTum có 29 phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, các đơn vị vận tải đã bố trí chỗ ngồi thuận tiện cho người khuyết tật và có nhân viên phục vụ, lái xe trợ giúp khi NKT tham gia giao thông.
Với sự chung tay chăm lo giúp đỡ NKT của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân trong toàn tỉnh, các chính sách quan tâm đến nhóm người yếu thế, NKT của tỉnh Kon Tum luôn được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, nhờ đó NKT đã có thêm điều kiện thuận lợi và sự tự tin vươn lên trong cuộc sống, từng bước hòa nhập với cộng đồng và đóng góp thêm nhiều giá trị của mình cho xã hội./.
Minh Hằng
TAG: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Kon Tum
Tin khác
Dữ liệu giám sát hành trình ôtô sẽ do Cục CSGT quản lý
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng gặp mặt cán bộ hưu trí phía Nam mừng Xuân Ất Tỵ
Hội đồng hương Nghệ An tại TP.HCM trao 500 triệu đồng ủng hộ người nghèo tỉnh Nghệ An đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
Công viên 3.500 tỷ đồng tại Hà Nội thành hình
Năm 2024: Cục Bảo trợ xã hội thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách trợ giúp xã hội
VNeTraffic dẫn đầu về lượt tải về trên App Store
Xe mô tô, xe máy được phép cải tạo từ tháng 1/2025
Herbalife Việt Nam tài trợ Chương trình “Chào Năm Mới 2025” tại Hà Nội để khuyến khích lối sống năng động lành mạnh
Lào Cai: Hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp thông tin, giảm nghèo hiệu quả