Tài chính - Bất động sản
Trang chủ / Kinh tế / Tài chính - Bất động sản
Để hoàn thiện hệ sinh thái phát triển Fintech tại Việt Nam
10:31 PM 23/11/2023
(LĐXH)- Làm thế nào để phát triển công nghệ tài chính (Fintech), để Việt Nam không bị lạc hậu so với các nước trong khu vực và thế giới trong thời đại cách mạng 4.0 và số hóa nền kinh tế là chủ đề được các chuyên gia đề cập và thảo luận xuyên suốt tại Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề: “Hoàn thiện hệ sinh thái phát triển Fintech tại Việt Nam” do Trường Đại học Đại Nam tổ chức ngày 22/11/2023.
Hội thảo khoa học quốc tế do Khoa Tài chính Ngân hàng trường Đại học Đại Nam và Phòng Quản lý Khoa học phối hợp cùng trường Đại học Á Châu, Đài Loan tổ chức.
Đây là cơ hội giúp các nhà khoa học và sinh viên gặp gỡ, giao lưu với các diễn giả nổi tiếng như: Mr. Hessel Abbink Spaink (Hà Lan), Mr. Maxx Tsai (Đài Loan), Mrs. Vaz, Elishia, Benchmark Suite (Mỹ), Dr. Hans Chen (Đài Loan), Prof. Tsang, Đại học Monash (Úc),…

TS. Lê Đắc Sơn, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Đại Nam phát biểu khai mạc Hội thảo.

Hội thảo thu hút sự tham gia của các diễn giả: Ông Nguyễn Hải Nam - Uỷ viên thường trực, Uỷ ban Kinh tế Quốc hội; TS. Nguyễn Tú Anh - Giám đốc trung tâm thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương, TS. Vũ Nhữ Thắng - Phụ trách Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia; Bà Nguyễn Thị Minh Ngân - Thanh tra Ngân hàng Nhà nước Thành phố Hà Nội; TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế, Viện trưởng Viện Đào tạo và Nghiên cứu Ngân hàng BIDV,… 
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Lê Đắc Sơn, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Đại Nam khẳng định ưu thế và xu hướng phát triển tất yếu của công nghệ tài chính (Fintech) trên thế giới cũng như tại Việt Nam trong những năm gần đây. 
Quang cảnh hội thảo.
TS Lê Đắc Sơn chỉ rõ ba mục tiêu cơ bản mà Hội thảo hướng đến: Một là tạo ra diễn đàn cho các nhà khoa học, nhà quản lý, nghiên cứu sinh và các học giả trình bày các nghiên cứu, đánh giá thực trạng về sự phát triển Fintech trên thế giới và những bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam; Hai là để nhận diện những khó khăn vướng mắc trong hoạt động của các công ty Fintech, các ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp đã, đang và sẽ áp dụng các sản phẩm Fintech, từ đó đề xuất các giải pháp và khuyến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ cho sự phát triển của Fintech tại Việt Nam; Ba là, triển khai nghiên cứu và phát triển các chương trình đào tạo về công nghệ tài chính Fintech tại các trường đại học, trong có Trường Đại học Đại Nam, sẽ thực hiện từ năm 2024.  
Để đạt được mục tiêu đề ra, Hội thảo đã tiến hành 3 phiên thảo luận về các vấn đề của hệ sinh thái fintech. Tại phiên thứ nhất, các đại biểu đã cung cấp một cách tổng quan về Fintech với những cơ hội, thách thức và kinh nghiệm quốc tế được trình bày bởi các chuyên gia đầu ngành trong nước và nước ngoài đến từ Ấn Độ, Đài Loan và Hà Lan.  
TS. Cấn Văn Lực chia sẻ tại Hội thảo.
Phiên thứ hai, các đại biểu là các chuyên gia, các nhà khoa học và các đại biểu đến từ các cơ quan lãnh đạo và quản lý nhà nước trình bày, thảo luận về thể chế và chính sách của Việt Nam đối với thị trường Fintech; đồng thời đưa ra những khuyến nghị hoàn thiện.
Ở phiên thảo luận mở thứ 3, các đại biểu tập trung bàn về tiềm năng và động lực cũng như các giải pháp thúc đẩy sự phát triển của Fintech tại Việt Nam. Tại đây, các nội dung được đề cập đến: hoàn thiện hành lang pháp lý và đề xuất chính sách với Chính phủ, thúc đẩy sự hợp tác giữa ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp với các công ty công nghệ Fintech, tăng cường quản trị rủi ro cũng như tăng cường số lượng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển Fintech tại Việt Nam.
Hội thảo đã tiếp nhận được 108 bài viết của các nhà khoa học, các nhà quản lý, các chuyên gia Fintech trong và ngoài nước, các nhà quản lý và các chuyên gia Fintech. Các bài viết nghiên cứu đều tập trung khai thác các vấn đề chính của chủ đề chủ đề Hội thảo, như hoàn thiện hành lang pháp lý và đề xuất chính sách với Chính phủ, thúc đẩy sự hợp tác giữa ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp với các công ty công nghệ Fintech, tăng cường quản trị rủi ro cũng như tăng cường số lượng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển Fintech tại Việt Nam, TS Lê Đắc Sơn chia sẻ.
Tham gia chia sẻ tại Hội thảo, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV và thành viên tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho biết: Thực trạng Fintech ở Việt Nam hiện có những bước phát triển nhanh cả về số lượng, sự đa dạng trong sản phẩm, dịch vụ và thu hút vốn đầu tư. Số lượng các Fintech startups tại VN tăng khá nhanh, từ khoảng 40 công ty vào cuối năm 2016 lên đến khoảng 176 công ty ở thời điểm cuối năm 2022. Các ĐCTC tại Việt Nam tích cực đầu tư cho chuyển đổi số, đặc biệt là các ngân hàng thương mại.
Hội thảo là cơ hội giúp các nhà khoa học và sinh viên gặp gỡ, giao lưu với các diễn giả nổi tiếng ở trong và ngoài nước.
Theo TS Cấn Văn Lực, hiện nay, thực trạng quản lý Fintech tại Việt Nam đang theo cách tiếp cận chờ đợi và quan sát. So với các lĩnh vực Fintech khác, lĩnh vực thanh toán có hành lang pháp lý được phát triển sớm và đầy đủ hơn. Với các lĩnh vực Fintech còn lại, thì các quy định pháp lý nằm rải rác trong các văn bản, còn lỗ hổng chồng chéo.
Về ứng dụng các công nghệ mới tại các ĐCTC, các quy định pháp lý liên quan còn chậm ban hành, dẫn đến việc các ĐCTC Việt Nam còn khá chậm trong việc ứng dụng những công nghệ tiên tiến, xây dựng, khai thác và chia sẻ dữ liệu. Gần đây, Việt Nam đang dần chuyển sang sử dụng cách tiếp cận thử nghiệm và học hỏi (như cho phép e-KYC, cho vay bằng phương tiện điện tử, mobile money…)
TS Cấn Văn Lực kiến nghị với Quốc hội, chính phủ và các bộ ngành nên sớm chuyển đổi cách tiếp cận “chờ đợi và quan sát” sang cách tiếp cận chủ động hơn. Kinh nghiệm quốc tế (đặc biệt tại Philipines và Kenya) cho thấy Việt Nam có thể dùng cách tiếp cận “thử nghiệm và học hỏi” để quản lý Fintech.
Thứ hai là, Việt Nam cần đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, khung pháp lý: Sớm hoàn thiện cơ chế Sandbox hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng và nhân rộng sang lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm và lĩnh vực khác; tổng kết hoạt động Mobile Money để có quyết sách tiếp theo. Đồng thời, nên có một cơ quan chủ trì đầu mối quản lý (Ủy ban liên ngành chẳng hạn) để đơn giản hóa thủ tục, xây dựng quy định một cách đồng bộ, nhất quán.
Thứ ba, Việt Nam nên nghiên cứu xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo Fintech theo mô hình doanh nghiệp với sự kết hợp giữa Chính phủ và khu vực tư nhân. Đồng thời quan tâm phát triển hạ tầng số như 5G, các công nghệ số (đám mây, AI, Blockchain…); quản lý an ninh mạng, an toàn dữ liệu; thúc đẩy giáo dục tài chính…
Đối với các ĐCTC và Fintech, theo TS Cấn Văn Lực, cần chủ động có kế hoạch chuẩn bị và phân bổ nguồn lực để đầu tư, ứng dụng công nghệ mới; Tăng cường hợp tác giữa ĐCTC – Fintech- doanh nghiệp công nghệ - Đại học…
Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển Fintech tại Việt Nam, TS Cấn Văn Lực đề xuất các trường đại học, viện nghiên cứu, nên tham gia hợp tác 4 bên ĐCTC – Fintech- doanh nghiệp công nghệ - Đại học; đào tạo, phát triển nhân lực Fintech; tham gia giáo dục tài chính, truyền thông.
Hội thảo cũng được sự chia sẻ ý kiến tham luận của các đại biểu là các nhà quản lí đến từ các cơ quan lãnh đạo và quản lý nhà nước: Văn phòng Chính phủ, Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, các bộ, ngành liên quan; cán bộ, giảng viên và nhà khoa học đến từ các trường đại học trong và ngoài nước; chuyên gia tài chính, ngân hàng và công nghệ đến từ các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp và công ty Fintech.
Những kiến nghị tại hội thảo sẽ được tập hợp và gửi đến các cơ quan có thẩm quyền như Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cũng như các Bộ, Ngành và các đơn vị liên quan./.
Thảo Lan
TAG: hệ sinh thái phát triển Fintech Trường Đại học Đại Nam
Tin khác
Grab tung ưu đãi “khủng” để kết nối người dân với tuyến Metro số 1
TPHCM: 14 nhà ga của tuyến Metro số 1 đồng loạt mở cửa và sẵn sàng đón khách từ 10g ngày 22/12
Mất cân bằng tài chính từ trào lưu đốt tiền ‘xé túi mù’
'Cuộc chơi' của Temu tại VN: Từ rầm rộ đến dừng hoạt động
Idemitsu Kosan, Sagri và Lasuco hợp tác triển khai Dự án Giảm phát thải Carbon đầu tiên tại Việt Nam cho vùng nguyên liệu mía Lam Sơn
Tập đoàn Sev.en Global Investments công bố kế hoạch đầu tư chiến lược tại Việt Nam
Grab và DatVietVAC hợp tác nâng cao trải nghiệm dịch vụ tại Việt Nam
Cơ hội để doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng, tiêu dùng bền vững ngành hàng không
Nestlé Việt Nam đón nhận “Giải Vàng Chất lượng Quốc gia” lần thứ 2