Xã hội
Trang chủ / Xã hội / Xã hội
Huyện Đơn Dương nỗ lực giảm nghèo bền vững
09:28 AM 29/11/2024
(LĐXH) - Thời gian qua, huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) đã tập trung huy động nhiều nguồn lực để triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2024, với mục tiêu giảm nghèo đa chiều theo hướng bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh hộ nghèo.
Sản xuất cây giống cà chua chất lượng cao ở vùng nông nghiệp công nghệ cao xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương

Qua đó, với quyết tâm và sự nỗ lực của các cấp, các ngành, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo của huyện đã giảm rõ rệt, đời sống người dân được nâng cao, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện phát triển. Tính đến nay toàn huyện không còn hộ nghèo, chỉ còn 196 hộ cận nghèo, trong đó hộ nghèo dân tộc thiểu số là 115 hộ.

Theo thống kê trong 5 năm vừa qua, huyện Đơn Dương đã thực hiện hơn 17,8 tỷ đồng lồng ghép các nguồn vốn giảm nghèo bền vững trên địa bàn. Trong đó, gần 14,8 tỷ đồng hỗ trợ UBND các xã, thị trấn đầu tư xây dựng mới 58 công trình, duy tu bảo dưỡng 4 công trình. Đồng thời, địa phương còn hỗ trợ 3 tỷ đồng đâu tư, nhân rộng mô hình phát triển sản xuất, đa dạng hoá sinh kế cho 322 hộ nghèo và hộ cận ngèo thuộc 14 thôn đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, huyện đã tổ chức 6 lớp tập huấn công tác truyền thông về giảm nghèo, thu hút trên 900 cán bộ cấp xã, thôn, tổ dân phố và hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia. Đến nay 100% xã/thông được phủ song phát thanh truyền hình, đặc biệt 35/35 thôn đồng bào dân tộc thiểu số có mạng internet, nhà sinh hoạt cộng đồng.

Bên cạnh đó, công tác giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng đồng bào DTTS được địa phương chú trọng. Ngoài quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất, mạng lưới trường lớp phù hợp tạo điều kiện cho con em DTTS đến trường thuận lợi, huyện cũng thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, đào tạo trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, đào tạo nghề cho học sinh là người đồng bào DTTS. Cùng với đó, địa phương luôn quan tâm người nghèo, đồng bào DTTS ở vùng khó khăn được cấp thẻ Bảo hiểm y tế miễn phí; 100% xã có trạm y tế, số trạm y tế có bác sĩ đạt 100%, đảm bảo khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân. 

Hiện nay, huyện Đơn Dương có 6/8 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh. Kết quả đạt được trong phong trào xây dựng nông thôn mới khẳng định sự quyết tâm cao của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự đóng góp to lớn của Nhân dân, trong đó có đồng bào DTTS đã hưởng ứng tham gia đóng góp ngày công, góp hàng chục tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn; nhiệt tình tham gia các phong trào “thi đua sản xuất”, “giảm nghèo bền vững”...

Ông Phạm Quang Hoàng, Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Đơn Dương cho biết, thời gian qua, huyện Đơn Dương cũng thực hiện đồng bộ các chính sách về vay vốn, giúp người dân dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi. Ngoài ra, các ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương tích cực hỗ trợ người dân áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất - kinh doanh, trồng chọt, chăn nuôi. Từ những kiến thức được trang bị tại các lớp dạy nghề, tập huấn cùng với các nguồn vốn vay, nhiều mô hình phát triển kinh tế được triển khai thực hiện hiệu quả, giúp các gia đình có hoàn cảnh khó khăn dần ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Huyện Đơn Dương nỗ lực giảm nghèo bền vững

Riêng 9 tháng đầu năm 2024, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội đã tham mưu cho huyện ban hành các văn bản, quyết định và kế hoạch để triển khai công tác giảm nghèo như: Văn bản số 796/UBND-LĐTBXH ngày 16/5/2024 đề nghị hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà tình thương cho 5 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Đơn Dương năm 2024 gồm: xã Đạ Ròn 02 hộ,  xã Ka Đơn 01 hộ, xã Lạc Xuân 01 hộ, thị trấn D’Ran 01 hộ; mỗi hộ là 60.000.000 đồng. Đến nay đã có 04/5 căn đã hoàn thành, 01 căn ở xã Lạc Xuân đang xây dựng.

Đồng thời, ban hành Quyết định về việc thành lập Tổ thẩm định và Bộ phận giúp việc tổ chức đánh giá thẩm định Dự án 2: Đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc CT MTQG GN bền vững giai đoạn 2021-2025 trên đạ bàn huyện Đơn Dương; Kế hoạch về thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024 trên địa bàn huyện; Kế hoạch về rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có mức sống trung bình trên địa bàn huyện cuối năm 2024; Lập danh sách chi trả trợ cấp tết cho hộ cận nghèo 132 hộ, mỗi hộ 600.000 đồng/hộ với tổng số tiền là 79.200.000 đồng. Ngoài ra, trong 9 tháng đầu năm 2024, huyện Đơn Dương còn tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo, công tác xã hội, công tác bình đẳng giới năm 2024 trên địa bàn huyện Đơn Dương.

Bên cạnh đó, trong 9 tháng đầu năm, địa phương còn phối hợp với UBND các xã, thị trấn, Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh Lâm Đồng tổ chức tư vấn, tuyên truyền, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động và đào tạo nghề cho lao động hộ cận nghèo, hộ nghèo đồng bào dân tộc trên địa bàn các xã, thị trấn. Tính đến cuối tháng 9 năm 2024, huyện đã thực hiện 10 buổi/10 xã, thị trấn với trên 500 người tham gia. Đồng thời, phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội cho vay từ Quỹ Quốc gia về việc làm 427 dự án với số tiền là 24,2 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho trên 450 người. Ngoài ra, huyện Đơn Dương còn tổ chức 2 lớp đào tạo nghề cho lao động nôn thôn, với 51 học viên tham gia học các nghề như: Kỹ thuật làm bánh, Sửa chữa máy nông nghiệp, kỹ thuật chế biến món ăn, Kỹ thuật pha chế đồ uống, Chăm sóc sắc đẹp… tại các thôn/xã như: xã Pró, xã Ka Đơn, xã Đạ Ròn, xã Lạc Lâm…, 100% lao động sau khi học nghề đều có việc làm và tự tạo việc làm, tăng thu nhập và ổn định cuộc sống cho lao động địa phương, góp phần vươn lên thoát nghèo bền vững.

Theo đại diện lãnh đạo huyện Đơn Dương cho biết: Huyện xác định công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Chính vì vậy, địa phương luôn chú trọng tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững ở các cấp, các ngành từ khâu chuẩn bị đến thực hiện dự án nhằm đảm bảo thực hiện đúng mục tiêu, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, lãng phí trong quá trình thực hiện; huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực thuộc Chương trình. Trong giai đoạn qua, Tổng kinh phí phân bổ nguồn vốn từ ngân sách Trung ương (năm 2021 - 2023) cho địa phương là 3,777 tỷ đồng, năm 2022 đã giải ngân 100%; năm 2023, kinh phí phân bổ là 3,583 tỷ đồng địa phương đã triển khai có hiệu quả. Để thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững, hằng năm huyện đều lập phương án và cân đối nguồn sự nghiệp kinh tế để hỗ trợ hộ nghèo thoát nghèo; đồng thời, phối hợp Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện tổ chức tốt cuộc vận động Quỹ Vì người nghèo hàng năm.

Lãnh đạo huyện Đơn Dương cũng cho biết, bên cạnh đã đạt nhiều thành tựu vượt bậc trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; dù số hộ nghèo và hộ cận nghèo còn chiếm rất thấp. Song, để thực hiện đề án xây dựng NTM kiểu mẫu về nông nghiệp công nghệ cao, theo hướng thông minh huyện Đơn Dương đang tiếp tục nỗ lực, quyết liệt trên một số lĩnh vực chủ yếu. Trong đó, giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo và tập trung, lồng ghép thực hiện hiệu quả các nguồn lực phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi là tâm huyết của địa phương.

Để thực hiện được mục tiêu trên, thời gian tới, cấp ủy đảng, chính quyền huyện tiếp tục thực hiện linh hoạt, hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các chính sách giảm nghèo; tạo điều kiện để các hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận và thụ hưởng đầy đủ các nguồn vốn vay ưu đãi, kinh nghiệm sản xuất để phát triển kinh tế gia đình.

Ngoài ra, huyện tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp trọng tâm như: tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục giúp nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống đồng bào các DTTS; tập trung tái cơ cấu nông nghiệp, thu hút đầu tư, khuyến khích các doanh nghiệp phát triển nông nghiệp ở vùng đồng bào DTTS, tạo ra chuỗi liên kết các nguồn lực đầu tư. Địa phương triển khai thực hiện tốt các chính sách, dự án giảm nghèo, tập trung ổn định định canh định cư; tăng cường củng cố xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh Nhân dân vững chắc…/.

Vương Linh

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

TAG: Huyệnh Đơn Dương Lâm Đồng nhiều mô hình thoát nghèo bền vững
Tin khác
Lạng Sơn: Hỗ trợ cải thiện dinh dưỡng, giúp giảm nghèo bền vững
Huyện Lộc Hà: Thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo
Huyện Bắc Sơn: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn Chương trình giảm nghèo
Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam gặp mặt các nhà tài trợ đồng hành cùng trẻ em khó khăn
Phú Thọ đẩy nhanh tiến độ thu nhận mẫu ADN cho thân nhân liệt sĩ
Hà Tĩnh: Chú trọng công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2024
Trách nhiệm và nghĩa tình ở vùng đất cách mạng Trường Sơn
Cẩm Xuyên: Tạo sinh kế bền vững cho người nghèo
Người thầy thuốc bước ra từ cửa phật, lan tỏa yêu thương giữa đời