Phòng, chống TNXH
Trang chủ / Xã hội / Phòng, chống TNXH
Bà Rịa – Vũng Tàu thực hiện mô hình đảm bảo quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm
10:28 AM 21/09/2020
(LĐXH)-Bà Rịa – Vũng Tàu là tỉnh phát triển mạnh về dịch vụ du lịch, ngành công nghiệp giải trí, vì vậy đã thu hút đông đảo người dân đến sinh sống, làm việc, vui chơi, nghỉ dưỡng, thúc đẩy sự phát triển của các loại hình kinh doanh dịch vụ nhà hàng, khách sạn, bar, karaoke, massage, nhà trọ…
Thành phố Vũng Tàu là nơi dễ phát sinh tệ nạn mại dâm
Đây cũng là những ngành nghề tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tệ nạn mại dâm với nhiều hình thức biến tướng, núp bóng các cơ sở để hoạt động mại dâm. Số lượng người mại dâm hoạt động trên địa bàn ước tính khoảng 200 người, hầu hết là người có hộ khẩu thường trú ngoài tỉnh.
Nhằm phòng, chống tệ nạn mại dâm, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã triển khai các Mô hình thí điểm cung cấp dịch vụ hỗ trợ người bán dâm giai đoạn 2016 – 2020.
Với đặc điểm là địa bàn tập trung chủ yếu các cơ sở kinh doanh dịch vụ và các lao động (nhân viên nữ), số người bán dâm cũng hoạt động chủ yếu tại địa bàn này, thành phố Vũng Tàu đã được UBND tỉnh lựa chọn là địa phương thí điểm Mô hình hỗ trợ nhằm đảm bảo quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm.
Mô hình được thực hiện trong năm 2019-2020. Mục tiêu đặt ra đối với Mô  hình là tiếp cận, tư vấn cho 100 lượt người (người bán dâm, các lao động làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng hoạt động mại dâm) trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ tại địa bàn thành phố Vũng Tàu về việc đảm bảo các quyền trong quan hệ lao động, phù hợp với đặc thù công việc; tạo điều kiện để họ tham gia các hoạt động truyền thông phòng ngừa, giảm hại, phân biệt đối xử, bạo lực tại nơi làm việc.
Bên cạnh đó, Mô hình phấn đấu đảm bảo tối thiểu: 15 người bán dâm được tiếp cận, chuyển gửi và sử dụng dịch vụ hỗ trợ, tư vấn, can thiệp, đảm bảo các quyền theo quy định của pháp luật về lao động; 80 lượt người là đại diện cơ sở kinh doanh dịch vụ và 200 lao động được tham gia các hoạt động truyền thông, tọa đàm nâng cao nhận thức, trách nhiệm về quyền của người lao động tại cơ sở.
Đề triển khai mô hình, bên cạnh sự quan tâm của Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Sở Lao động – TB&XH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã cử cán bộ tham gia lớp tập huấn triển khai mô hình hỗ trợ người bán dâm, đây là cơ sở tổ chức triển khai hoạt động các mô hình trong năm 2020 được đảm đúng theo hướng dẫn của Bộ LĐTBXH. Bên cạnh đó, Sở cũng đã phối hợp với các tổ chức, cá nhân có trình độ chuyên môn và kỹ năng trong triển khai hoạt động hỗ trợ người bán dâm tại cộng đồng giảng dạy, tập huấn cho thành viên Ban chủ nhiệm, các nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực các mô hình.
Lớp tập huấn công tác phòng, chống ma túy, mại dâm
Cùng với đó, nhằm hực hiện các mục tiêu đề ra, thành phố Vũng Tàu đã chỉ đạo các cơ quan, tổ chức liên quan hỗ trợ, thiết lập, duy trì và phát triển thành viên các nhóm đồng đẳng, câu lạc bộ của người bán dâm.
Các nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực hỗ trợ người bán dâm, người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV đã được thành lập và duy trì hoạt động từ các dự án phòng, chống HIV/AIDS của ngành Y tế trong những năm trước đây đã mang hiệu quả nhất định. Để phát huy tối đa hiệu quả của mô hình này, Sở Lao động – TB&XH đã chỉ đạo Phòng Phòng chống tệ nạn xã hội liên hệ, phối hợp với các nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực để hỗ trợ các hoạt động của mô hình, trong đó có hai nhóm: Nhóm Bình Minh và Câu lạc bộ Chúng tôi là Phụ nữ. Từ năm 2019 đến nay, Sở Lao động – TB&XH đã vận động nhóm Câu lạc bộ Chúng tôi là Phụ nữ tham gia phối hợp triển khai thực hiện mô hình tại địa bàn thành phố Vũng Tàu từ năm 2019 đến nay.
Câu lạc bộ đã triển khai các hoạt động như: phối hợp tổ chức 02 hội thảo; 05 cuộc tập huấn nâng cao năng lực cho 150 lượt người là Ban chủ nhiệm mô hình, tiếp cận viên, các thành viên nhóm tự lực, nhóm đồng đẳng; tổ chức 05 cuộc truyền thông nhằm đảm bảo quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ cho 460 lượt người là chủ (đại diện), lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn Tp.Vũng Tàu. Định kỳ hàng tháng tổ chức sinh hoạt nhóm cho 10 lượt người/buổi.
Bên cạnh đó, thành phố đã chủ động kết nối với các đơn vị cung cấp dịch vụ và huy động sự ủng hộ của các cơ quan thi hành pháp luật cho hoạt động của nhóm. Qua các cuộc hội thảo tọa đàm với các bên liên quan, đặc biệt với sự tham gia của ngành Y tế, Phòng Phòng, chống tệ nạn xã hội đã chỉ đạo trực tiếp nhóm Câu lạc bộ Chúng tôi là phụ nữ lập bản đồ các dịch vụ có sẵn trên địa bàn nhằm kịp thời hỗ trợ cho khách hàng khi có nhu cầu. Trong quá trình triển khai thực hiện đã nhận được sự đồng thuận, tạo điều kiện cũng như sự phối hợp của Phòng Lao động – TB&XH thành phố Vũng Tàu, điều đó đã đảm bảo tính bền vững và hiệu quả thực hiện của mô hình.
Nhằm triển khai hoạt động truyền thông cộng đồng, Sở giao cho Phòng Phòng, chống tệ nạn xã hội thiết kế và in ấn tài liệu, tờ rơi truyền thông về phòng, chống mại dâm, các quyền lợi hợp pháp cho các lao động, phòng, chống HIV… để Câu lạc bộ cấp phát cho người tham gia các buổi truyền thông cộng đồng.
Ban chủ nhiệm nhóm Chúng tôi là Phụ nữ còn cung cấp số điện thoại đường dây nóng nhằm hỗ trợ khẩn cấp giữa các thành viên của nhóm; số điện thoại đường dây nóng cũng được in rõ vào các tài liệu truyền thông, tờ rơi… khi thực hiện các hoạt động truyền thông cộng đồng, nhờ đó đã tạo sự lan tỏa, kết nối thông tin giữa nhóm Chúng tôi là Phụ nữ với người bán dâm, lao động làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ đã được tiếp cận.  Nhờ vậy, đã hỗ trợ tổ chức hiệu quả các hoạt động can thiệp giảm hại và kết nối dịch vụ hỗ trợ xã hội.
Có thể thấy, qua triển khai các hoạt động hỗ trợ thành viên Ban chủ nhiệm, tiếp cận viên các nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực, câu lạc bộ người bán dâm đã góp phần nâng cao năng lực hoạt động, kỹ năng tiếp cận, tư vấn, truyền thông đến người bán dâm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ. Lao động làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng hoạt động mại dâm đã được trang bị những kiến thức cơ bản về phòng, chống mại dâm, các quyền lợi hợp pháp theo duy định của Pháp luật đối với lao động làm việc tại các CSKDDV; các kỹ năng phòng, chống các bệnh lây truyền qua quan hệ tình dục, phòng, chống HIV/AIDS… Từ đó, góp phần tích cực kìm chế sự phát triển các hoạt động mại dâm trên địa bàn thành phố./.

Thu Hiền
 
TAG:
Tin khác
Quét mã QR trên Cổng Thông tin điện tử nhân đạo quốc gia để ủng hộ người khuyết tật, trẻ mồ côi
Nam Định: Đổi mới công tác bảo hiểm xã hội, góp phần bảo vệ quyền lợi của người lao động
Kết quả thực hiện công tác phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán ở Long An
Hiệu quả mô hình “Tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng” ở Đồng Nai
Herbalife Việt Nam đồng hành cùng Báo Tuổi Trẻ tổ chức Cuộc Thi Lan Tỏa Năng Lượng Tích Cực lần thứ năm liên tiếp
Chương trình Đi bộ từ thiện Đinh Thiện Lý: 20 năm những bước chân chia sẻ
TP.HCM: Người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH được nhận gộp lương 2 tháng trước Tết
Quảng Ngãi nâng cao năng lực cho tình nguyện viên phòng, chống mua bán người
'Tháp Eiffel bốc cháy': Cách phân biệt tin giả thời AI