An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Hỗ trợ người nghèo có việc làm, phát triển sản xuất, tạo thu nhập ổn định ở huyện miền núi Định Hóa
09:30 AM 29/11/2024
(LĐXH) - Trong 03 năm (2022-2024), huyện Định Hóa (tỉnh Thái Nguyên) được phân bổ hơn 2 tỷ đồng hỗ trợ việc làm bền vững cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Huyện tổ chức các Phiên giao dịch việc làm lưu động tại các địa phương trên địa bàn
Trong đó năm 2022 là 276 triệu đồng; năm 2023 là 730 triệu đồng; năm 2024 là 1 tỷ đồng. Tính đến tháng 6/2024, số kinh phí đã giải ngân là 983 triệu đồng, trong đó: Năm 2022 giải ngân 270 triệu đồng; 2023 giải ngân 712 triệu đồng; 6 tháng đầu năm 2024 giải ngân 220 triệu đồng; ước cả năm 2024 giải ngân 1 tỷ đồng.
Kết quả thực hiện từng nội dung: Trong năm 2022, huyện đã tổ chức 01 ngày hội việc làm với khoảng 2.500 người lao động tham gia, trong đó: Người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo là trên 1.500 người. Tổ chức 10 phiên giao dịch việc làm với khoảng 1.000 người tham gia, trong đó: Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo là trên 630 người. Năm 2023, tổ chức 01 ngày hội việc làm với 2.500 người tham gia, trong đó: Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo là trên 1.000 người. Tổ chức 22 phiên giao dịch việc làm với khoảng 1.700 người, trong đó: Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo là trên 550 người. Quản lý lao động gắn với cơ sở dữ liệu về dân cư cho 68.529 người lao động.
Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội được giao chủ trì thực hiện Tiểu dự án đã triển khai các nhiệm vụ như: Xây dựng cơ sở dữ liệu cung - cầu lao động; tổ chức điều tra dữ liệu lao động để quản lý, tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác; tổ chức các phiên giao dịch việc làm; hỗ trợ kết nối việc làm thành công (có giao kết hợp đồng lao động) cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.
Tham gia Phiên giao dịch việc làm, người lao động có cơ hội lựa chọn ngành nghề, việc làm phù hợp
Theo Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Định Hóa, để triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, UBND huyện đã ban hành quyết định thành lập Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia; thành lập Tổ công tác thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Các xã, thị trấn đều thành lập Ban quản lý thực hiện Chương trình cấp xã. Ban hành Kế hoạch số 201/KH-UBND ngày 23/8/2022 về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Định hằng năm (năm 2022, 2023, 2024).
Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia của huyện thực hiện công tác chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, bám sát tình hình thực tế để tổ chức thực hiện phù hợp. UBND huyện Định Hóa phân công các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện các nội dung của Chương trình. Các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn của huyện đã phối hợp tốt trong xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện các dự án, tiểu dự án, hoạt động của Chương trình.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, huyện phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân năm 2022 là 6,0%; hộ cận nghèo 3,06%; đến cuối năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm xuống dưới 10%; các năm tiếp theo, mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 1,2% trở lên; tỷ lệ hộ cận nghèo giảm hàng năm từ 1,0% trở lên.
Với sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong toàn huyện, huyện Định Hóa đã nghiên cứu, xác định rõ nguyên nhân nghèo của các hộ và các giải pháp giảm nghèo phù hợp, bền vững. Công tác giảm nghèo của huyện Định Hóa đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Năm 2022, huyện giảm tỷ lệ nghèo đa chiều 15,95%; năm 2023 giảm tỷ lệ nghèo đa chiều 6,30%. Tính đến cuối năm huyện còn 1.432 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 5,42%; 1.204 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 4,56%.
Về mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, huyện Định Hóa đã huy động các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội của huyện, xây dựng huyện Định Hóa đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Tập trung chỉ đạo thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, tăng cường đầu tư cơ giới vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Quan tâm phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã, ngành nghề, làng nghề, xây dựng thương hiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Toàn huyện hiện có 24 làng nghề, làng nghề truyền thống, hơn 3.600 cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể, 49 hợp tác xã đang hoạt động. Bằng việc thực hiện nhiều giải pháp, đến cuối năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của toàn huyện đạt 45,86 triệu đồng/người/năm.
Bên cạnh đó, huyện đã xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông”. Huy động các nguồn lực, sử dụng hiệu quả kinh phí của các chương trình mục tiêu quốc gia để tổ chức đào tạo nghề cho người lao động. Kết quả: 99,20% (16.732 trẻ/16.880 trẻ) trẻ em đi học đúng độ tuổi. Tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện là 74,33%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ là 31,03%. Tỷ lệ người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo qua đào tạo là 67,13% (3.805 người/5.668 người), trong đó có bằng cấp chứng chỉ là 25,81% (1.463 người/5.668 người).
Có thể nói, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được thực hiện trong thời gian qua đã đạt được những hiệu quả nhất định, giúp người nghèo có việc làm, phát triển sản xuất, tạo thu nhập ổn định, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện. UBND huyện Định Hóa đề xuất với các cấp có thẩm quyền tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trong giai đoạn 2026 - 2030 với một số điểm điều chỉnh so với giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó, kinh phí thực hiện Chương trình trong giai đoạn 2026 - 2030 được đảm bảo từ kinh phí trung ương; tỉnh và huyện không thực hiện đối ứng. Tổng kinh phí thực hiện Chương trình hằng năm là 8 tỷ đồng, trong đó đối với Dự án 4: Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững, kinh phí 1,5 tỷ đồng (Tiểu dự án 1: Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn là 1 tỷ đồng; Tiểu dự án 3: Dự án hỗ trợ việc làm bền vững 500 triệu đồng)./.

Minh Anh



 
TAG:
Tin khác
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng gặp mặt cán bộ hưu trí phía Nam mừng Xuân Ất Tỵ
Hội đồng hương Nghệ An tại TP.HCM trao 500 triệu đồng ủng hộ người nghèo tỉnh Nghệ An đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
Công viên 3.500 tỷ đồng tại Hà Nội thành hình
Năm 2024: Cục Bảo trợ xã hội thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách trợ giúp xã hội
VNeTraffic dẫn đầu về lượt tải về trên App Store
Xe mô tô, xe máy được phép cải tạo từ tháng 1/2025
Herbalife Việt Nam tài trợ Chương trình “Chào Năm Mới 2025” tại Hà Nội để khuyến khích lối sống năng động lành mạnh
Lào Cai: Hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp thông tin, giảm nghèo hiệu quả
An Giang: Những đề xuất bổ sung chế độ, chính sách ưu đãi nhằm chăm lo tốt hơn đối với người có công