9 tháng năm 2023, ngành Hải quan bắt giữ, xử lý hơn 12,9 nghìn vụ việc vi phạm pháp luật Hải quan
(LĐXH) Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, luỹ kế 9 tháng năm 2023, toàn ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý: 12.903 vụ việc vi phạm pháp luật Hải quan. Trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 5.025 tỷ đồng. Cơ quan Hải quan đã khởi tố 26 vụ và chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 85 vụ. Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước: 384,7 tỷ đồng.
Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại (GLTM) trong tháng không phát sinh điểm nóng về buôn lậu, GLTM và hàng giả nhưng đánh giá chung trong Quý III/2023, tình hình buôn lậu, GLTM diễn biến phức tạp, tập trung vào một số hành vi như: không khai báo, khai hải quan không đúng với thực tế hàng hóa; che giấu nguồn gốc, tuyến đường của lô hàng nhằm buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng cấm, ma túy, động vật hoang dã, tiền tệ qua biên giới; nhập khẩu hàng hóa không đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn, quy chuẩn. Các địa bàn phát sinh các vụ việc buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa có số vụ việc, trị giá tang vật lớn như Lào Cai, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hải Phòng, Hồ Chí Minh, Nghệ An, Quản Trị, Quảng Bình, An Giang....
Hoạt động vật chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới tập trung chủ yếu qua tuyến đường hàng không, đường bộ ở các tỉnh phía Nam, quá trình kiểm soát hành lý của hành khách xuất nhập cảnh, cơ quan Hải quan thường xuyên phát hiện việc hành khách xuất, nhập cảnh mang tiền, ngoại tệ vượt định mức nhưng không khai báo hải quan.
Cơ quan Hải quan thực hiện kiểm tra, phát hiện, xử lý các vụ việc vi phạm
Hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy qua biên giới diễn ra hết sức phức tạp. Các đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức vận chuyển với thủ đoạn ngày càng tinh vi như: cất giấu, ngụy trang ma tuý thành hàng hóa, hành lý thông thường; mang theo người. Đối với tuyến đường bộ tập trung chủ yếu tại các các cửa khẩu biên giới giáp với Lào, Campuchia và Trung Quốc. Tình hình tội phạm ma túy có chiều hướng gia tăng trên tuyến hàng không, tập trung chủ yếu qua cảng hàng không quốc tế: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng từ các nước Châu Âu, Châu Mỹ, có sự chuyển dịch từ Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất ra Sân bay quốc tế Nội Bài sau đó vận chuyển bằng đường bộ, đường sắt vào phía Nam với các loại ma túy tổng hợp, các loại thuốc tân dược có chứa chất gây nghiện, hướng thần, cần sa thường ngụy trang trong các gói kẹo, thực phẩm chức năng, thức ăn chó mèo, mỹ phẩm... Trong đó, xuất hiện hiện tượng mới các chất ma túy từ các nước quá cảnh đi Lào.
Trước tình hình trên, Tổng cục Hải quan đã chủ động ban hành các văn bản chỉ đạo, cảnh báo cho các Cục Hải quan tỉnh thành phố, hướng dẫn thực hiện công tác chống buôn lậu, GLTM: Cảnh báo đối tượng, tuyến đường, thủ đoạn cất giấu chất ma tuý; Cảnh báo thủ đoạn vận chuyển hàng hoá vi phạm pháp luật qua tuyến hàng không; trao đổi kinh nghiệm và hướng dẫn nghiệp vụ kiểm soát ma túy. Chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành tăng cường sử dụng máy phát hiện ma túy; Triển khai thông báo kết luận của Trưởng Ban chỉ đạo 389 quốc gia tại Công văn số 59/BTC-BCĐ ngày 16/6/2023; Tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép lợn qua biên giới vào Việt Nam.
Tổng cục Hải quan đã tổ chức Hội nghị trao đổi về công tác nghiệp vụ kiểm soát hải quan; phòng, chống ma túy và kỹ thuật, tàu thuyền tại Đà Nẵng và tổ chức lớp Tập huấn công tác quản lý, huấn luyện và sử dụng chó nghiệp vụ do chuyên gia Hải quan Cuba giảng dạy. Triển khai trong toàn ngành các hoạt động hưởng ứng ngày “Người dân phòng, chống mua bán người – 30/7”. Làm việc với Giám đốc Văn phòng Cục Phòng chống ma túy và thực thi pháp luật quốc tế (INL) nhằm tăng cường hợp tác hơn nữa để thúc đẩy các hoạt động phòng chống ma túy và thực thi pháp luật quốc tế. Tiếp và làm việc với đoàn đại biểu Tổng cục Cảnh sát Đài Loan về hợp tác chống buôn lậu và chống buôn lậu ma túy. Tham dự Hội thảo Phân tích và quản lý các vụ việc bắt giữ và lập hồ sơ rủi ro trong khuôn khổ Chiến dịch Con rồng Mê Kông V.
Với vai trò là cơ quan tham mưu, giúp việc cho Lãnh đạo Bộ Tài chính trong công tác phòng, chống rửa tiền; chống tài trợ, phòng chống khủng bố, Tổng cục Hải quan đã thực hiện các nhiệm vụ của Tổ giúp việc Ban chỉ đạo PCRT quốc gia, Tổ giúp việc sau đánh giá đa phương APG, Nhóm đánh giá rủi ro quốc gia về PCRT trong việc tổng hợp số liệu, báo cáo, tham gia ý kiến, đánh giá rủi ro của Ngành Hải quan liên quan đến công tác phòng, chống rửa tiền và chống tài trợ, phòng, chống khủng bố.
Về kết quả bắt giữ và xử lý vi phạm: Trong Qúy III/2023, toàn ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý: 4.835 vụ việc vi phạm pháp luật Hải quan. Trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 2.350 tỷ đồng. Cơ quan Hải quan đã khởi tố 8 vụ và chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 26 vụ. Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước: 70 tỷ đồng. Luỹ kế 9 tháng năm 2023 (Từ 16/12/2022 - 15/9/2023), toàn ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý: 12.903 vụ việc vi phạm pháp luật Hải quan. Trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 5.025 tỷ đồng. Cơ quan Hải quan đã khởi tố 26 vụ và chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 85 vụ. Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước: 384,7 tỷ đồng./.
Thảo Lan