Phòng, chống TNXH
Trang chủ / Xã hội / Phòng, chống TNXH
Khánh Hòa thực hiện hiệu quả nhiều mô hình tạo sinh kế, giảm hại tệ nạn mại dâm đối với cộng đồng
03:50 PM 27/08/2020
(LĐXH)-5 năm qua, công tác phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động mại dâm trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Tuy vậy, thời gian tới, dự báo loại hình tệ nạn này sẽ có những diễn biến phức tạp, cần tăng cường công tác phòng, chống, giảm tác hại đối với cộng đồng.
Theo số liệu thống kê, cuối năm 2016, trên địa bàn toàn tỉnh có 2.304 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm (nhà nghỉ, khách sạn, nhà trọ...), số nhân viên hơn 4.000 người. Đến giữa năm 2020, toàn tỉnh chỉ còn 1.651 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Giai đoạn 2016 - 2020, lực lượng công an các cấp chủ động phòng ngừa, tích cực đấu tranh triệt xóa các tụ điểm phức tạp về tệ nạn mại dâm và tội phạm liên quan đến mại dâm; tiến hành rà soát các địa bàn trọng điểm, nhóm người đang hoạt động mại dâm để có biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn tội phạm liên quan đến mại dâm; thường xuyên phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, tiến hành kiểm tra, tuần tra truy quét các đối tượng hoạt động mại dâm, nhất là ở các địa bàn trọng điểm dễ phát sinh tệ nạn mại dâm, khu vực giáp ranh. Cụ thể, từ năm 2016 đến nay, lực lượng chức năng toàn tỉnh đã phát hiện 21 vụ vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm với 123 đối tượng liên quan; khởi tố 21 vụ với 31 bị can về hành vi chứa, môi giới mại dâm; xử phạt hành chính 92 đối tượng với số tiền hơn 56 triệu đồng. Trên 95% vụ án sơ thẩm và phúc thẩm liên quan đến tội phạm mại dâm được thụ lý đã giải quyết, xét xử nhằm răn đe, giáo dục, góp phần quan trọng trong công tác phòng ngừa và ngăn chặn tệ nạn mại dâm.
Các cô gái bán dâm trong một khách sạn ở Nha Trang bị lực lượng chức năng phát hiện.
Đặc biệt, Chương trình hành động phòng, chống mại dâm của UBND tỉnh, giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh tập trung can thiệp phòng ngừa, giảm tác hại và hỗ trợ quản lý người bán dâm, người có hành vi nguy cơ cao tại cộng đồng. Các cơ quan chức năng cũng đã triển khai các hoạt động can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm các bệnh xã hội và HIV/AIDS, phòng ngừa, giảm tình trạng bạo lực trên cơ sở giới trong công tác phòng, chống mại dâm. 5 năm qua, lực lượng chức năng đã tiếp cận, tư vấn và chuyển gửi hơn 300 lượt người bán dâm, người có nguy cơ cao, sử dụng có hiệu quả các dịch vụ can thiệp giảm hại tại cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội và tại cộng đồng, như: Trợ giúp xã hội, can thiệp về y tế, hỗ trợ pháp lý, dạy nghề, tạo việc làm.

Thực hiện Quyết định số 679/QĐ-TTg ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc chú trọng đến trợ giúp người bán dâm, nghiện ma túy có cơ hội thay đổi cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, Chi Cục Phòng chống tện nạn xã hội Khánh Hòa đã triển khai xây dựng nhiều CLB Niềm tin. Các CLB này quy tụ những người lầm lỡ để giúp họ định hướng lại cuộc sống, nghề nghiệp. 

Mỗi CLB sẽ được chính quyền cử đại diện Hội phụ nữ, đại diện ngành y tế tham gia tư vấn hướng làm ăn, hướng hòa nhập cộng đồng, làm thủ tục vay vốn và các biện pháp chữa trị bệnh tật.

Các CLB Niềm tin sẽ làm đầu mối tạo vốn, vay vốn, chữa bệnh, tạo cách làm ăn để các đối tượng làm lại cuộc đời.

Theo Chi Cục phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh, hiện Khánh Hòa đã triển khai nhiều mô hình hiệu quả như: Mô hình hỗ trợ sinh kế cho người lầm lỡ, Mô hình tái hòa nhập cộng đồng; Mô hình chuyển đổi giáo dục, chữa trị và hỗ trợ cho người bán dâm tại cộng đồng, 4 CLB Niềm tin... Ngoài ra còn trang bị các kỹ năng phòng tránh những rủi ro bệnh tật, cưỡng bức, xâm hại tình dục.
Hoạt động truyền thông của Mô hình tại phường Phước Long, thành phố Nha Trang
Để nâng cao kỹ năng nhằm xóa nhòa kỳ thị đối với người lầm lỡ, các CLB Niềm tin trong tỉnh Khánh Hòa còn thường xuyên tổ chức các sinh hoạt định kỳ và các buổi giao lưu với các hội, đoàn thể và người dân tại địa phương, nội dung sinh hoạt đa dạng và sinh động; ngoài hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, tư vấn can thiệp giảm hại còn dạy nghề, mở rộng giao lưu với các mô hình CLB hiệu quả từ các tỉnh khác.

Chỉ trong một thời gian ngắn, có trên 60 đối tượng lầm lỡ được vay vốn ưu đãi với số tiền trên 1,4 tỉ đồng, bình quân mỗi đối tượng được vay hơn 20 triệu. Sau khi trang bị vốn, các cán bộ còn xuống tận địa phương hướng dẫn cách làm ăn nên 95% số đối tượng đã sử dụng hiệu quả vốn vay đúng mục đích để kinh doanh buôn bán nhỏ (cà phê, quán ăn), chăn nuôi, nghề thủ công.
 
Bên cạnh đó, năm 2019, tỉnh Khánh Hòa đã triển khai thí điểm mô hình phòng chống mại dâm với 02 mô hình là Mô hình Hỗ trợ tăng cường năng lực nhóm đồng đẳng của người bán dâm trong việc tiếp cận, truyền thông và can thiệp giảm hại phòng, chống bạo lực giới và Mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người bán dâm tại cộng đồng, cơ sở trợ giúp xã hội.

Tỉnh đã chọn thành phố Nha Trang và thiết lập nhóm đồng đẳng gồm 7 người bán dâm. Nhóm đồng đẳng được tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm, cách thức, kỹ năng tiếp cận, tuyên truyền, vận động, can thiệp. Bên cạnh đó, Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội là cơ quan tham mưu triển khai mô hình đã kết nối với các cơ sở y tế, trung tâm trợ giúp pháp lý, công ty dịch vụ pháp lý, cơ sở dạy nghề, trung tâm công tác xã hội, các ngành, đoàn thể… cùng tham gia hỗ trợ khảo sát thông tin, lập bản đồ cung cấp các dịch vụ can thiệp giảm hại. Trên cơ sở đó, các thành viên của nhóm đồng đẳng từng bước bám địa bàn, tiếp cận những người bán dâm và người có nguy cơ cao về bán dâm để tuyên truyền, vận động tham gia sinh hoạt nhóm. Chỉ sau một thời gian ngắn, bằng các biện pháp, kỹ năng được đào tạo, các thành viên của nhóm đồng đẳng đã tiếp cận và kết nối với hơn 150 người bán dâm. 

Hàng tháng, nhóm sinh hoạt định kỳ để tư vấn các dịch vụ giảm hại về y tế, pháp lý, bảo trợ xã hội, dạy nghề, việc làm, sinh kế… Từ đó, tạo sự tự tin, cởi mở của các thành viên trong nhóm, qua đó chia sẻ những khó khăn, vướng mắc và được các chuyên gia, lãnh đạo các ngành chức năng tư vấn, tháo gỡ, hỗ trợ. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, việc can thiệp giảm hại đã từng bước thức tỉnh những người bán dâm và người có nguy cơ cao dần thay đổi hành vi, từ bỏ công việc và hoàn lương. Thông qua mô hình đã kịp thời hỗ trợ cho hơn 100 người bán dâm tiếp cận sử dụng dịch vụ về y tế, tư vấn sức khỏe, thăm khám và điều trị các bệnh phụ khoa, phòng tránh lây nhiễm HIV. Đồng thời, có hơn 30 người được hỗ trợ về pháp lý như: làm mới, khôi phục, thay thế giấy tờ tùy thân. Đặc biệt, có hơn 20 người được tư vấn học nghề phù hợp để chuyển đổi công việc và đã có 14 người đăng ký học nghề làm bánh, tạo sinh kế mới, hoàn lương, từ bỏ bán dâm. 

Theo đánh giá của các cơ quan quản lý và các cơ quan tham gia phối hợp thực hiện mô hình: Bước đầu mô hình đã cho thấy hiệu quả rõ rệt. Từ việc tiếp cận với những người bán dâm ban đầu luôn gặp nhiều khó khăn. Song, thông qua mô hình, các ngành chức năng đã có thể sớm tiếp cận được với nhiều người bán dâm và có nguy cơ cao. Chính các thành viên của nhóm đồng đẳng là chiếc cầu nối, kêu gọi những người bán dâm tham gia sinh hoạt để tuyên truyền nâng cao nhận thức, thức tỉnh họ hoàn lương. Ngoài những kết quả trên, mô hình kịp thời can thiệp, hỗ trợ khẩn cấp cho hơn 10 người bị bạo lực, bạo hành. Bên cạnh đó, thông qua việc triển khai mô hình đã tạo dựng môi trường giảm hại, vận động thực hiện các chính sách giúp hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm. Từ các cuộc đối thoại, sinh hoạt, những người bán dâm chia sẻ những khó khăn, rào cản khi tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ xã hội, y tế... để từ đó các ngành chức năng từng bước điều chỉnh, thay đổi cho phù hợp, tạo điều kiện cho những người bán dâm thay đổi hành vi, hoàn lương. 

Mô hình phòng, chống mại dâm tại cộng đồng đã huy động được sự tham gia có trách nhiệm từ các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương trong việc triển khai can thiệp giảm hại và hỗ trợ xã hội. Với sự hỗ trợ kịp thời về kỹ thuật, kỹ năng của các chuyên gia đã thu hút được các đồng đẳng viên tham gia. Đặc biệt, mô hình đã từng bước tiếp cận được với những người bán dâm, từ đó tuyên truyền, vận động và giúp họ tiếp cận các dịch vụ giảm hại, nâng cao nhận thức để từ bỏ hành vi. Cùng với đó, kết hợp các chính sách hỗ trợ sinh kế cho người bán dâm để chuyển đổi hành vi, tạo sự đồng thuận và xóa bỏ sự kỳ thị đối với người bán dâm. Với những kết quả khả quan bước đầu của 02 mô hình đem lại, thời gian tới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các ngành chức năng sẽ tiếp tục tham mưu cho tỉnh tiếp tục triển khai và nhân rộng trên toàn tỉnh./.

Thùy Minh
TAG:
Tin khác
Quét mã QR trên Cổng Thông tin điện tử nhân đạo quốc gia để ủng hộ người khuyết tật, trẻ mồ côi
Nam Định: Đổi mới công tác bảo hiểm xã hội, góp phần bảo vệ quyền lợi của người lao động
Kết quả thực hiện công tác phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán ở Long An
Hiệu quả mô hình “Tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng” ở Đồng Nai
Herbalife Việt Nam đồng hành cùng Báo Tuổi Trẻ tổ chức Cuộc Thi Lan Tỏa Năng Lượng Tích Cực lần thứ năm liên tiếp
Chương trình Đi bộ từ thiện Đinh Thiện Lý: 20 năm những bước chân chia sẻ
TP.HCM: Người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH được nhận gộp lương 2 tháng trước Tết
Quảng Ngãi nâng cao năng lực cho tình nguyện viên phòng, chống mua bán người
'Tháp Eiffel bốc cháy': Cách phân biệt tin giả thời AI